Máy làm chết não – Công cụ giết người lấy nội tạng của Trung Quốc
Kênh TV Chosun của Hàn Quốc hôm 15/11 đã cho phát bộ phim tài liệu “Báo cáo điều tra 7”, trong đó có đề cập đến “máy kích thích não tổn thương nguyên phát” (Primary brain stem injury) do Trung Quốc phát minh, với chức năng chủ yếu là giết người lấy nội tạng.
Cách sử dụng “máy kích thích não tổn thương nguyên phát” là dùng một quả cầu kim loại tròn kích thích trực tiếp vào xương sọ, sóng kích thích sẽ xuyên qua xương sọ đi vào não bộ, khiến đối tượng lập tức bị chết não.
Ai là người phát minh ra loại máy này? Có lẽ nhiều người không thể ngờ được, đó chính là cựu Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an thành phố Trùng Khánh: Vương Lập Quân.
Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin, trong thời gian Vương Lập Quân nhậm chức tại Trùng Khánh đã có bản quyền sáng chế 254 sản phẩm, trong đó có một sản phẩm thuộc loại khoa học kỹ thuật đỉnh cao: máy kích não tổn thương mang tính nguyên phát.
Là một vị Giám đốc Công an chứ không phải thuộc giới y học, Vương Lập Quân phát minh ra cái máy này để làm gì? Có bí mật gì đằng sau vấn đề tử vong não?
Giám đốc công an nghiên cứu cấy ghép nội tạng người
“Báo cáo điều tra 7” đã phỏng vấn bác sĩ khoa ngoại Lee Seung Won, Hội trưởng Hiệp hội Luân lý Cấy ghép nội tạng Hàn Quốc, ông Lee cho biết:
“’Máy kích thích não tổn thương tính nguyên phát’ ngoài việc đưa người ta vào trạng thái chết não để lấy nội tạng thì không còn tác dụng gì, ai lại muốn não mình bị chết?”
Ngay từ 5/2003 – 6/2008, thời gian Vương Lập Quân làm Giám đốc Công an Cẩm Châu, ông ta đã lập ra “Trung tâm Nghiên cứu tâm lý học hiện trường Công an Cẩm Châu”, đây là Trung tâm Nghiên cứu tâm lý học hiện trường duy nhất của Trung Quốc nghiên cứu cấy ghép nội tạng cơ thể người.
Tháng 6/2008, sau khi Vương Lập Quân được Bạc Hy Lai đón về Trùng Khánh đã thành lập “Trung tâm Nghiên cứu tâm lý học hiện trường Công an Trùng Khánh”, trung tâm này hợp tác với Đại học Tây Nam, và Vương Lập Quân được mời làm Giáo sư Đại học Tây Nam, thành người có thể hướng dẫn tiến sĩ.
Nguồn cung nội tạng mà Vương Lập Quân cấy ghép lấy từ đâu?
Năm 2006, tại Lễ trao giải “Giải Cống hiến đặc biệt sáng tạo mới Quang Hoa”, khi nhắc đến cấy ghép nội tạng, Vương Lập Quân nói: “Hiện trường mà chúng tôi tham gia, thành quả khoa học kỹ thuật của chúng tôi là kết tinh của hàng ngàn nghiên cứu hiện trường chuyên sâu”. Nhưng kết tinh này là chỉ thứ gì? Nguồn gốc của nó từ đâu?
Ông Nhậm Tấn Dương, Thư ký trưởng quỹ Quang Hoa cho biết, trao cho Vương Lập Quân giải thưởng vì “nền tảng nghiên cứu và thực nghiệm hiện trường” của ông ấy, giúp cho hoạt động cấy ghép nội tạng dễ dàng hơn.
Sự kiện Vương Lập Quân năm 2012 là sự kiện vô cùng kịch tính, ông ta hóa trang thành một phụ nữ chạy thẳng vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Sau khi sự kiện xảy ra, Bạc Hy Lai ra lệnh bao vây Lãnh sự quán Mỹ, thậm chí ra lệnh “bằng mọi giá phải làm cho Vương Lập Quân im lặng”.
Trang “Ngọn Đèn Tự Do Washington” (The Washington Free Beacon) đưa tin, khi Vương Lập Quân chạy vào Lãnh sự quán Mỹ đã mang theo rất nhiều tài liệu. Nội dung những tài liệu này là gì? Liệu có liên quan đến nguồn gốc nội tạng không? Đây là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Năm 2009, “Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc Đàn áp Pháp Luân Công” (WOIPFG) công bố bằng chứng một người tận mắt chứng kiến cảnh mổ sống người tập Pháp Luân Công lấy nội tạng, nhân chứng là cảnh sát dưới quyền Vương Lập Quân khi đó. Vương đã ra lệnh cho họ “phải truy cùng giết tận” đối với Pháp Luân Công. Bản thân nhân chứng này đã nhiều lần tham gia bắt bớ, tra khảo và bức cung đối với người theo Pháp Luân Công.
Ngày 22/5/2006, WOIPFG đã gọi điện liên lạc và ghi âm đối với nhân viên làm việc tại Tòa án Nhân dân Cấp trung thành phố Cẩm Châu, được xác nhận “có nguồn cung thận từ người tập Pháp Luân Công còn trẻ, sức khỏe tốt”.
Cẩm Châu ở Liêu Ninh là một trong những địa bàn bức hại Pháp Luân Công nghiêm trọng nhất. Website minghui.org của Pháp Luân Công chỉ ra, tính đến tháng 5/2017 số người tập Pháp Luân Công ở Cẩm Châu bị bức hại chết là 163 người; có 158 người bị tuyên án phi pháp; 694 người bị cưỡng bức lao động; hàng ngàn người bị tạm giam; gần chục ngàn người bị sách nhiễu; mất tích 11 người; 36 người là công chức bị sa thải. Những con số này chưa thể phản ánh hết, vì chắc chắn nhiều thông tin phản ánh từ trong nước ra nước ngoài không thành công do mạng internet ở Trung Quốc bị ngăn chặn.
Ông Uông Chí Viễn, Chủ tịch (WOIPFG) nói: “Sau khi Vương Lập Quân nhậm chức Giám đốc Công an Cẩm Châu vào tháng 5/2003 đã cho bắt bớ, sách nhiễu quy mô lớn đối với Pháp Luân Công, đến nay nhiều người không còn rõ tung tích. Còn ‘Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý hiện trường’ mà Vương Lập Quân phụ trách đã thực hiện hàng ngàn ca cấy ghép nội tạng, là nơi đáng nghi ngờ nhất trong tội ác mổ cướp nội tạng của người tập Pháp Luân Công và thí nghiệm cơ thể người sống”.
Thành phố Trùng Khánh cũng là một trong những địa bàn bức hại Pháp Luân Công nghiêm trọng. Sau khi Vương Lập Quân làm Giám đốc Công an Trùng Khánh đã xảy ra nhiều vụ án người theo Pháp Luân Công bị hại chết, trong đó có vụ án Giang Tích Thanh (Jiang Xiqing), là cán bộ thuế vụ quận Giang Tân thành phố Trùng Khánh đã nghỉ hưu.
Trước Thế vận hội năm 2008, ông Giang Tích Thanh bị bắt đến trại cưỡng bức lao động Tây Sơn Bình ở Trùng Khánh; chiều ngày 27/1/2009 khi người thân đến thăm thì ông Giang vẫn khỏe mạnh, nhưng chưa đầy 24 giờ sau, họ nhận được điện thoại của trại cưỡng bức lao động thông báo ông đã qua đời vì “nhồi máu cơ tim”.
Giang Lài (Jiangli), con gái của Giang Tích Thanh hiện sống tại New York (Mỹ), nhớ lại thời khắc cuối gặp cha, cô nói: “Sau khi đưa xác cha ra khỏi tủ lạnh, chúng tôi sờ vào thân thể cha thấy còn ấm, tôi cảm giác còn ấm hơn tay tôi”.
Khi đó vài người nghi ngờ cha cô chưa chết, yêu cầu cấp cứu, nhưng rồi những thanh niên lực lưỡng lập tức kéo họ đi. Sau này, trước tình cảnh liên tục bị người nhà nạn nhân truy hỏi, trưa ngày 27/3/2009, Viện trưởng Chu Bách Lâm của Viện Kiểm sát số 1 thành phố Trùng Khánh trả lời: “Toàn bộ nội tạng của ông ấy bị lấy đi làm tiêu bản”.
Người “não chết” cung nội tạng có ở khắp Trung Quốc?
Người đầu tiên đề cập đến việc dùng nội tạng người “chết não” để cấy ghép là cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Hoàng Khiết Phu. Tháng 5/2000, ông Hoàng Khiết Phu có bài viết đăng trên “Tạp chí Thực tiễn Ngoại khoa Trung Quốc” (Chinese Journal of Practical Surgery), cho biết trường hợp 31 ca ghép thận lấy nguồn từ cái gọi là “cơ thể người chết não”.
Ông Hoàng Khiết Phu không phải trường hợp cá biệt, nội tạng mà nhiều bác sĩ cấy ghép tạng Trung Quốc sử dụng dường như chủ yếu có nguồn từ “người chết não”.
Theo tư liệu liên quan: Diệp Khải Phát, bác sĩ Bệnh viện Tương Nha 3 Đại học Trung Nam ở Hồ Nam đã thực hiện tổng số hơn 1000 ca thay gan, hơn 2000 ca thay thận; thời gian từ 2002–2012 đã tham gia 407 ca phẫu thuật cắt bỏ nhiều cơ quan khác nhau, nguồn cung từ người “chết não cấp tính”, “chết tim cấp tính”.
Ông Trần Truyền Bảo, bác sĩ ghép tạng Bệnh viện thứ nhất Đại học Trung Sơn tỉnh Quảng Đông đã tham gia ghép thận hơn 60 trường hợp; cho đến năm 2013 thực hiện phẫu thuật lấy thận hơn 20 trường hợp, nguồn cung đều từ đối tượng chết não.
Ngày 20/10/2017, WOIPFG công bố 105 bản ghi âm điều tra qua điện thoại. Bác sĩ bị điều tra cho biết, nguồn cung nội tạng cho cấy ghép chủ yếu từ người chết não hiến tặng nội tạng. Khi bị truy hỏi tiếp thì hoặc là chỉ nói lấp lửng, hoặc là bắt đầu cảnh giác và thận trọng hơn. Còn khi thực hiện điều tra tổng số ba Hội Chữ thập Đỏ thì được biết, nội tạng do công dân hiến tặng tự nguyện vô cùng ít, không đáng để nói.
Điều tra điện thoại ngày 2/8/2017, bác sĩ Tô Vũ thuộc Khoa Tiết niệu Bệnh viện thứ hai Đại học Y khoa Quảng Châu cho biết: “Hiện nay lượng cung rất lớn! Nội tạng lấy từ đâu? Chuyện này tôi cũng không dám nói bừa! Nguồn thận của chúng tôi là nhiều nhất! Đặc sắc nhất của bệnh viện chúng tôi chính là nguồn cung từ người còn sống, bệnh nhân bị chết não”.
Ẩn bên cạnh “Trung tâm tử vong não” là kho nội tạng?
Ông Hoàng Khiết Phu là Chủ nhiệm danh dự Khoa Cấy ghép nội tạng Bệnh viện thứ nhất Đại học Trung Sơn – Quảng Đông, không những sử dụng vô số “nguồn cung cơ thể tử vong não”, còn xây dựng “Trung tâm tử vong não”, được xem là một trong những “đầu nguồn” thu hoạch nội tạng.
Ngày 20/7/2015, nhân viên điều tra của (WOIPFG) thực hiện điều tra bác sĩ Tần Hạn thuộc Khoa ngoại tim mạch Bệnh viện thứ nhất Đại học Trung Sơn Quảng Đông, vị bác sĩ nói: “Chúng tôi có trung tâm tử vong não, người tử vong não hiến tặng, hãy đưa ông ấy đến Khu Hoàng Bộ cạnh Đại học Trung Sơn chúng tôi, đến đó còn tìm hiểu tình hình nội tạng. Phải làm thế này…. Nói thật, nếu nói là tử tù thì không chắc dùng được tim, vì là…. Còn Trung tâm tử vong não chuyên phụ trách về cơ thể hiến tặng”.
Tờ Epoch Times có phân tích cho rằng, bên cạnh “Trung tâm tử vong não” chắc chắn ẩn giấu kho nội tạng, mới có được hệ thống phân phối nội tạng kịp thời. Còn theo trang minghui.org, những người tập Pháp Luân Công bị mất tự do thân thể bị giới chức Trung Quốc ép lấy máu, xét nghiệm máu, họ chính là kho người sống cung cấp tạng.
Lượng phẫu thuật cấy ghép nội tạng Trung Quốc bùng phát từ sau năm 2000, nhưng lại không thể giải thích rõ ràng cho cộng đồng quốc tế về nguồn cung cấp.
Năm 2000 là thời điểm đặc biệt. Đó là lúc thế lực cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân dùng toàn lực đàn áp Pháp Luân Công. Năm 2000 là năm xảy ra cao trào người tập Pháp Luân Công đi Bắc Kinh khiếu kiện. Khi đó có hơn triệu người tập Pháp Luân Công đi kiện, trong đó nhiều người không còn quay trở về nhà.
Pháp Luân Công là môn tu luyện của nhà Phật, lấy “Chân, Thiện, Nhẫn” làm nguyên tắc, có hiệu quả giúp trừ bệnh khỏe người. Trước khi bị đàn áp, theo thống kê của nhà nước Trung Quốc, số người tham gia tập Pháp Luân Công lên đến hơn 70 triệu người.
Trang minghui.org của Pháp Luân Công chỉ ra, đa số những người theo Pháp Luân Công bị bắt giữ phi pháp đều phải chịu cực hình, nhưng đồng thời họ còn bị đưa vào hệ thống kiểm tra máu và nội tạng (cả siêu âm, xét nghiệm nước tiểu). Nhiều người sau khi trải qua trình tự kiểm tra đã bị mất tích.
Chuyên gia Ethan Gutmann đồng thời là nhà điều tra độc lập về tội ác mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc đã lo lắng nói: “Dường như họ (giới chức Trung Quốc) đưa những người theo Pháp Luân Công này vào kho dự trữ tầm cỡ mang tính toàn quốc”.
Từ tháng 4/2014 đến nay, cảnh sát tại nhiều địa bàn ở Trung Quốc đã bắt những người theo Pháp Luân Công đi lấy máu, thử máu, và kiểm tra DNA. Trang minghui.org đưa tin, chỉ trong hơn một tháng, ở Đan Đông – Liêu Ninh đã có 16 người theo Pháp Luân Công bị bắt đi lấy mẫu máu, dấu vân tay.
Ông David Matas, luật sư nhân quyền quốc tế người Canada, người tham gia điều tra cùng ông Ethan Gutmann cho biết, kho nội tạng cơ thể sống lớn nhất chủ yếu đến từ những người theo Pháp Luân Công bị bắt giam, tình hình đã phát triển đến mức những người theo Pháp Luân Công có thể bị bắt giữ ngay trên đường hoặc xông vào nhà họ để ép thử máu, kiểm tra DNA.
Ngày 8/2/2015, WOIPFG đã thực hiện điều tra với bác sĩ Đàm Vân Sơn, Chủ nhiệm Khoa Bệnh đường sinh dục Bệnh viện Trung Sơn thuộc Đại học Phúc Đán tại Thượng Hải, vị bác sĩ nói thẳng: “Trong cấy ghép gan hiện nay, tất cả nguồn cung gan đều lấy ‘tận gốc’, dĩ nhiên chúng tôi biết nguồn cung là ai. Còn chuyện Pháp Luân Công hay không thì chúng tôi không quan tâm, chúng tôi chỉ quan tâm tiêu chuẩn phù hợp của nội tạng”.
Theo Trithucvn