Ngày Thế giới chống mổ cướp tạng 1/10: Tội ác vẫn đang bành trướng và tiếp diễn
Bắt đầu từ năm 2016, Hiệp hội các bác sỹ chống mổ cướp tạng (DAFOH) đã chọn ngày 1 tháng 10 hàng năm là ngày Thế giới chống mổ cướp tạng, và không ngẫu nhiên khi ngày này lại trùng khớp với ngày Quốc khánh của Trung Quốc.
Tội ác thu hoạch nội tạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn tại Trung Quốc đã được biết đến hàng chục năm qua, và ngày càng nhiều báo cáo từ các nhà điều tra độc lập cho thấy các bằng chứng không thể chối cãi về tội ác này. Thế nhưng cho đến hiện tại, chính quyền ĐCSTQ vẫn tiếp tục mổ cướp tạng từ những tù nhân lương tâm, với quy mô ngày càng lớn, bất chấp sự phản đối của quốc tế.
Theo đó, ĐCSTQ đã mổ lấy nội tạng từ người sống để bán lấy tiền, hình thành nên hai ngành công nghiệp ghê rợn tại Trung Quốc là công nghiệp ghép tạng và công nghiệp nhựa hóa thi thể. Nạn nhân của tội ác này là nhóm người tập khí công bị đàn áp Pháp Luân Công, nhóm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, nhóm người Phật giáo Tây Tạng, và nhóm các thành viên Thiên Chúa giáo tại gia.
Vào năm 2013, Hiệp hội các bác sĩ chống mổ cướp nội tạng (DAFOH) có trụ sở ở Washington đã lập trang Dafoh.org thu thập chữ ký của người dân trên thế giới để đệ trình lên Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng của người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Sau 3 năm, thông qua Hiệp hội này đã có rất nhiều người ở khắp nơi trên thế giới ký tên kêu gọi chấm dứt tội ác tàn bạo này. Vào đầu năm 2016, Hiệp hội này đã được đề cử giải Nobel Hòa Bình. Ngày 1/10/2016 đánh dấu lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế đối với Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt tội ác mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công, người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và các tù nhân lương tâm khác tại Trung Quốc, DAFOH đã quyết định chọn ngày này là ngày Thế giới chống mổ cướp tạng. Ngày 1/10 cũng là ngày Quốc khánh Trung Quốc, đánh dấu thời điểm Đảng cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949.
Tội ác cưỡng bức nội tạng của những tù nhân lương tâm với quy mô lớn của ĐCSTQ đã được phơi bày rõ trong báo cáo dày 700 trang năm 2016 của các tác giả David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada, luật sư nhân quyền David Matas và nhà báo điều tra Ethan Gutmann, trong đó giải thích cách mà các bệnh nhân cấy ghép tạng có thể tới Trung Quốc và thay tạng mới chỉ trong vài ngày hoặc thậm chí vài giờ nếu họ có thể chi trả được chi phí. Trong khi đó, ở các nước khác thông thường các bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng phải chờ đợi hàng năm mới đến lượt.
Theo báo cáo nêu trên, từ năm 2000 đến năm 2015, ĐCSTQ được cho là đã thực hiện từ 60.000 tới 100.000 ca ghép tạng mỗi năm, với nguồn tạng chủ yếu được lấy từ những người tập Pháp Luân Công. Hàng trăm ngàn người tập Pháp Luân Công đang bị giam giữ tùy tiện trong các trại lao động cưỡng bức khắp Trung Quốc là những người rất dễ bị ĐCSTQ cho vào danh sách để “thu hoạch nội tạng cưỡng bức”.
Mặc dù từ năm 2015, chính quyền Trung Quốc tuyên bố đã ngưng sử dụng nội tạng từ các tử tù. Nhưng ông Matas và Gutmann có chứng cứ cho thấy, việc sử dụng nội tạng này vẫn đang diễn ra. Tử tù và các tù nhân lương tâm bao gồm cả người tập Pháp Luân Công trở thành nguồn cung nội tạng bị cưỡng bức.
“Download cuốn sách này tại đây (book+cover): https://vn.minghui.org/books/bloody-harvest-vn.pdf.zip (2.2M)”
Ông David Matas và Ethan Gutmann cho rằng lợi nhuận cao cũng có thể là động cơ để chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục mổ sống lấy nội tạng. Từng có bệnh viện Trung Quốc công bố chi phí cho ghép nội tạng mới, một lá gan có giá 98.000 – 130.000 đô la Mỹ, một quả tim có giá từ 130.000 – 160.000 đô la Mỹ.
Qua việc tìm hiểu các xuất bản phẩm về điều trị y học của Trung Quốc, số liệu trên các trang website của bệnh viện và gọi điện thoại cho bệnh viện, hai nhà điều tra Ethan Gutmann và David Matas tính toán, tại Trung Quốc, mỗi năm có thể có từ 60.000 – 100.000 ca phẫu thuật ghép tạng. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc phủ nhận điều này.
Thời gian gần đây, báo chí quốc tế cũng thông tin nhiều về việc chính quyền ĐCSTQ tiếp tục bức hại các nhóm tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó ngoài Pháp Luân Công còn có tín đồ Công giáo, Phật giáo Tây Tạng và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, cùng các nhóm thiểu số khác.
Vào tháng 8/2018, một ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói rằng họ đã nhận được nhiều báo cáo đáng tin cậy thông tin rằng hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, Trung Quốc đã bị chính quyền ĐCSTQ bắt giữ trong các “trại tập trung lớn được ngụy trang bí mật”.
Ngày 17/9/2018, bà Louisa Greve, giám đốc đối ngoại của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, cho biết: “Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, và có thể nhiều hơn nữa, đã bị bắt đi khỏi tổng số 11 triệu cư dân ở đây. Không có người Duy Ngô Nhĩ nào có thể tránh khỏi bị bắt vào các trại tập trung, từ sinh viên, nông dân, người bán hàng, người lãnh đạo tôn giáo, nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá, giáo sư, và cả những người làm việc trong chính quyền địa phương. Phụ nữ, đàn ông, trẻ con, thanh niên, và cả người già đều đã bị bắt khỏi nhà, hay bị bắt cóc trên đường. Tân Cương là nơi kiểm nghiệm việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân trên toàn Trung Quốc”.
Trong buổi tường trình trước các thượng nghị sĩ nước cộng hòa Czech vào tháng 7/2018, nhà báo điều tra Ethan Gutmann cũng tiết lộ: “Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đang muốn chuyển [từ người tập Pháp Luân Công] sang sử dụng người Duy Ngô Nhĩ như là nguồn tạng chính. Trong năm trước, 17 triệu người Duy Ngô Nhĩ – bất kể đàn ông, phụ nữ, trẻ em, đều đã được kiểm tra máu và DNA.
ĐCSTQ đang xây dựng 9 lò hỏa thiêu tại Tân Cương. Cái thứ nhất, nằm gần Urumqi, vừa mới đi vào hoạt động. Và chính quyền Trung Quốc không thuê 2 hay 3 nhân viên bảo vệ tại một lò hỏa thiêu, như hầu hết các lò hỏa thiêu thông thường khác. Họ đang thuê tới 50 người”.
Điều đó chứng tỏ rằng Trung Quốc không hề e ngại trước sự phản đối của quốc tế, ĐCSTQ vẫn tiếp tục tội ác diệt chủng không từ một thủ đoạn nào. Đến nay, cộng đồng quốc tế đã hiểu rất rõ về tội ác của ĐCSTQ. Tuy nhiên do sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc, nhiều nước đã phải dùng hình thức lên án thay vì có hành động cấm vận nước này. Một số nước đã sửa đổi luật pháp để cấm không cho công dân của mình đến Trung Quốc ghép tạng.
Ngày 12/12/2013, Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết RC-B7-0562/2013, kêu gọi Trung Quốc lập tức chấm dứt thu hoạch nội tạng từ tù nhân.
Ngày 6/11/2014, Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế của Nghị viện Canada thông qua kiến nghị phản đối việc mổ cướp tạng ở Trung Quốc.
Ngày 16/3/2016, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết 343 yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt hoạt động mổ cướp nội tạng đối với các tù nhân lương tâm, đồng thời kết thúc cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công vốn đã kéo dài 17 năm.
Tháng 7/2016: Nghị viện châu Âu tuyên bố chính quyền Trung Quốc cần chấm dứt việc thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm.
Tháng 12/2016: Nghị viện Ý thông qua luật trừng phạt bất cứ ai bán nội tạng từ người sống trái phép, với hình phạt và án tù nghiêm khắc.
Tháng 2/2018: Hạ viện bang Arizona, Mỹ, thông qua nghị quyết HCM2004, yêu cầu nhà làm luật liên bang phản ứng và điều tra việc thu hoạch tạng tại Trung Quốc; thông qua luật cấm người dân Mỹ du lịch ghép tạng nếu nguồn gốc của tạng không thể truy nguyên; cấm các bác sĩ liên quan tới việc thu hoạch tạng tại Trung Quốc được vào Mỹ.
Tháng 3/2018: Công ước chống Buôn bán Nội tạng Người do Ủy hội châu Âu thông qua vào 3-2015 chính thức có hiệu lực. Công ước này yêu cầu các nhà nước trên thế giới phải hình sự hóa hành vi thu hoạch nội tạng và môi giới nội tạng.
Tháng 5/2018: Thượng viện bang Missouri, Mỹ, thông qua nghị quyết SCR28 kêu gọi chấm dứt việc thu hoạch tạng tại Trung Quốc, chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về tội ác này, và hứa sẽ cấm những ai tham gia vào hành vi thu hoạch tạng được tới bang này.
Gần đây, báo chí Việt Nam cũng đã lên tiếng trước tội ác mổ cướp tạng ở Trung Quốc. Hàng chục ngàn người Việt Nam đã ký tên thỉnh nguyện lên Liên Hợp Quốc đề nghị chấm dứt tội ác lịch sử này.
Video: Mổ cướp nội tạng sống – 10 năm điều tra
Tuệ Tâm (t/h)