Mỹ: Hành vi đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ đe dọa tự do tôn giáo toàn cầu
Theo báo cáo mới nhất từ Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) công bố vào ngày 28/4, tự do tôn giáo ở đại lục đang bị xói mòn dưới chế độ cộng sản Trung Quốc trong khi nước này đang tìm cách xuất khẩu đàn áp tôn giáo ra quốc tế, theo The Epoch Times.
Đàn áp tôn giáo tại Trung Quốc đại lục
Bắc Kinh đã xây hàng loạt trại giam và đang giam giữ khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo thuộc các dân tộc thiểu số khác ở phía tây vùng Tân Cương xa xôi. Còn ở những nơi khác tại đại lục, việc phá hủy các nhà thờ dưới lòng đất và các nhà thờ khác vẫn tiếp tục diễn ra.
Đáng chú ý là vào năm 2019, hàng ngàn học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã bị chính quyền Bắc Kinh giam giữ vì không từ bỏ đức tin của họ hoặc phân phát tài liệu liên quan đến môn tập, báo cáo cho biết.
Danh sách các hành vi vi phạm tôn giáo và sự thù địch đối với đức tin ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc đã khiến nước này trở thành “nơi lạm dụng tự do tôn giáo tồi tệ nhất thế giới,” Ủy viên USCIRF Gary L. Bauer nói với Thời báo The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn.
Trong khi chính quyền Trung Quốc liên tục bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì thành tích kém cỏi về tự do tôn giáo kể từ năm 1999, Bauer thậm chí còn cho biết ông ước “có định danh nào khác tệ hại hơn dành cho chính quyền cộng sản Trung Quốc.”
“Trung Quốc đã tuyên chiến với tất cả đức tin,” ông nói.
“Trong mọi trường hợp, thông điệp mà những người cộng sản Trung Quốc gửi đi là không một công dân Trung Quốc nào được phép có lòng trung thành với bất cứ điều gì cao hơn Đảng Cộng sản. Không còn nơi nào để tìm thấy Chúa dưới chế độ cộng sản Trung Quốc. Quả đúng là một sự ô nhục, một mối đe dọa quốc tế.”
Ông Bauer cũng lên án hành vi dã man của chính quyền Trung Quốc liên quan đến tội ác cưỡng bức mổ nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù. Ông nhấn mạnh: “Những hành vi đó là không thể chấp nhận được đối với bất kỳ quốc gia văn minh nào”.
Xuất khẩu đàn áp tôn giáo
Báo cáo từ USCIRF cho biết có những tín hiệu đáng báo động cho thấy chính quyền Trung Quốc đang mở rộng phạm vi vi phạm nhân quyền ra toàn thế giới.
Ủy ban USCIRF cũng lên án việc các nhà ngoại giao Trung Quốc tìm cách lật đổ các tổ chức nhân quyền quốc tế như tổ chức Liên Hợp Quốc (LHQ). Đáng chú ý là vào tháng 2/2020, Bắc Kinh đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm tìm cách bảo vệ người tị nạn Rohingya ở Miến Điện (còn gọi là Myanmar).
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt, mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để xây dựng một nhà nước với hệ thống giám sát hàng loạt, cũng đã phổ biến ở hơn 100 quốc gia và trong nhiều trường hợp, các thiết bị giám sát này là để nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến, báo cáo đưa ra lưu ý.
Điển hình là vào tháng 8/2019, cảnh sát ở Uzbekistan đã buộc khoảng 100 người Hồi giáo tại nước này cạo râu vì cho rằng bộ râu trên mặt làm giảm hiệu quả của thiết bị nhận dạng khuôn mặt – vốn được sản xuất tại Trung Quốc.
Một ví dụ nữa là vào tháng 3/2019, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, một nhóm gồm 57 quốc gia có tín đồ Hồi giáo chiếm đa số, đã ban hành nghị quyết tuyên bố nhờ chính quyền Bắc Kinh “chăm sóc” cho các tín đồ Hồi giáo ở Trung Quốc và bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ.
“Đó là bằng chứng về loại áp lực mà những người theo chủ nghĩa cộng sản luôn sẵn sàng lợi dụng để chống lại các nước khác,” ông Bauer nói.
Trong khi đó, các quốc gia châu Phi mắc nợ Trung Quốc cũng cảm thấy bị áp lực nhiều hơn khi phải tuân theo các chỉ thị của ĐCSTQ, chẳng hạn như khi bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ, ông Bauer cho biết.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong một cuộc họp cấp bộ trưởng về tự do tôn giáo vào tháng 7/2019, cho hay chính quyền Trung Quốc đã cố gắng ngăn cản các nước khác tham gia vào cuộc họp mặt này.
Trong báo cáo gần đây, Ủy ban USCIRF khuyến nghị chính phủ Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức Trung Quốc có hành vi vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng bằng cách đóng băng tài sản hoặc cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ; phản đối Thế vận hội mùa đông 2022 được tổ chức tại Bắc Kinh do chế độ này vi phạm tự do tôn giáo, tăng cường các nỗ lực chống lại các hoạt động ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hoa Kỳ nhằm tìm cách dập tắt chỉ trích lên Bắc Kinh.
Thiện Thành (Theo The Epoch Times)