Nghị sĩ Mỹ kêu gọi Google, Facebook phản đối luật an ninh mạng Việt Nam
Theo Reuters, 17 nhà lập pháp Mỹ đã cùng ký tên vào một bức thư kêu gọi CEO của Facebook, Google và các công ty công nghệ toàn cầu khác phản đối các thay đổi quy định trong luật an ninh mạng mà Quốc hội Việt Nam thông qua hồi tháng 6/2018.
Luật an ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6/2018 và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019. Luật này yêu cầu Facebook, Google và các công ty công nghệ toàn cầu phải lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam trong lãnh thổ Việt Nam và họ cũng phải mở văn phòng đại diện tại quốc gia Đông Nam Á này.
17 nghị sĩ thuộc nhóm nhà lập pháp chuyên trách các vấn đề Việt Nam đã cùng ký vào bức thư gửi các công ty công nghệ Mỹ, Reuters đã xem bức thư này, trong đó có đoạn viết: “Nếu chính phủ Việt Nam cưỡng chế doanh nghiệp của quý vị phải trợ giúp và hỗ trợ kiểm duyệt, thì đấy là một vấn đề quan ngại cần phải được dấy lên về mặt ngoại giao và ở các cấp độ cao nhất”.
Trong bức thư mà 17 nghị sĩ ký hôm 12/7 nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi quý vị hãy thực hiện đầy đủ sứ mệnh mà quý vị đã tuyên bố về việc thúc đẩy sự cởi mở và kết nối”.
Theo Reuters, từ trước khi Quốc hội Việt Nam tiến hành thông qua luật an ninh mạng, các công ty công nghệ toàn cầu đã phản đối các điều khoản yêu cầu họ phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại địa phương, nhưng các công ty này không đưa ra lập trường cứng rắn tương tự đối với các phần khác của luật an ninh mạng, trong đó thúc đẩy việc chính phủ Việt Nam sẽ trấn áp mạnh mẽ hơn các hoạt động chính trị trên mạng trực tuyến.
Tuy nhiên, các quan chức của các công ty công nghệ toàn cầu cũng đã bày tỏ lo ngại rằng các trung tâm dữ liệu và văn phòng tại Việt Nam có thể giúp các nhà chức trách địa phương dễ dàng nắm bắt dữ liệu khách hàng hơn và khiến nhân viên địa phương có nguy cơ bị bắt giữ.
Ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành Liên minh Internet Châu Á (AIC), một tổ chức xã hội nghề nghiệp từng dẫn dắt các nỗ lực nhằm làm mềm hóa luật an ninh mạng Việt Nam trước khi nó được thông qua, đã nói rằng luật này đã khiến cho uy tín thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trở nên “rất không chắc chắn”.
Trong một tuyên bố phản hồi lại lá thư của 17 nghị sĩ Mỹ, thay mặt cho 11 thành viên AIC, trong đó có Facebook và Google, ông Paine cho hay: “Việt Nam sẽ cần một cách tiếp cận tiến bộ hơn và các quy định thông minh hơn về công nghệ trực tuyến và các dịch vụ kỹ thuật số để đem lại lợi ích cho nền kinh tế quốc gia và người dân đất nước này trong dài hạn”.
Reuters đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Việt Nam để yêu cầu bình luận về lá thư của các nghị sĩ Mỹ gửi các công ty công nghệ toàn cầu, nhưng không nhận được phản hồi.
Sau khi luật an ninh mạng Việt Nam chính thức được thông qua, do lo ngại về việc bị kiểm soát chặt chẽ hơn, một số nhà hoạt động người Việt đã tìm kiếm các nền tảng mạng xã hội khác để thay thế cho Facebook, trong đó nhiều người đã chuyển sang mạng xã hội Minds.
Ông Bill Ottman, sáng lập của Minds.com – mạng xã hội có trụ sở chính tại Mỹ được cho là có chủ trương thúc đẩy tự do ngôn luận trên Internet, mới đây nói rằng kể từ khi Việt Nam thông qua luật an ninh mạng, Minds.com đã có thêm khoảng 150.000 tài khoản mới khởi tại từ Việt Nam.
Theo Trithucvn