Nếu tiền tài không mua được niềm vui, thì cái gì mới có thể làm chúng ta vui?
Vui vẻ là một tâm trạng, một cảm giác không thể nắm bắt được, cũng khó mà kéo dài, nhưng mỗi người đều muốn có nó, tìm kiếm nó. Có câu, tiền tài chưa chắc mang đến niềm vui, vậy điều gì mới thực sự vui?
Niềm vui thường liên quan đến tiền bạc. Ví dụ, một bộ quần áo phải suy nghĩ thật lâu, thật khó khăn cuối cùng mới mua được, cảm giác trong lòng rất sung sướng, thỏa mãn.
Hoặc là mơ ước một cái máy tính, một cái điện thoại, không thể không có nó, một khi có được sẽ lập tức dùng thử, có đôi khi phấn khích không kiềm chế được, muốn chạy ra ngoài khoe khoang một phen. Loại niềm vui này không có tiền thì khó mà đạt được.
Niềm vui có xu hướng giảm dần
Theo giải thích của các chuyên gia, con người vốn bẩm sinh đã có bản năng theo đuổi những gì có thể làm mình thỏa mãn ngay lập tức, mà bản năng này trên thực tế là một cơ chế sinh tồn của nhân loại. Ví dụ như lúc đói khát thì lập tức tìm kiếm đồ ăn, lúc nguy hiểm lập tức tìm nơi an toàn, v.v…
Nhưng mà xã hội của chúng ta lại lấy sự trì hoãn thỏa mãn làm căn bản, chúng ta không thể nào có được ngay lập tức điều mình mong muốn. Chẳng hạn như cần tiền sinh hoạt, nhưng lại phải chờ đến ngày phát lương; đi ăn ở nhà hàng, phải chờ đợi nhà bếp nấu, hoặc là có quá nhiều người, chúng ta lại phải kiên nhẫn chờ đến lượt mình mới được phục vụ.
Đáng lưu ý là, trong lúc chờ cho ham muốn được thỏa mãn, việc trì hoãn này sẽ khiến cảm xúc của bạn càng mãnh liệt, phản ứng này thường so với lúc được thỏa mãn còn hưng phấn mạnh hơn. Theo nghiên cứu của các nhà sinh lý học, nguyên nhân là bởi vì một loại chất hóa học gọi là dopamine kích thích vùng cảm nhận niềm vui của đại não.
Khi bạn mong mỏi chuyện gì hoặc vật gì, bạn cũng đang hưởng thụ tâm trạng vui vẻ do dopamine từ đại não tiết ra, mà vật hay chuyện mà bạn khát khao trái lại trở thành không còn quan trọng như vậy nữa.
Ví dụ đơn giản nhất là: Sau khi đạt được thứ mà mình vẫn luôn mơ ước, trong nội tâm cũng bắt đầu có sự thay đổi. Vài tiếng sau, phát hiện ra sự sung sướng và phấn khích giảm dần, cũng không còn cảm giác hưng phấn như lúc vừa có được nữa.
Nói cách khác, niềm vui không thể kéo dài mãi, chẳng qua là vùng cảm nhận vui sướng trong đại não đón nhận một đợt dopamine được tiết ra mà thôi. Khi dopamine hết rồi, cảm giác chán nản sau đó sẽ khiến con người không tự chủ được tìm kiếm kích thích mới, niềm vui mới. Bất kể là đối với người hay đối với vật, cái gọi là “tiền tài không mua được hạnh phúc” là do nguyên nhân này.
Tiền tài có thể mua được niềm vui?
Tiền tài quả thực không mua được niềm vui, nhưng trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, tiền tài dường như vẫn có thể phát huy tác dụng.
Gần đây, để nghiên cứu về mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc, Viện khoa học quốc gia Mỹ đã tìm hai nhóm tình nguyện viên, cho mỗi người 40 đô. Một nhóm kêu họ lấy tiền đi mua bất kỳ vật gì mà mình muốn, nhóm còn lại thì dùng tiền đổi lấy thời gian rảnh rỗi, như là gọi giao hàng tận nhà thay cho thời gian nấu cơm, hoặc thuê công nhân vệ sinh dọn dẹp phòng ốc thay cho thời gian tự mình quét dọn, v.v…
Khi các tình nguyện viên điền vào thang đo độ thỏa mãn từ 1 đến 10, tất cả đều không ngoại lệ: nhóm dùng tiền đổi lấy thời gian rảnh rỗi so với nhóm dùng tiền mua đồ có độ thỏa mãn cao hơn.
Nói cách khác, dùng tiền đổi lấy thời gian rảnh rỗi, để người khác làm chuyện mình không muốn làm, sẽ giúp tăng cảm giác vui vẻ, mà người dùng tiền để mua đồ nhằm thỏa mãn vui sướng, về lâu dài sẽ không đạt được hiệu quả thực sự của niềm vui. Có thể kết luận là: Điều khiến con người cảm thấy vui vẻ chính là có bao nhiêu thời gian mà ta có thể tự do sử dụng.
Tạo ra thời gian chất lượng của bạn
Thời gian chất lượng (quality time) góp phần tạo nên hạnh phúc của con người, tiền bạc chẳng qua một công cụ để con người đạt được nhiều thời gian chất lượng hơn mà thôi. Cho nên căn bản để đạt được hạnh phúc không cần tiền tài, điều cần là điều chỉnh thời gian, khiến cho mình càng có nhiều thời gian chất lượng.
Mỗi người một ngày đều có 24 tiếng đồng hồ, tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 81,2 tuổi, đàn ông là 76,4 tuổi, đa phần mọi người đều có lượng thời gian không khác biệt nhau lắm. Nếu như bạn đã bắt đầu cảm nhận được những phiền muộn trong đời người, vậy hãy nghĩ cách làm sao để quý trọng thời gian, có được cuộc sống hạnh phúc, để biến mỗi giờ, mỗi phút của mình đều trở thành thời gian chất lượng.
Sắp xếp lại cuộc sống của mình để cho thời gian chất lượng phát huy giá trị đích thực trong cuộc sống của bạn, như thế cũng là có được niềm vui thật sự rồi.
Tuệ Tâm, theo Epoch Times