Nghệ An: Hàng trăm nhà dân bị nứt toác, ‘hố tử thần’ xuất hiện trong sân
Khoảng 3 năm trở lại đây, ‘hố tử thần’ liên tục xuất hiện tại Nghệ An, hàng trăm giếng nước nơi đây cũng bị cạn trơ đáy, nhiều nhà dân và trường học nứt toác có khả năng sập bất cứ lúc nào… cuộc sống của người dân không chỉ khó khăn mà tính mạng của họ cũng bị đe dọa.
Giếng cạn trơ đáy, không còn 1 giọt nước
Theo trang Tri Thức Trẻ, cứ chiều đến, anh Trịnh Văn Tùng (trú bản Poòng, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) lại phải mang theo những chiếc can nhựa đi ra con suối cách nhà khoảng 5km để lấy nước về cho cả gia đình. Trời đầu hè nắng nóng, nước sinh hoạt dùng nhiều nên có ngày anh Tùng phải đi đến 3 – 4 lần mới lấy đủ nước dùng.
Anh Tùng chia sẻ, 3 năm trước gia đình anh có 1 chiếc giếng đào lúc nào cũng đầy nước. Tuy nhiên từ năm 2019, giếng nước bất ngờ cạn dần và khô đáy. Anh thuê thợ về đào sâu thêm gần 10m nữa nhưng giếng vẫn không có giọt nước nào nên đành phải lấp lại.
Vì không có giếng nên anh Tùng phải làm bể hứng nước mưa. Nhưng thời tiết thất thường, nước mưa không đủ dùng nên hàng ngày anh phải ra suối lấy nước về cho cả nhà sinh hoạt.
Được biết, đây là tình trạng chung của các hộ dân ở xã Châu Hồng suốt nhiều năm qua chứ không chỉ riêng nhà anh Tùng. Nhiều hộ dân khi giếng đào hết nước đã thuê máy về làm khoan giếng sâu thêm hàng chục mét. Vậy nhưng nước cũng chỉ có thời gian đầu rồi cũng cạn kiệt dần.
Theo chia sẻ của người dân xã Châu Hồng thì từ trước đến nay xã này chưa bao giờ xảy ra tình trạng mất nước nghiêm trọng như vậy. Tuy nhiên 3 năm trở lại đây, tình trạng mất nước nghiêm trọng này đột nhiên xuất hiện khiến họ vô cùng lo lắng.
Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2019 đến nay, toàn xã Châu Hồng có 279 giếng nước sinh hoạt bị cạn khô đáy. Việc thiếu nước sinh hoạt khiến cuộc sống của người dân địa phương bị đảo lộn và ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hố tử thần liên tục xuất hiện; nhà dân, trường học nứt toác
Không chỉ xảy ra tình trạng mất nước, tại xã Châu Hồng còn xuất hiện hàng loạt ‘hố tử thần’. Nhiều nhà dân, công sở cũng bị sụt lún, nứt toác.
Chia sẻ với phóng viên, anh Lương Văn Thắm (trú bản Na Noong, xã Châu Hồng) vẫn chưa hết hốt hoảng khi nhớ lại ngày 15/10/2021, khi anh đang ngồi chơi cùng các con trong sân nhà thì đột nhiên trên sân xuất hiện nhiều vết nứt.
Anh Thắm vội vàng đến kiểm tra vị trí vết nứt thì phát hiện một mảng đất bên dưới đã bị sụt xuống tạo thành một ‘hố tử thần’ rộng lớn. ‘Hố tử thần’ trong nhà anh Thắm sâu khoảng 3m, rộng khoảng 6m.
Sợ ‘hố tử thần’ này sẽ làm sập nhà, thời gian đó anh Thắm phải đưa vợ con gửi ở nhờ nhà người thân.
Mới đây nhất vào ngày 02/05/2022, ngôi nhà của ông Lương Văn Trường (SN 1962, trú bản Na Hiêng) cũng bất ngờ xuất hiện một hố sụt lún rộng khoảng 1m, sâu 1m ngay bên trái cửa ra vào nhà.
Ngoài ra căn nhà của ông Trường lúc này cũng xuất hiện nhiều vết nứt, ban đầu những vết nứt này rất nhỏ nhưng càng ngày càng lan rộng ra.
Vì lo sợ căn nhà sẽ bị đổ sập bất ngờ nên sau đó ông Trường đã vận chuyển các tài sản ra ngoài và đến xin ở nhờ nhà người thân. Đồng thời, báo sự việc lên chính quyền địa phương để có hướng theo dõi, xử lý.
Cũng gặp tình trạng tương tự như ông Trường, căn nhà của ông Lô Văn Ngọc (SN 1971, trú bản Na Hiêng) vào đầu năm 2022 cũng xuất hiện một hố rộng 1,5m. Ông Ngọc sau đó đã tự gia cố, lấp bằng cát, xi măng rất chắc chắn. Tuy nhiên phần gia cố này hiện đã có dấu hiệu lõm xuống, xung quanh miệng có vết rạn nứt khiến ông Ngọc vô cùng lo lắng.
“Phần bao quanh miệng hố bắt đầu có hiện tượng bị lõm xuống. Chúng tôi thực sự rất lo lắng, không biết hố sẽ lại sụt lúc nào. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân xảy ra hiện tượng này”, ông Ngọc chia sẻ và nghi ngờ nguyên nhân của sự việc này là do việc khai thác quặng trên địa bàn.
Không chỉ nhà dân, tại trụ sở UBND xã Châu Hồng và trường mầm non xã Châu Hồng cũng xảy ra tình trạng rạn nứt với diện tích lớn. Cô Trần Thị Hòa – Hiệu trưởng trường mầm non xã Châu Hồng cho biết, trường có 5 dãy nhà thì có đến 4 dãy nhà xuất hiện tình trạng nứt nẻ.
Hiện toàn trường mầm non xã Châu Hồng có hơn 200 học sinh theo học. Hàng ngày để đảm bảo an toàn, các giáo viên sẽ đảo quanh lớp một vòng để kiểm tra tình hình các vết rạn nứt rồi mới quyết định đón học sinh vào lớp học hay không.
“Giờ không học ở đây thì cũng chẳng biết di dời đi đâu. Chúng tôi chỉ còn cách mỗi ngày đều phải theo dõi tình hình”, cô Hòa nói và cho biết, có hôm cô trò đang ngủ trưa thì tiếng rạn nứt xuất hiện khiến cả cô lẫn trò hú vía.
Nghi vấn doanh nghiệp khai thác quặng thiếc làm mất nguồn nước, gây nứt nẻ nhà dân
Báo Dân Trí dẫn thống kê của UBND xã Châu Hồng cho biết, từ cuối năm 2019 đến tháng 04/2022, trên địa bàn xã này xuất hiện 13 hố ‘tử thần’ sụt lún, trong đó, nhiều hố rộng 2 – 7m, sâu 2 – 2,5m. Để đảm bảo an toàn, tại khu vực các hố đều được đặt biển cảnh báo. Hơn một nửa số hố này đã được lấp lại. Ngoài ra còn có 279 giếng nước sinh hoạt bị cạn trơ đáy, 114 nhà dân bị rạn nứt.
Ước tính tổng thiệt hại lên đến 57 tỷ đồng.
Liên quan đến tình trạng trên, ông Trương Văn Hóa – Chủ tịch xã Châu Hồng cho biết, khoảng hơn 1 tháng qua xã đã xuất hiện thêm 2 ‘hố tử thần’ mới. Trường học, trụ sở ủy ban xã cũng đã bị nứt nẻ nhiều.
Nói về nghi vấn doanh nghiệp khai thác quặng thiếc làm mất nguồn nước, gây nứt nẻ nhà dân, lãnh đạo xã Châu Hồng cho biết cơ quan chức năng hiện đã liên hệ, thuê cơ quan địa chất Bắc Trung bộ về khảo sát để tìm nguyên nhân của tình trạng này. “Trong khi chờ đợi nguyên nhân cũng như phương án, chúng tôi khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra các vết nứt, lún để kịp thời báo cáo chính quyền địa phương để có hướng xử lý. Người dân cũng được khuyến cáo phải di dời nếu nhà có nguy cơ đổ sập”, ông Hóa nói.
Vũ Tuấn (t/h)