Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích LHQ vì tái bầu cử Trung Quốc vào Hội đồng Nhân quyền
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chỉ trích Liên Hợp Quốc (LHQ), sau khi tổ chức tái bầu cử Trung Quốc và nhiều quốc gia khác có hồ sơ nhân quyền kém, vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 13/10 vừa qua.
Vị Bộ trưởng phát biểu: “Đại hội đồng LHQ một lần nữa bầu ra các nước có hồ sơ nhân quyền đáng ghê tởm, bao gồm Trung Quốc, Nga và Cuba. Những cuộc bầu cử này càng củng cố lý do khiến Mỹ rút khỏi tổ chức và kiếm tìm các cơ hội, tổ chức khác để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền toàn cầu”.
Trước đó, vào tháng 6/2018, Mỹ đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền, sớm hơn thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của họ 1 năm. Thời điểm đó, Tổng thống Trump quyết định rút khỏi Hội đồng là bởi các quy định chọn thành viên, cho phép bầu chọn các quốc gia từng có nhiều trường hợp lạm dụng nhân quyền khét tiếng vào Hội đồng.
Ông cho biết thêm: “Đó là một ví dụ, một nguyên nhân cho thấy tại sao chúng tôi đã đúng đắn khi rời khỏi tổ chức đó. Khi các thể chế không thể sửa đổi và tiến bộ được như tôi đã phát biểu, thì nước Mỹ dưới chính quyền của TT Trump đơn giản sẽ không tham gia vào”.
Trung Quốc được tái bổ nhiệm vào Hội đồng Nhân quyền LHQ là sai lầm
Ngày 13/10, tại trụ sở chính ở Thành phố New York, LHQ đã tổ chức bầu cử Hội đồng Nhân quyền gồm 47 vị trí. Cuộc bầu cử được tổ chức để được phân bổ giữa 5 nhóm khu vực: Các quốc gia châu Phi, các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, Các quốc gia Đông Âu, Tây Âu và các quốc gia khác.
Ngoài nhóm các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương hiện có 5 quốc gia tranh cử cho 4 vị trí trống, thì các nhóm quốc gia khác đều có số ứng viên bằng với số ghế trống. Các quốc gia đắc cử sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm vào ngày 1/1/2021.
Trong vòng bỏ phiếu kín năm nay, số phiếu bầu cho Trung Quốc đã giảm đáng kể so với lần cuối cùng quốc gia này giành được chiếc ghế trong ban hội thẩm vào năm 2016. Khi đó, Trung Quốc đã giành được 180 phiếu trong cuộc bỏ phiếu kín, nhưng năm 2020, quốc gia này chỉ nhận được 139 phiếu. Tuy nhiên, số lượng phiếu này vẫn đủ để giúp Trung Quốc đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền.
Các quốc gia khác với nhiều trường hợp có vấn đề về nhân quyền, được bỏ phiếu vào Hội đồng bao gồm Nga và Cuba, tham gia cùng những quốc gia đương nhiệm Venezuela, Sudan và Libya.
Phát biểu về vấn đề này, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley khẳng định rằng, Mỹ đã đúng đắn khi rời khỏi Hội đồng vì một số quốc gia được bầu chọn vào tổ chức.
Bà cho biết: “Hội đồng đã bầu cử cho Trung Quốc Cộng sản, Cuba Cộng sản, Nga, cùng Venezuela, Sudan và Libya. Điều này càng chứng minh rằng Mỹ đã đúng đắn khi rút khỏi Hội đồng Nhân quyền vào năm 2018”.
Omer Kanat – Giám đốc điều hành của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ cho biết, tổ chức của ông đã rất lo lắng trước việc Trung Quốc được bầu cử vào Hội đồng: “Không nên cho phép các chính phủ phạm tội diệt chủng được tham gia vào Hội đồng Nhân quyền”, ông nhấn mạnh số lượng phiếu bầu thấp hơn cho thấy rằng, Trung Quốc đang mất đi tự tín nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.
Mỹ kêu gọi thay đổi Hội đồng nhưng bị ngó lơ
Khi Mỹ rời LHQ, quốc gia này đã kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ hành động ngay lập tức, để cải cách Hội đồng trước khi quá muộn.
Tuy nhiên, với việc Trung Quốc vẫn được bầu vào tổ chức, Mike Pompeo khẳng định những lời kêu gọi của Mỹ đã bị phớt lờ: “Đáng buồn là những lời kêu gọi đó đã bị ngó lơ, và giờ đây Đại hội đồng LHQ lại một lần nữa bầu chọn những quốc gia có hồ sơ nhân quyền đáng ghê tởm, bao gồm Trung Quốc, Nga và Cuba. Venezuela đã được bầu cử vào năm 2019”.
Mike Pompeo cũng chỉ ra những nỗ lực mà Mỹ đã tự thân thực hiện, để bảo vệ và củng cố nhân quyền. Ông đề cập đến một sự kiện bên lề mang tính bước ngoặt, tập trung vào những hiệu quả mà Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mang đến tới thời điểm hiện tại.
Sự kiện được chính quyền Mỹ tổ chức vào tháng 9/2020, trong tuần lễ cấp cao của Hội đồng Liên hợp quốc. Ngoài ra, ông còn đề cập đến việc TT Trump tổ chức một sự kiện mang tính bước ngoặt về tự do tôn giáo vào năm 2019.
Quan trọng hơn, ông còn nhấn mạnh những nỗ lực của Bộ Ngoại giao trong việc trừng phạt các trường hợp vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Ông cho rằng, điều này đã chứng minh cam kết của quốc gia đối với vấn đề nhân quyền không đơn thuần chỉ là nói suông: “Thông qua động thái từ Bộ Ngoại giao, chúng tôi đã trừng phạt những cá nhân vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Myanmar, Iran và các nơi khác. Những cam kết của chúng tôi được thể hiện rõ ràng trong tuyên bố của LHQ và trong những hành động mà chúng tôi đã làm. Mỹ là một quốc gia đấu tranh vì những điều tốt đẹp cho thế giới, và sẽ luôn là như vậy”.
Việt Anh (t/h)