Nga thiếu tiền, bị ép bán hệ thống tên lửa S-400 cho Trung Quốc
(GDVN) – Trung Quốc giỏi lợi dụng thời điểm Nga gặp khó khăn để kiếm lợi, cuối cùng đã đợi đến lúc Nga thiếu USD để ký hợp đồng này, Nga thực ra đã bị ép bán.
Trung Quốc trở thành khách hàng đầu tiên của tên lửa S-400 Nga Hãng tin Sputnik Nga dẫn lời tổng giám đốc Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga (Rosoboronexport) Anatoly Isaikin cho biết, Trung Quốc trở thành khách hàng đầu tiên của hệ thống phòng không S-400 mới nhất của Nga, nhưng công ty Almaz-Antey cần cung ứng trước tiên cho Bộ Quốc phòng Nga. Anatoly Isaikin nói: “Tôi sẽ không tiết lộ chi tiết hợp đồng, nhưng Trung Quốc thực sự trở thành khách hàng đầu tiên của hệ thống phòng không mới nhất của Nga, điều này cho thấy quan hệ song phương của chúng tôi có cấp độ chiến lược. Rất nhiều nước hy vọng sở hữu S-400, nhưng công nghiệp quốc phòng mà đại diện là Công ty Almaz-Antey trước hết cung cấp sản phẩm này cho Bộ Quốc phòng Nga”. Cho dù có mở rộng năng lực sản xuất, nhưng đồng thời cung cấp hệ thống này cho một số quốc gia cũng rất khó. “Chúng tôi phục vụ cho Trung Quốc chính là có lợi cho chúng tôi”. Chuyên gia Vasilii Cashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga tháng 12 năm 2014 tiết lộ, hệ thống tên lửa S-400 của Nga sẽ xuất khẩu cho Trung Quốc không phải là phiên bản nền tảng mà Quân đội Nga sử dụng, mà là tên lửa hạng nặng tầm bắn có thể đạt 400 km. Loại tên lửa này có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không ở đảo Senkaku. Tên lửa S-400 nặng 1,8 tấn, dài 8,4 m, đường kính khoảng 50 cm, có thể bắn trúng mục tiêu cao 31.000 m. Đầu đạn nặng 145,5 kg. Phạm vi quét của radar tìm kiếm mục tiêu là 700 km. Tuổi thọ sử dụng của hệ thống tên lửa S-400 là 15 năm, sau đó cần tiến hành sửa chữa. Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 có thể đồng thời chỉ huy phóng 8 loại tên lửa không cùng loại, cả tầm xa, tầm trung và tầm gần, tầm bắn lớn nhất đạt 400 km, hơn gấp đôi S-300, mở rộng không gian phòng thủ. S-400 vẫn bắn thẳng đứng, có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào đến từ bất cứ phương hướng nào, bao gồm máy bay và tên lửa. Mỗi hệ thống có thể đồng thời dẫn đường cho 72 quả tên lửa tấn công 36 mục tiêu.
Trước đó, trang mạng “Strategy Page” Mỹ ngày 25 tháng 1 cho biết, Nga đã đồng ý bán 6 tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc, mỗi tiểu đoàn tên lửa này sẽ chi phí 500 triệu USD, bao gồm chi phí đào tạo, linh kiện, tên lửa bổ sung. Mỗi tiểu đoàn tên lửa S-400 có 8 thiết bị bắn, mỗi thiết bị bắn lắp 2 quả tên lửa, cộng thêm 1 trung tâm điều khiển, một bộ radar và 16 quả tên lửa đợi bắn, tất cả trang bị đều là kiểu cơ động. Theo bài báo, loại tên lửa này trước tiên sẽ dùng để đối phó Đài Loan, tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Năm 2010, Nga đã triển khai tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400 đầu tiên ở khu vực xung quanh Moscow. Quân đội Nga có kế hoạch mua tới 200 thiết bị bắn tên lửa S-400 trước năm 2015 (mỗi thiết bị bắn trang bị 2 – 4 quả tên lửa). Đến năm 2017, Nga sẽ triển khai ít nhất 18 tiểu đoàn tên lửa S-400, đến năm 2020 sẽ triển khai 56 tiểu đoàn tên lửa. Nga bán S-400 vì thiếu tiền? Tờ “Rossiyskaya Gazeta” Nga ngày 14 tháng 4 cũng có bài viết cho rằng, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên ký kết hợp đồng với Nga mua sắm hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph. Rosoboronexport đã cho biết như vậy, nhưng chưa tiết lộ số lượng mua và giá cả giao dịch. S-400 có thể bắn các tên lửa không cùng loại, bởi vậy xây dựng được hệ thống phòng không nhiều tầng. Triumph đồng thời đảm đương nhiệm vụ phòng không và nhiệm vụ phòng thủ tên lửa chiến thuật.
Trên thực tế, nhu cầu của Quân đội Nga đối với S-400 rất lớn. Ngoài ra Belarus và Kazakhstan cũng hy vọng nhanh chóng sở hữu loại hệ thống này. Nhưng quan hệ đối tác chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ quân sự có tính chất đặc biệt, điều này đã vượt qua tất cả các nhân tố khác. Trang mạng “Học giả ngoại giao” Nhật Bản ngày 14 tháng 4 cho rằng, Nga có thể đã hủy bỏ lệnh cấm bán hệ thống tên lửa S-300 cho Iran, nhưng Nga cũng đã đạt được một thỏa thuận khác, cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph cho Trung Quốc. Trung Quốc sẽ trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của hệ thống S-400 Nga. Hệ thống S-400 do Công ty Almaz-Antey chế tạo có thể bắn 3 loại tên lửa, có thể đồng thời ngắm chuẩn 36 mục tiêu. Hệ thống này có thể bắn rơi máy bay có người lái và máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, tầm bắn khoảng 400 km. Tháng 4 năm 2014, Tổng thống Tổng thống Putin đã phê chuẩn nguyên tắc tổng thể bán hệ thống này cho Trung Quốc. Hiện nay xem ra mặc dù có băn khoăn, nhưng Nga đã quyết định thực hiện thỏa thuận này. Chi tiết giao dịch thực tế chưa tiết lộ, nhưng tháng 11 năm 2014 có tin cho biết, Trung Quốc “đã ký kết hợp đồng trị giá 3 tỷ USD, thành lập ít nhất 6 tiểu đoàn tên lửa S-400, mỗi tiểu đoàn khoảng 8 hệ thống tên lửa”. Bài báo dẫn nguồn tin từ Nga cho biết, Nga sẽ thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc. Tham mưu trưởng Lực lượng tên lửa chiến lược Nga Victor Yesin cho biết: “Rất nhiều quốc gia đều muốn có loại hệ thống này, cân nhắc đến cục diện hiện nay trên sân khấu quốc tế và lợi ích có được từ cải thiện quan hệ với Trung Quốc, chúng tôi đồng ý chỉ cung cấp cho Trung Quốc. Đương nhiên là nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc. Ngoài ra, cũng có ý nghĩa chính trị – nhấn mạnh đặc điểm chiến lược của quan hệ song phương”.
Học giả chính trị Nga Yevseyev cho rằng, lần này Trung Quốc mua sắm S-400 không nên tiếp tục làm cho Washington cuồng loạn. Yevseyev giải thích: “Tôi không cho rằng, Mỹ sẽ đưa ra phản ứng kiểu bị mắc bệnh đối với vấn đề này. Không ai muốn tiến hành bất cứ cuộc tấn công tên lửa và bom nào đối với Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc nâng cao năng lực phòng không của mình không hề có nghĩa là năng lực tiêu diệt tên lửa đạn đạo cũng sẽ gia tăng sau đó”. Yevseyev tiếp tục cho rằng: “Phản ứng của Nhật Bản đối với vấn đề này có thể cũng sẽ rất bình tĩnh, bởi vì Nhật-Trung dù sao vẫn không có nhiều khả năng bắt đầu một cuộc xung đột vũ trang. Điều làm Nhật Bản lo ngại hơn là Hải quân Trung Quốc”. Kim ngạch hợp đồng dự đoán sẽ gần 3 tỷ USD. Điều này sẽ trở thành một trong những giao dịch lớn nhất trong lịch sử hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung. Đài phát thanh VOA Mỹ ngày 13 tháng 4 cũng cho rằng, quan chức Nga lần đầu tiên xác nhận, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua sắm tên lửa phòng không S-400 tiên tiến của Nga. Bài viết dẫn lời một học giả Nga cho rằng, Trung Quốc giỏi lợi dụng thời điểm Nga gặp khó khăn để kiếm lợi, hiện nay cuối cùng đã đợi đến lúc Nga thiếu tiền, đặc biệt là cần ngoại tệ đồng USD để ký hợp đồng này. Nga bị ép bán tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc. Theo bài báo, Nga ít nhất phải sau năm 2016 mới có thể cung cấp hàng cho Trung Quốc. Tổng giám đốc Anatoly Isaikin của Rosoboronexport cho biết, tương tự với Ấn Độ, khi mua sắm vũ khí của Nga hiện nay, Trung Quốc cũng đã đưa ra yêu cầu “mặc áo theo khổ người”, hy vọng Nga sản xuất vũ khí theo yêu cầu riêng của Trung Quốc, đồng thời đưa thêm một số hệ thống con do Trung Quốc tự sản xuất vào trang bị chỉnh thể, thay thế hệ thống do Nga chế tạo.
Putin hủy bỏ lệnh cấm cung cấp tên lửa phòng không S-300 cho Iran Cũng liên quan đến tên lửa Nga, tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc ngày 13 tháng 4 dẫn Cơ quan thông tin của Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hủy bỏ lệnh cấm cung cấp tên lửa phòng không S-300 cho Iran. Theo hãng tin tin tức Sputnik Nga ngày 13 tháng 4, tuyên bố cho hay: dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển tên lửa phòng không S-300 đi qua lãnh thổ Liên bang Nga (bao gồm không phận), lệnh cấm cung cấp loại tên lửa phòng không này cho nước Cộng hòa Hồi giáo Iran từ lãnh thổ Nga và sử dụng máy bay và tàu thuyền mang quốc kỳ Liên bang Nga vận chuyển tên lửa phòng không S-300 cho nước Cộng hòa Hồi giao Iran ở ngoài Liên bang Nga. |
Theo Báo Giáo dục Việt Nam