Mỹ xem 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc là ‘điệp viên của Bắc Kinh’
Chính quyền Nhà Trắng hôm 18/2 thông báo Mỹ xem 5 thực thể truyền thông lớn của Trung Quốc tại nước này là “các cơ quan tuyên truyền của nước ngoài” và các điệp viên của Bắc Kinh, đồng thời yêu cầu những thực thể này cung cấp thông tin về nhân viên cũng như tài sản với Bộ Ngoại giao Mỹ, theo Reuters.
Reuters dẫn lời các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ quy định này sẽ được áp dụng với 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc gồm: Hãng thông tấn Xinhua (Tân Hoa Xã), Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc (China Radio), Tập đoàn báo chí China Daily Distribution Corporation chuyên in ấn, phát hành, quảng bá tờ China Daily (Trung Quốc Nhật báo), và Công ty Phát triển Hai Tian (Hải Thiên) tại Mỹ chuyên phân phối tờ People’s Daily (Nhân dân Nhật báo) – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, quy định này khiến chi nhánh tại Mỹ của 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc trên được coi như một phần của đại sứ quán Trung Quốc, phải thực thi các điều luật ngoại giao như khai báo thông tin quản lý nhân sự, các quyết định tuyển dụng, sa thải và đăng ký tài sản mà họ thuê hoặc mua với Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngoài ra, trước khi thuê hoặc mua mới tài sản, các cơ quan này cũng phải có sự chấp thuận của nước này. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã gửi thông báo tới 5 cơ quan truyền thông trên.
Theo hai quan chức Mỹ, quyết định này được đưa ra vì Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát đối với truyền thông của họ và đã tích cực tận dụng chúng làm “các cỗ máy tuyên truyền” nội dung ủng hộ Bắc Kinh. Họ nói thêm rằng quyết định này được xem xét từ lâu và không liên quan tới những diễn biến gần đây trong quan hệ song phương.
Các cơ quan truyền thông trên đều góp phần trong bộ máy tuyên truyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thực tế là các thực thể này đều làm việc 100% cho chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những kẻ này đều nằm trong sơ đồ tổ chức của họ,” quan chức Mỹ cho biết
Phản ứng trước quyết định trên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 19/2 tuyên bố các quy định mới do Washington áp đặt đối với báo chí nhà nước Trung Quốc tại Mỹ là không thể chấp nhận được. “Hoa Kỳ luôn ca ngợi tự do báo chí, nhưng lại cản trở hoạt động của truyền thông Trung Quốc”, ông Sảng phát biểu và cho biết sẽ trả đũa vụ này.
Theo AP, Bắc Kinh gần đây đã rút thẻ nhà báo của 3 phóng viên Wall Street Journal (WSJ) vì trang này đã đăng một bài báo có tựa đề: “Trung Quốc–con bệnh thực sự của châu Á.” Theo ông Sảng, tựa đề của bài báo này “mang dấu ấn phân biệt chủng tộc”, và Wall Street Journal không chịu xin lỗi theo yêu cầu của Bắc Kinh. Tuy nhiên, một nhà báo tự do tại Bắc Kinh cho biết cả 3 phóng viên trên đều không hề liên quan đến bài viết được nêu.
Ông William Lewis, lãnh đạo của WSJ phát đi tuyên bố nói rằng doanh nghiệp của ông “cực kỳ thất vọng” với động thái của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông Lewis cho biết: “Bài bình luận được xuất bản độc lập với phòng tin tức của WSJ và không nhà báo nào trong số những người bị trục xuất có liên quan tới nó.”
“Các trang bình luận của chúng tôi thường đăng tải các bài viết với những ý kiến mà có người phản đối hoặc có người ủng hộ, [nhưng] chúng tôi không có chủ ý gây ra sự xúc phạm với tiêu đề bài báo trên,” ông Lewis nói.
Hôm 20/2, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng lên tiếng chỉ trích quyết định của Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc cần hành xử một cách trưởng thành hơn. “Các nước trưởng thành và có trách nhiệm đều hiểu rằng một nền báo chí tự do là trưng ra sự thật và bày tỏ ý kiến”, ông Pompeo nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng điều Trung Quốc nên làm là phản biện lại bằng các lập luận chứ không phải bắt người khác im miệng. Ông Pompeo cho biết Washington hy vọng một ngày nào đó người dân Trung Quốc sẽ được tiếp cận những thông tin chính xác như Mỹ.
Thiện Thành (t/h)