Nạn nhân của virus ĐCSTQ ở Trung Quốc đệ đơn kiện yêu cầu chính quyền chịu trách nhiệm
Trong khi chính quyền nhà nước Trung Quốc đang chịu sự giám sát, điều tra quốc tế vì cách xử lý thiếu chuyên nghiệp trước đại dịch COVID-19 thì tình hình trong nước cũng đang bao trùm sự phẫn nộ và đau buồn của người dân.
Trên khắp cả nước, người dân Trung Quốc đang khóc thương cho thân nhân của họ đã mất mạng vì dịch bệnh, trong bối cảnh chính quyền đang phải đối mặt với cáo buộc che đậy thông tin về đại dịch. Các nhà nghiên cứu ước tính phải có đến hàng triệu người bị nhiễm virus tại Trung Quốc. Một số trong đó đã thiệt mạng, một số thì không được hưởng sự chăm sóc cơ bản trong những giây phút cuối của đời mình.
Với những bệnh nhân sống sót và hồi phục, cuộc sống của họ lại lâm vào thế nan giải: Đại dịch đã làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, khiến cho nền kinh tế của Trung Quốc lần đầu tiên rơi vào trạng thái bị bóp nghẹt trong nhiều thập kỷ. Theo số liệu ước tính từ Chu Minh, cựu phó giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế, thiệt hại kinh tế tại Trung Quốc chỉ tính riêng từ tháng Một đến tháng Hai đã rơi vào khoảng 1,3 triệu NDT (183.7 tỷ đô la).
Chính tình trạng thiệt hại này đã thôi thúc một số lượng ngày càng nhiều những người dân Trung Quốc khởi tố các thủ tục pháp lý nhằm chống lại chế độ nhà nước cầm quyền.
Buộc chính quyền phải chịu trách nhiệm
Ngày 6/3, khoảng hơn 20 luật sư và những nhà vận động quyền từ 9 tỉnh Trung Quốc đã hợp tác với các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc tại Hoa Kỳ để tư vấn, hỗ trợ cho những người đang muốn được nhận bồi thường thiệt hại từ chính quyền Trung Quốc.
Li Fang, thành viên của nhóm tư vấn, đã chia sẻ với tờ Epoch Times: “Trách nhiệm thuộc về chính phủ, họ đã gây ra sự bùng nổ dịch bệnh trên quy mô lớn, khiến nhiều người phải thiệt mạng và còn nhiều hậu quả khôn lường khác, mà dân chúng lại là người phải chịu những thiệt hại này”.
Tính đến nay, nhóm tư vấn đã nhận được ít nhất bảy yêu cầu khiếu nại từ người dân. Hai công dân Trung Quốc cho biết người thân của họ bị nhiễm trùng phổi nhưng không thể điều trị do bệnh viện đã quá tải. Những người nhiễm bệnh đến từ hai gia đình này đã thiệt mạng trong chưa đầy hai giờ sau khi nhập viện và được liệt kê vào nhóm ‘tử vong chưa được xác nhận’.
Trường hợp khiếu nại khác đến từ một bệnh nhân đã hồi phục sau khi nhiễm virus . Người này vẫn chưa nhận được phiếu báo cáo chẩn đoán nhiễm bệnh, do đó không thể yêu cầu xét duyệt bảo hiểm được.
Một người dân khác đến từ Vũ Hán lấy bí danh là Yi An (alias) đã mất đi cả bố và mẹ sau khi họ bị nhiễm COVID-19. Người này đã tố cáo chính phủ là “những kẻ giết người”. Xem qua một số bài đăng trên mạng, Yi cho biết anh đã đọc được vô số câu chuyện bi kịch có chung số phận với mình. Anh chia sẻ: “Không có bất cứ một lời xin lỗi nào, thậm chí không có một lời chia buồn nào [từ chính phủ]. Tôi không làm điều này vì tiền, tôi làm vì cần nhận được lời lý giải thích đáng”. Anh Yi hiện đang cân nhắc về việc khởi kiện chính quyền.
Một trường hợp khác là Tan Jun, một công chức Trung Quốc đã đệ đơn kiện tại Tòa án nhân dân Nghi Xương thành phố Tây Ninh, khởi tố chính quyền tỉnh Hồ Bắc – nơi dịch bệnh bùng phát. Ông chia sẻ: “Ai đó sẽ phải chịu trách nhiệm cho điều này”.
Vị công chức 52 tuổi, hiện là quản trị viên tại Công viên Trẻ em ở làng Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Ông là người đầu tiên dám đứng lên khởi tố Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra tòa án vì xử lý bất thành dịch bệnh Vũ Hán. Ông tố cáo Chính phủ vì đã cho phép cộng đồng Baibuting ở thành phố Vũ Hán tổ chức một bữa tiệc ăn uống với quy mô 40.000 hộ gia đình vài ngày trước khi thành phố nhận lệnh phong tỏa. Đến giữa tháng Hai, nhiều cư dân từ hàng chục tòa chung cư tại khu vực được xác nhận đã lây nhiễm virus .
Ông Tan cho biết các nhà chức trách đã không thông báo đúng sự thật về mối nguy hại sức khỏe cho công chúng biết khi đã kiểm duyệt, che đậy những lời cảnh báo sớm về dịch bệnh của bác sĩ Lý Văn Lượng và nhận định ban đầu rằng chủng virus SARS-CoV-2 không thể lây nhiễm từ người qua người. Chính vì sự thất bại trong việc xử lý dịch bệnh từ chính quyền tỉnh Hồ Bắc, người dân địa phương giờ phải đối diện với sự kỳ thị ngay trong chính đất nước họ đang sinh sống, thường xuyên bị mọi người xa lánh, thậm chí còn bị đánh đập.
Trong đơn khởi tố tòa án được chia sẻ với tờ Epoch Times, ông Tan viết rằng vì những thiệt hại về người và cuộc sống bị đảo lộn, chính quyền tỉnh Hồ Bắc phải đưa ra lời xin lỗi công khai trên trang nhất của tờ báo nhà nước địa phương Hubei Daily.
Chính phủ gây sức ép
Chính quyền Trung Quốc sau đó đã hành động nhanh chóng nhằm xử lý triệt để những hành vi thách thức này.
Chỉ hơn một tuần kể từ khi nhóm luật sư được thành lập, Bộ Tư pháp Trung Quốc đã ban hành sắc lệnh không chính thức cấm luật sư “gây rắc rối” thông qua các hành vi như tham gia vào các vụ kiện đòi bồi thường, ký kết tuyên bố chung, liên hệ với các luật sư về quyền, hoặc đồng ý tham gia vào các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông nước ngoài. Li Fang cho biết đây dường như là một động thái trực tiếp từ chính quyền nhắm thẳng đến nhóm.
Ít nhất đã có một người rút đơn khởi tố của mình sau khi chỗ làm của anh phát hiện ra sự việc. Người này đã bị khiển trách vì “gây rối chính trị”.
Yang Zhanqing, một nhà vận động nhân quyền trong nhóm, cho biết cảnh sát địa phương gần đây đã triệu tập gia đình anh ở Trung Quốc hai lần để tra khảo về các hoạt động của anh. Họ được yêu cầu ký vào một biên bản không tiết lộ cam kết không nói ra bất cứ điều gì liên quan đến buổi tra khảo tại đồn cảnh sát.
Anh cho biết các nhà chức trách sẽ làm tất cả những gì họ có thể, từ những đề xuất nhỏ nhặt cho đến việc đe dọa, nhằm gây nao núng cho những hành vi khởi tố pháp lý kể trên. Nhưng điều này càng tiếp thêm sức mạnh cho nhóm luật sư để đấu tranh vì nhân quyền. Anh Yang chia sẻ: “Một khi đã nộp đơn khởi tố, nó sẽ là một vụ kiện mang tính bước ngoặt, bất kể tòa án có phê duyệt hay trì hoãn nó”.
Yang Zhanqing đã soạn thảo một mẫu đơn khiếu nại dài 14 trang và đăng lên mạng với bốn bước hướng dẫn để mọi người tham khảo. Anh chia sẻ: “Nhiều người đã bị chính phủ địa phương đe dọa khi liên hệ [với chúng tôi]… do đó tôi nghĩ rằng tốt nhất là họ không nên gặp trực tiếp chúng tôi. Một nguyên đơn được phép được đấu tranh cho những quyền lợi của họ. Họ [chính quyền] có thể coi đây là hành vi phản quốc và phản chính phủ, nhưng nhân quyền là những quyền được bảo đảm bởi pháp luật”.
Khoảng 6 giờ tối ngày 13/4, vài giờ sau khi Tan Jun nộp đơn kiện, lực lượng cảnh sát làng Nghi Xương đã triệu tập ông và người giám sát. Họ yêu cầu ông ngừng đăng tải bất kỳ tài liệu nào lên mạng, vì e ngại rằng cánh truyền thông nước ngoài sẽ lợi dụng những thứ này. Người giám sát sau đó cũng cố gắng can ngăn ông Tan thể hiện ra nỗi lo sợ bị xử phạt.
Mặc cho sức ép từ các nhà chức trách, Tan Jun kiên quyết sẽ theo vụ án đến cùng. “Những bằng chứng tôi thu thập được đều là những tài liệu của chính phủ. Tôi không hề bịa đặt điều gì”, ông nói, đồng thời cho biết thêm đã in các bản sao dự phòng cho mỗi tài liệu đã nộp.
Ông Tan hiểu rõ những mối nguy khi động đến chính quyền. Vào năm 2008, ông đã bị giam giữ 10 ngày sau khi đăng tải lên mạng xã hội một bài viết gọi các nhà chức trách là “những nhà lãnh đạo quốc gia phỉ báng”.
Nhận ra hệ thống luật pháp mập mờ của Trung Quốc nhằm củng cố cho những lợi ích của ĐCSTQ, ông Tan thừa nhận rằng cơ hội thắng kiện của ông là rất mong manh. Ông cho biết đang thực hiện vụ kiện “một cách nhẹ nhàng”. “Họ đã triển khai cơ chế quốc gia và vắt cạn kiệt mọi nguồn lực để chống lại công dân. Việc thắng kiện hay không không còn là vấn đề quan trọng đối với tôi. Nếu thắng kiện thì vẫn tốt hơn, nhưng tôi cũng không có gì để hối tiếc cả”, ông chia sẻ.
Việt Anh (Theo Epoch Times)