Nghĩa địa cá voi trong sa mạc
(TNO) Là một trong những vùng khô hạn nhất trên thế giới, mỗi năm chỉ nhận chừng vài chục mm nước mưa; thế nhưng, khi những đụn cát trong sa mạc Sahara khu vực thuộc Ai Cập dịch chuyển thì xuất hiện rất nhiều xương hóa thạch của cá voi.
Các hóa thạch của tổ tiên loài cá voi hiện đại này đã chứng minh hơn 50 triệu năm trước vùng sa mạc có tên gọi Wadi al-Hitan từng là đại dương bao la.
Wadi al-Hitan được phát hiện năm 1902, nằm cách Cairo 150 km về phía tây nam, hiện được trưng bày như một bảo tàng ngoài trời được du khách rất ưa thích mỗi khi có dịp đến Ai Cập.
Daily Mail cho biết thung lũng cá voi là địa điểm được các nhà cổ sinh vật học lẫn địa chất học quan tâm hàng đầu vì vị trí địa lý khác thường của nó.
Nghiên cứu khoa học cho thấy khoảng 50 triệu năm trước Wadi al-Hitan là đáy của đại dương Tethys nằm ở khoảng giữa châu Phi và châu Á trước khi Ấn Độ dịch chuyển để nhập vào địa lục và làm trồi lên dãy Himalaya.
Các bộ xương cá voi cổ đại trong sa mạc cung cấp một manh mối vô cùng quan trọng là chúng tiến hóa từ loài thú có chân sống trên cạn. Đó là lý do nhiều loài cá voi và cá heo lại có xương hông phantom giống như phần gắn liền giữa chân và cơ thể loài thú trên cạn.
Trong thung lũng cá voi này có loài Basilosaurus dài đến 20 m và loài dorudon thì nhỏ hơn một chút, theo Daily Mail.
Tạ Xuân Quan |
Theo Thanh Niên