Ngân hàng siết chặt mua bán tiền lẻ, đổi tiền mới trên mạng lấy phí có thể bị phạt đến 40 triệu
Tết Tân Sửu năm nay Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục không in tiền lẻ mới, siết chặt chuyện đổi tiền mệnh giá nhỏ ngày Tết, các cá nhân có hành vi đổi tiền nhằm hưởng chênh lệch cao có thể bị phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng theo Nghị định 88 năm 2019 của Chính phủ.
Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định tại buổi họp báo tổng kết ngành ngân hàng năm 2020, định hướng nhiệm vụ 2021 diễn ra vào sáng 24/12, theo VOV.
Cụ thể, ông Tú cho biết, năm nay Ngân hàng Nhà nước vẫn siết chặt câu chuyện đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết. Theo đó, Tết Nguyên Đán 2021 tới, chính sách đổi với việc in tiền lẻ mới vẫn được áp dụng như các năm trước, sẽ không in tiền mới mệnh giá nhỏ vào dịp Tết này.
Theo ông Tú, việc hạn chế in tiền lẻ mới dịp Tết Nguyên đán các năm qua đã giúp ngân sách tiết kiệm được hơn 3.500 tỷ đồng. Về việc đi lễ đền chùa đầu năm, ông Tú cho rằng người dân không nên đặt nặng vấn đề tiền bạc…
Việc đổi tiền mới lấy phí trên mạng có thể bị phạt đến 40 triệu đồng
Theo VOV, mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến tết nguyên đán 2021 nhưng hoạt động đổi tiền mới tiền lẻ tại TP.HCM đã rầm rộ trên mạng xã hội.
Theo khảo sát dịch vụ đổi tiền lẻ trên các trang mạng xã hội facebook có đến hàng ngàn thành viên thì phí đổi hiện đang dao động từ 10-15% và có sự chênh lệch giữa các loại tiền có các mệnh giá khác nhau.
Trong đó các loại tiền có mệnh giá nhỏ như 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng phí đổi lên tới 15%.
Theo anh T., một người cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ lâu năm tại quận Tân Bình, TP.HCM thì tiền mệnh giá 500 đồng hiện nay rất hiếm, “nếu không nhanh tay, có thể những ngày cận Tết phí đổi càng cao hơn nữa.”
Dù mức phí đổi tiền lẻ mới cận Tết không hề rẻ, tuy nhiên, ghi nhận từ thị trường này cho thấy rất đông người có nhu cầu.
Một đại lý chuyên cung cấp dịch vụ trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam cho biết nhiều khách hàng lớn đổi một lúc hơn trăm triệu đã đặt từ đầu tháng Chạp. Tuy nhiên, sôi động nhất là những ngày sau 20 tháng Chạp, khách có nhu cầu bao nhiêu thì cũng đổi.
Theo anh, Tết năm nào cũng vậy, nhu cầu đổi tiền mới rất cao, khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp, hoặc ngay cả người dân cũng có nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ để lì xì, đi lễ chùa đầu năm.
Liên quan đến vấn đề đổi tiền trên, nguồn tin từ VOV cho biết, các cá nhân có hành vi đổi tiền nhằm hưởng chênh lệch cao có thể bị phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng theo Nghị định 88 năm 2019 của Chính phủ.
Và trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, người dân cần cảnh giác vì có thể gặp phải tiền giả, lừa đảo khi đổi tiền tràn lan trên mạng.
Vũ Tuấn (t/h)