Nam tiếp viên mắc Covid-19 mệt mỏi, đau họng, 3 ca bị lây lại không xuất hiện triệu chứng
Trong khi nam tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airlines có dấu hiệu mệt mỏi, đau họng, ho thì 3 bệnh nhân 1347, 1348, 1349 lại không có bất kỳ triệu chứng đặc trưng nào của Covid-19 như sốt, ho, khó thở, tuy nhiên khả năng lây truyền bệnh của những người này theo các bác sĩ là cực kỳ cao.
Zing ngày 3/12 dẫn báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM gửi Sở Y tế cho biết, bệnh nhân 1342 (BN 1342 – nam tiếp viên 28 tuổi của hãng hàng không Vietnam Airlines) đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi và có dấu hiệu mệt mỏi, đau họng, ho.
Trước khi phát hiện mắc viêm phổi Vũ Hán (Covid-19), bệnh nhân này có 2 lần xét nghiệm âm tính với chủng virus này vào các ngày 15/11 và 18/11.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin tại cuộc họp chiều cùng ngày (3/2) của Ban chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 thành phố thì các BN 1347, 1348, 1349 (lây nhiễm trong cộng đồng, có nguồn lây F0 từ BN 1342) lại không có bất kỳ triệu chứng đặc trưng nào của dịch bệnh Vũ Hán như sốt, ho, khó thở.
Các bệnh nhân này không những không có triệu chứng, mà sức khỏe vẫn tốt cả trước và sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng virus Vũ Hán, Vnexpress dẫn lời ông Bỉnh cho biết.
Chia sẻ với phóng viên, BN 1349 (nữ, 28 tuổi, ngụ quận 6) cho biết, ngày đầu nhập viện sức khỏe của bản thân ổn định. Đến hôm 3/12 mới thấy hơi mệt. “Tôi mong sớm khỏi bệnh để được về với gia đình”, bệnh nhân T. nói.
Chia sẻ với phóng viên, BN 1349 (nữ, 28 tuổi, ngụ quận 6) cho biết ngày đầu nhập viện sức khỏe của bản thân ổn định. Đến hôm 3/12 mới thấy hơi mệt. “Tôi mong sớm khỏi bệnh để được về với gia đình”, bệnh nhân T. nói
Được biết, BN 1349 là học viên tại Trung tâm Anh ngữ Key English nhiễm virus sau khi tiếp xúc nam giáo viên tiếng Anh (BN 1347). Bệnh nhân được cách ly tập trung cùng ngày 30/11. Đến 16h ngày 1/12, người phụ nữ này được chuyển điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Về BN 1347 (lây nhiễm từ BN 1342), hiện người này không xuất hiện triệu chứng bệnh, sức khỏe ổn định.
Người còn lại là BN 1348 (bé D.G.H., 14 tháng tuổi, ngụ quận 6, lây nhiễm từ BN 1347) cũng chưa có biểu hiện bất thường, ăn ngủ tốt và được xét nghiệm hàng ngày.
“Các bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng thường gặp như sốt, ho, khó thở nên nguy cơ lây nhiễm rất cao”, ông Bỉnh nói và cho biết hiện số người tiếp xúc diện F1 (gần) và F2 (tiếp xúc của tiếp xúc) 4 bệnh nhân trên (cả nam tiếp viên), tính đến 14h ngày 3/12 đã lên đến 2.344 người.
Trong các đợt dịch trước đó, Việt Nam cũng đã ghi nhận rất nhiều bệnh nhân nhiễm viêm phổi Vũ Hán không triệu chứng.
Chia sẻ thêm về những trường hợp trên, tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM khẳng định, một số nghiên cứu đã ghi nhận tại thời điểm xét nghiệm có người nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng bệnh.
Các nhà khoa học nhận thấy những bệnh nhân này thuộc một trong 2 trường hợp là nhiễm virus nhưng không bao giờ xuất hiện các triệu chứng, tức người bị nhiễm nhưng không phát bệnh.
Trường hợp còn lại là nhiễm virus tiền triệu chứng, nghĩa là các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện sau khi xét nghiệm. “Nói cách khác, đây là những người nhiễm virus đang trong giai đoạn ủ bệnh. Cơ chế của người nhiễm virus không phát bệnh vẫn chưa được hiểu rõ”, tiến sĩ Hùng nói và cho biết các nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh những người này vẫn có khả năng lây truyền bệnh.
Điều này cho thấy nguy cơ lây truyền virus trong cộng đồng luôn tồn tại, thậm chí rất lớn, kể cả khi không phát hiện được bệnh nhân mới trong cộng đồng.
Vũ Tuấn (t/h)