Nền tảng kiến lập Hoa Kỳ, nguyên tắc thứ 15: Kinh tế thị trường tự do – Con đường thịnh vượng vững chắc nhất
Nguyên tắc lập quốc thứ 15 của Hoa Kỳ là: Kinh tế thị trường tự do. Các cha ông tin rằng, để thúc đẩy sự thịnh vượng đến cực điểm, nền kinh tế thị trường tự do và sự can thiệp tối thiểu của chính phủ là hai điều không thể thiếu.
Xem đầy đủ về các nguyên tắc lập quốc tại đây
Hiến pháp Hoa Kỳ đang uốn nắn, chỉnh lý toàn bộ thể chế chính trị của Hoa Kỳ. Tất nhiên nó cũng liên quan đến loại hệ thống kinh tế mà Hoa Kỳ nên áp dụng. Những người cha lập quốc cho rằng, hệ thống kinh tế do quy luật tự nhiên mang lại nên chứa đựng hai yếu tố: Thị trường tự do và sự giám sát tối thiểu của chính phủ.
Trong thời kỳ đầu, khi quán triệt thực hiện nền kinh tế thị trường tự do và sự giám sát tối thiểu của chính phủ, Hoa Kỳ thực sự là “độc nhất vô nhị”. Vào thời điểm ấy, châu Âu đang theo chế độ quân chủ và không có quốc gia nào làm điều đó.
Lúc này, có một Giáo sư đại học ở Scotland tên là Adam Smith, ông đã viết một cuốn sách nổi tiếng mang tên “Quốc phú luận” (The Wealth of Nations). Cuốn sách này đã xây dựng một lý thuyết kinh tế như vậy, lúc đó thực ra không chỉ mình ông có suy nghĩ này, mà một số nhà kinh tế ở Pháp cũng nghĩ ra những lý thuyết tương tự, nhưng ở Anh hay Pháp chúng đều vô dụng, vì khi đó vẫn còn vương quyền.
Những lý thuyết kinh tế này của Adam Smith đã trở thành một thứ giống như các phần tử trí thức nghĩ ra trong tháp ngà (Ivory tower), và không có nơi nào để đưa chúng vào thực tế.
Nền Cộng hòa non trẻ mang lại một triển vọng huy hoàng
Các vị cha lập quốc Hoa Kỳ rất thích thú cuốn “Quốc phú luận” của Adam Smith, và quyết định áp dụng nó ở Hoa Kỳ. Vì vậy, lý thuyết về kinh tế thị trường tự do được trình bày trong “Quốc phú luận” cuối cùng đã tìm thấy một lãnh thổ thực tiễn, và cả một quốc gia để thử nghiệm.
Kết quả của thử nghiệm là gì? Năm 1787, Hiến pháp Hoa Kỳ được Hội nghị lập hiến thông qua. Sau khi có hiệu lực vào năm 1789, kéo dài gần 120 năm đến năm 1905. Sau 120 năm, Hoa Kỳ, với 5% lãnh thổ và 6% dân số trên thế giới, đã sản xuất ra mọi thứ, đáp ứng nhu cầu của hơn 50% dân số thế giới về thực phẩm, quần áo, nhà ở và phương tiện đi lại, bao gồm cả những mặt hàng xa xỉ. Đây là kết quả của việc thực hiện “Quốc phú luận” của Adam Smith tại Hoa Kỳ, quả là đáng kinh ngạc.
Kinh tế thị trường tự do là một khái niệm rất quan trọng, nó sẽ cải thiện mọi mặt của cuộc sống. Theo quy luật tự nhiên, nếu con người có sự sống thì sẽ phát minh, sáng tạo, tạo ra của cải, nếu con người không có quyền phát triển, sáng tạo, sở hữu, tăng gia, kiểm soát, giao dịch và chi phối tài sản của mình, thì người này về bản chất là không có tự do.
Đối với bất kỳ chính phủ nào, nếu đã bảo vệ cuộc sống của con người, thì cũng phải bảo vệ tất cả của cải do con người tạo ra. Vì vậy, nền kinh tế thị trường tự do gắn liền với điều đó, những sản phẩm do con người tạo ra phải được mua bán giao dịch và ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, đây chính là sự kéo dài tự nhiên của cuộc sống.
Sáu nguyên tắc rõ ràng của nền kinh tế thị trường tự do
Chúng ta cần phải nói về hệ thống kinh tế được đề cập trong cuốn “Quốc phú luận” của Adam Smith, hay bản chất của nền kinh tế Mỹ khi đó. Ông có một vài nguyên tắc kinh tế rõ ràng và đơn giản:
• Đầu tiên là thể hiện điểm mạnh. Mỗi người đều tự tìm kiếm một nghề mà mình có sở trường, chỉ chuyên sản xuất và làm thật tốt một loại sản phẩm.
• Thứ hai, chính phủ không can thiệp vào trao đổi thị trường. Mọi người mua, bán và trao đổi mọi thứ trên thị trường tự do, và chính phủ không can thiệp.
• Thứ ba, thị trường tự do kết nối cả cung và cầu.
• Thứ tư, giá cả do cạnh tranh quyết định. Chính phủ không thể định giá và không ai được phép định giá, giá cả được quyết định bởi cạnh tranh.
• Thứ năm, lợi nhuận đến từ giá trị sản phẩm. Nói trắng ra, nếu sản phẩm bạn làm không tốt, bạn sẽ không có lợi nhuận.
• Thứ sáu, sử dụng cạnh tranh để nâng cao chất lượng, tăng sản lượng và hạ giá thành.
Đây là những nguyên tắc kinh tế đơn giản, được trình bày trong cuốn “Quốc phú luận” của Adam Smith, trong đó còn đi kèm với các yếu tố quan trọng khác được gọi là tự do kinh tế.
Ngày nay nhiều người nói về những điều này “thuộc nằm lòng” như tiếng bản địa, không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng đó là một sáng kiến độc đáo, tiên phong vào lúc bấy giờ. Nó quy định chính phủ không được định giá, nhưng chính phủ chỉ thích định giá, khi giá cao thì muốn chèn ép giá, chỗ nào thiếu cái gì thì chuyển hàng từ chỗ này đến chỗ kia, chính phủ thích can thiệp khi thấy có vấn đề xảy ra.
Khi lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, sự “nhúng tay” của chính phủ càng “ồn ào lộn xộn”, đây chính là kinh tế kế hoạch và kết quả là kinh tế kế hoạch chỉ mang lại sự tiêu điều. Do đó, hệ thống kinh tế mà Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện vào thời điểm đó là kinh tế thị trường tự do, và chính phủ “rút tay” khỏi thị trường.
Để thực hiện nền kinh tế thị trường tự do, có bốn quyền tự do kinh tế cơ bản phải được đảm bảo:
• Thứ nhất là quyền tự do thử nghiệm, cho phép bất kỳ ai thử nghiệm làm ra sản phẩm.
• Thứ hai là tự do mua sắm, bạn không thể nói không cho phép tôi mua thứ này, hoặc không cho phép tôi mua thứ kia.
• Thứ ba là quyền tự do tiêu thụ, tôi có thể bán ở bất cứ nơi nào tôi muốn, người bán không bị giới hạn vùng miền.
• Thứ tư là tự do thất bại, bạn có thể thất bại, có thể phá sản, phá sản là chuyện bình thường, như vậy bạn có thể bắt đầu lại từ đầu. Bốn quyền tự do này đảm bảo sự trôi chảy của các hoạt động kinh tế.
Vai trò hạn chế và trách nhiệm mà chính phủ nên thực hiện
Những người cha lập quốc Hoa Kỳ đồng ý với quan điểm của Adam Smith rằng, mối đe dọa lớn nhất đối với sự thịnh vượng kinh tế của một quốc gia, là sự can thiệp bừa bãi của chính phủ vào các doanh nghiệp tư nhân và các hoạt động kinh tế.
Nhưng chính phủ không phải là không có vai trò, có bốn trách nhiệm mà chính phủ phải đảm nhận:
• Đầu tiên, chính phủ có trách nhiệm xóa bỏ mọi hành vi hoặc thế lực cưỡng chế mua bán, có thể tồn tại trên thị trường.
• Thứ hai, chính phủ phải ngăn chặn gian lận trên thị trường, ví như gian dối về chất lượng sản phẩm, nơi sản xuất và nhà sản xuất.
• Thứ ba, chính phủ có trách nhiệm xóa bỏ độc quyền. Khi việc kinh doanh quá thành công, một nhà kinh doanh nào đó tùy tiện định giá theo ý muốn, và nếu điều đó có khả năng “bóp chết” tất cả các nhà kinh doanh trong cùng ngành, thì chính phủ sẽ phải đứng ra “lo liệu”.
• Thứ tư, chính phủ phải loại bỏ những sản phẩm làm băng hoại đạo đức. Ví dụ, nội dung khiêu dâm, tục tĩu, mại dâm, ma túy, cờ bạc… thì phải cấm buôn bán, và tất nhiên điều này do chính phủ chịu trách nhiệm.
Bốn vai trò mà chính phủ được giao là rất hợp lý, chính phủ giống như một cảnh sát trên thương trường, giữ gìn trật tự và quản lý những điều phi pháp, trái đạo đức trong các hoạt động kinh tế.
Sau khi thực hiện lý thuyết kinh tế của Adam Smith, Hoa Kỳ trở nên rất thịnh vượng, từ đó Hoa Kỳ đã vượt qua tất cả các quốc gia trên thế giới để trở thành đầu tàu của nền kinh tế thế giới.
Lý do lịch sử dẫn đến “cái chết” của con tàu kinh tế khổng lồ Hoa Kỳ
Sau năm 1900, nền kinh tế Hoa Kỳ đã trải qua một số thay đổi lớn, có liên quan đến trào lưu tư tưởng cộng sản lúc bấy giờ. Vào thời điểm đó đã nảy sinh một vài sự kiện lớn:
• Thứ nhất là một cuộc đình công quy mô lớn, khiến người Mỹ rất phiền não, tại sao chủ nghĩa tư bản mà chúng ta đang thực hiện lại khiến nhiều người bãi công như vậy?
• Thứ hai là sự xuất hiện của các Tơ- rớt (tổ chức độc quyền) quyền lực, các nhà máy thép và các công ty đường sắt ngày càng lớn mạnh, cuối cùng họ bắt đầu kiểm soát giá cả khiến người Mỹ rất lo lắng.
• Thứ ba là sự xuất hiện của một chu kỳ kinh tế bí ẩn, tức là khủng hoảng kinh tế, lúc đó mọi người cảm thấy không hiểu sự thịnh vượng và suy tàn này có phải là tội ác do chủ nghĩa tư bản mang lại hay không?
• Thứ tư là sự xuất hiện của các liên đoàn lao động hùng mạnh, nói với chính phủ rằng phải bình đẳng giữa người giàu và người nghèo.
Tất cả những điều này làm dấy lên những nghi ngờ nhất định về hệ thống kinh tế tự do. Khi cuộc Đại suy thoái xảy ra vào năm 1929, nền kinh tế Mỹ sụp đổ chỉ trong một đêm, sự việc đó đã trở thành một bước ngoặt giữa “kỷ nguyên cũ” và “kỷ nguyên mới”.
Sau cuộc Đại suy thoái, Franklin Roosevelt được bầu làm Tổng thống, và bắt đầu một chính phủ trung ương đầy quyền lực, chính phủ đã chi rất nhiều tiền để thực hiện “Chính sách kinh tế mới” (The New Deal).
Từ đó, nhiều người cho rằng cuốn “Quốc phú luận” của Adam Smith đã trở nên “cũ rích” và mang nhiều tệ nạn tư bản, nay bước sang kỷ nguyên mới, chúng ta phải giải quyết lại từ đầu. Vào thời điểm đó, thứ thay thế lý thuyết của Adam Smith được gọi là “Tư bản luận”, một tác phẩm của Karl Marx.
“Tư bản luận” đã du nhập vào rất nhiều trường đại học ở Mỹ, từ đó các trường đại học không còn dạy “Quốc phú luận”, cũng không dạy quan điểm kinh tế của những người cha lập quốc nữa, thay vào đó họ dạy tư tưởng của Karl Marx. Lúc đó chủ nghĩa Keynes chưa ra đời, nhưng đã bắt đầu từng bước “chiếm lĩnh”. Lịch sử của Hoa Kỳ dần dần tiến tới chính phủ trung ương, bao gồm một mức độ nhất định của nền kinh tế kế hoạch.
Mãi cho đến Chiến tranh thế giới thứ II năm 1951, mới xuất hiện một số học giả nổi tiếng, bắt đầu viết sách về những tệ nạn của chủ nghĩa xã hội, trong đó có một cuốn sách nổi tiếng là “Bi kịch của chủ nghĩa xã hội”.
Vào thời điểm đó, những năm 1951 đến 1960, các học giả Mỹ dần dần “quay đầu” tìm lại cuốn sách của Adam Smith, tìm hiểu lại sự đơn giản và kỳ diệu trong lý luận của ông.
W. Cleon Skousen – tác giả cuốn sách “The five thousand year leaf” cho rằng, trên thực tế, sinh viên đại học kinh tế nên đọc sách của Adam Smith trong năm đầu tiên, và sau đó đọc sách liên bang do các cha ông lập quốc viết trong thời kỳ thành lập nước Mỹ. Đây là cách tốt nhất để học cách điều hành nền kinh tế. Người Mỹ cần phải “trở về xưa cũ”, quay lại cách thức mà những người cha sáng lập và Adam Smith đưa ra cho nền kinh tế, đó thực sự là một công thức cho sự thịnh vượng thực sự trong xã hội.
Tuy nhiên, để xã hội và nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định và thịnh vượng, cần phải thực hiện một nhiệm vụ chưa hoàn thành trong lịch sử, vậy đó là vấn đề gì?
Tiền tệ gây ra chu kỳ thịnh vượng và suy thoái nền kinh tế Hoa Kỳ
Trong cuốn sách “The five thousand year leaf”, có xem xét lại một “sai lầm chí mạng” trong thiết lập kinh tế của Hoa Kỳ, đó là chính sách tiền tệ.
Khi hội nghị lập hiến được tổ chức tại Philadelphia, những người cha lập quốc đã quyết định rằng, tiền tệ của Hoa Kỳ – tức đồng đô la Mỹ, không bị thao túng hoặc ảnh hưởng bởi bất kỳ thế lực bên ngoài nào, mà hoàn toàn do người dân quyết định.
Vì Quốc hội bao gồm các đại diện của dân ý do nhân dân bầu ra, do đó đại diện của nhân dân Hoa Kỳ là Quốc hội. Do đó, chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ phải do Quốc hội quyết định.
Không chỉ vậy, các tổ phụ còn tuyên bố rằng Quốc hội phải đảm bảo sự ổn định của sức mua đồng tiền, bất luận là trong hay ngoài nước. Ngoài ra, giá trị thực đằng sau của tiền giấy phải tương ứng với các kim loại quý như vàng và bạc thật, mà ngày nay chúng ta gọi là “bản vị vàng”.
Ngày nay đồng đô la Mỹ không phải là “bản vị vàng”, phía sau nó là cái gọi là sự tín nhiệm của chính phủ Mỹ. Do đó, chính phủ Mỹ có thể tự quyết định in bao nhiêu tiền, nếu in số lượng lớn tiền thì mọi người phải chấp nhận lạm phát hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhưng đây không phải là điều mà những người cha lập quốc muốn, George Washington đã nói rõ vào thời điểm đó rằng, chúng ta không được để đồng tiền mất giá, giá trị thực của đồng đô la phải là vàng, bạc.
Rất tiếc, chính sách này đã không được thực hiện. Bởi vì khi bản Hiến pháp mới ra đời, nước Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế suy thoái, cộng với sức ép khổng lồ từ các ngân hàng lớn của châu Âu và Mỹ, và những sai sót về chính sách khác, nên cuối cùng chính phủ đã trao quyền phát hành tiền tệ cho một nhóm ngân hàng để thành lập liên minh ngân hàng – “Ngân hàng Hoa Kỳ” (Bank of the United States), ngày nay nó được gọi là “Cục Dự trữ Liên bang”.
Thomas Jefferson – một trong những vị cha già lập quốc lúc đó, đã rất tức giận về điều này, ông đã lớn tiếng lên án: Nếu chúng ta giao quyền tiền tệ cho các ngân hàng, họ sẽ sử dụng phương pháp lạm phát hoặc giảm phát (Cứ lạm phát là lại giảm phát), điều đó chỉ càng “vỗ béo” cho ngân hàng và những công ty “tầm gửi” sống nhờ vào ngân hàng, trẻ em Mỹ sẽ thấy rằng của cải và nhà cửa do cha chúng tạo ra sẽ mất đi. Vì vậy, quyền tiền tệ phải được trả lại cho người dân và Quốc hội!
Cảnh báo của Thomas Jefferson nghe có vẻ quá nghiêm trọng, nhưng có bất kỳ dấu hiệu nào về điều đó không? Cứ sau mỗi đợt suy thoái kinh tế, những người mất nhà, đóng cửa công ty có vay thế chấp không? Người tịch thu nhà cửa chẳng phải ngân hàng sao? Liệu tầm nhìn xa của Jefferson có chính xác không?
Ngoài ra, người dân sau khi làm việc chăm chỉ kiếm được tiền lương thì lại gửi tiền vào ngân hàng, theo thời gian lạm phát sẽ khiến tiền lương của họ bị thu hẹp và mất giá trị. Đây là hiện tượng chúng ta quen thuộc từ lâu, nhưng chúng ta có từng suy xét, hiện tượng này là đúng hay sai?
Tại sao tiền tệ mất giá một cách tự động và liên tục? Dân chúng không làm gì sai, vậy tại sao sự giàu có của họ sẽ tự động thu hẹp lại? Nhất định phải như vậy sao? Tất cả những của cải bị mất này, rốt cuộc thì chúng rơi vào túi của ai? Đây là vấn đề tiền tệ mà chúng ta phải thảo luận sâu hơn.
Ở Mỹ, có một khái niệm gọi là “ngân hàng phân số” – fractional banking. Điều đó nghĩa là gì? Nghĩa là ngay cả khi ngân hàng hiện chỉ có một triệu đô la Mỹ tài sản, nó có thể giải ngân từ bốn đến năm triệu đô la Mỹ cho vay. Nghĩa là, một triệu đô la Mỹ tài sản thực tế của nó chỉ cần bằng một phần nhỏ trong tổng số khoản giải ngân cho vay của nó (đây chính là nguồn gốc của “phân số”).
Thomas Jefferson nói rằng, 75% các khoản vay do ngân hàng phát hành là tiền giả không tồn tại. Ngân hàng phát hành số tiền gấp 4-5 lần tài sản thực tế, người dân lấy số tiền “không tồn tại” vay từ các ngân hàng này và bắt đầu sửa nhà, thành lập công ty, thổi căng bong bóng kinh tế, sau khi quả bong bóng nổ “bùm”, ngân hàng sẽ thu những ngôi nhà hoặc công ty không trụ vững được kia vào tay của chính họ.
Do đó, khi nền kinh tế “thịnh vượng”, ngân hàng thu được lợi tức gấp 4-5 lần từ tiền giả mà nó phát hành, khi nền kinh tế “suy thoái”, ngân hàng sẽ tịch thu nhà hoặc công ty từ những người không có khả năng chi trả khoản vay. Sự thịnh vượng và suy giảm kinh tế này đã kéo dài hơn 200 năm. Sau khi công nghiệp hóa, tần suất và biên độ của nó còn trở nên lớn hơn.
Nhưng ở đây, hiện tượng ngân hàng cho vay gấp mấy lần tài sản thực có, là do chính ngân hàng “tự bật đèn xanh” cho mình, vì để “vỗ béo” làm giàu cho bản thân nên mới sinh ra chế độ này.
Trong lịch sử Hoa Kỳ, từ Tổng thống Jefferson, Tổng thống Jackson đến Tổng thống Lincoln, họ đều muốn lấy lại quyền đúc/in tiền từ các ngân hàng và trả lại cho Quốc hội, đồng thời quy định ngân hàng có bấy nhiêu tiền thì cho vay bấy nhiêu, cấm không được cho vay tiền ảo, vì như vậy sẽ phá vỡ chu kỳ kinh tế “thịnh vượng suy tàn” này, nhưng đều thất bại
Hoa Kỳ muốn phát triển trở lại, thì phải tuân theo các nguyên tắc do các vị cha già lập quốc đặt ra
Theo lý luận của các tổ phụ, nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ, hết lần tụt dốc này đến lần trượt dài khác, đều do các ngân hàng gây ra. Tất nhiên, có quá nhiều vấn đề xã hội vào đầu những năm 1900 cũng liên quan đến phong trào cộng sản nổi lên vào thời điểm đó, chủ đề quá lớn, chúng tôi sẽ không đi vào chi tiết.
Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, ông đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ, với kết quả ấn tượng. Vì vậy, tại một số thời điểm trong tương lai, khi chính phủ của phe bảo thủ trở nên mạnh mẽ hơn, ông W. Cleon Skousen tin rằng, một đạo luật cần được xây dựng để điều chỉnh hoàn toàn chính sách kinh tế của đất nước, và quay trở lại các nguyên tắc xây dựng quốc gia:
• Đầu tiên là khôi phục “bản vị vàng” và sử dụng vàng để hỗ trợ tiền tệ.
• Thứ hai, Cục Dự trữ Liên bang phải trao lại quyền in tiền cho Quốc hội. Tất nhiên, có thể có nhiều điều không mong muốn trong hoạt động thực tế, nhưng để trở lại đúng đường thì quả thực cần phải làm như vậy.
Nếu Hoa Kỳ có thể sửa chữa sai lầm lịch sử này, ông W. Cleon Skousen cho rằng Hoa Kỳ – một quốc gia đã và đang dẫn đầu thế giới, có thể có một nền kinh tế ngày càng “khỏe mạnh” và có thể cất cánh ngày càng cao hơn nữa.
Nguyên tắc lập quốc thứ 15 này còn được gọi là hệ thống kinh tế do quy luật tự nhiên mang lại – một nền kinh tế thị trường tự do cộng với sự giám sát tối thiểu của chính phủ là con đường đúng đắn để dẫn đến thịnh vượng lành mạnh, vững chắc.
Việt Anh
Theo soundofhope.org