Năm lý do Trung Quốc chưa lập ADIZ tại Biển Đông
(TNO) Chuyên san Foreign Policy (Mỹ) ngày 5.6 dẫn lời một chuyên gia nghiên cứu chiến lược quốc tế người Trung Quốc nhận định rằng có 5 lý do khiến Bắc Kinh chưa lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Giáo sư Chu Phương Ngân thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Quảng Đông cho biết Trung Quốc đã khiến nhiều người, cả trong và ngoài nước, ngạc nhiên khi quyết định đơn phương thiết lập ADIZ tại hồi tháng 11.2013. Gần như toàn bộ các chuyên gia Trung Quốc, bao gồm cả những người có quan hệ mật thiết với Bộ Ngoại giao, đã lên tiếng phản đối động thái này vì cho rằng đây là một hành động khiêu khích không cần thiết và sẽ khiến căng thẳng Nhật Bản – Trung Quốc leo thang, theo ông Chu. Tuy nhiên, giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc cuối cùng vẫn xúc tiến việc này. Đến ngày 31.5.2015, tại diễn đàn ở Singapore, trong bối cảnh Mỹ lên án mạnh mẽ hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, cho biết nước này có thể sẽ lập ADIZ ở Biển Đông nếu cảm thấy bị đe dọa. Giáo sư Chu bình luận giới hoạch định chiến lược quân đội Trung Quốc lần này có lẽ sẽ không tạo thêm ADIZ vì 5 lý do: Thứ nhất, thông báo lập ADIZ tại Biển Đông giờ đây sẽ không giúp Trung Quốc giành được yếu tố bất ngờ chiến lược vì vấn đề này đã trở thành một mối lo ngại mang tầm quốc tế, ông Chu nhận định. Giáo sư Chu cho biết trong lần thông báo thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đã có được “yếu tố bất ngờ chiến lược”, vì từ trước đến nay nước này chưa từng lập ADIZ và lúc đó ít ai nghĩ Bắc Kinh sẽ làm gia tăng căng thẳng xung quanh tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Trước đó, để thách thức hành động “quốc hữu hóa” quần đảo của Tokyo, Bắc Kinh đã điều tàu và máy bay lượn quanh đảo này. Tuy nhiên, giới hoạch định chiến lược quân đội Trung Quốc cho rằng chỉ điều máy bay, tàu thì vẫn chưa đủ để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc vì điều này không làm thay đổi thực tế là Nhật Bản đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư.
“Thông qua việc lập ADIZ bao trùm cả Senkaku/Điếu Ngư, quân đội Trung Quốc đã tạo được ấn tượng rằng họ đang củng cố chủ quyền quần đảo. Về mặt đối nội, hành động này cũng là lời kêu gọi chính phủ cần có thêm những biện pháp đáp trả cứng rắn với phía Nhật”, ông Chu cho hay. Lý do thứ 2, theo giáo sư Chu khiến Trung Quốc chưa lập vùng ADIZ tại Biển Đông là vì quyền kiểm soát thực tế. Khác biệt giữa vị thế của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông ở chỗ Bắc Kinh không thực sự kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông; còn tại Biển Đông, Bắc Kinh đang chiếm giữ trái phép nhiều . Bắc Kinh không cần phải lập ADIZ để khẳng định chủ quyền phi lý tại Biển Đông vì vẫn đang chiếm đóng trái phép nhiều khu vực tại đây, theo ông Chu. Lý do thứ 3 để Trung Quốc chưa lập ADIZ ở Biển Đông là vì nước này hiện không bị áp lực phải có hành động cứng rắn hơn về vấn đề Biển Đông từ những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa trong nước, phần lớn là do các chính sách trong vòng 2 năm qua tại nước này đã thể hiện với công chúng rằng chính phủ sẽ đối đầu với bên ngoài nếu “các lợi ích cốt lõi” bị đe dọa. Lý do thứ 4 là việc lập ADIZ ở Biển Đông sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho mối quan hệ đang trong tình trạng khá tốt đẹp giữa Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN, ông Chu nhận định, nhưng không nói rõ quốc gia nào.
Lý do cuối cùng, Trung Quốc sẽ gặp khó khi lập ADIZ tại Biển Đông vì các bãi đá ngầm mà nước này đang chiếm giữ trái phép nằm quá gần nhau. Theo giáo sư Chu, việc để ADIZ chồng lấn sang những bãi đá mà Trung Quốc chưa chiếm được ở Biển Đông chỉ càng làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia láng giềng. Ông cho rằng giới hoạch định chiến lược của quân đội Trung Quốc chỉ thực hiện điều này khi Mỹ tăng cường thách thức về mặt quân sự đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Hoàng Uy |
Theo Thanh Niên