Mark Zuckerberg: Sẽ không vì muốn làm ăn với Trung Quốc mà chấp nhận hệ thống kiểm duyệt
Mới đây, Mark Zuckerberg, chủ tịch và tổng giám đốc điều hành Facebook, đã có một bài phát biểu hiếm thấy, ông nói rõ Facebook sẽ không vì muốn bước vào thị trường Trung Quốc mà chấp nhận hệ thống kiểm duyệt nghiêm khắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tạp chí Forbes đưa tin, vào ngày 17/10, Mark Zuckerberg tại trường đại học Georgetown đã diễn thuyết hơn 1 giờ đồng hồ trước rất nhiều sinh viên, học giả và phóng viên. Trong lúc Zuckerberg nói tới nội dung bị kiểm duyệt, hệ thống kiểm duyệt và vai trò của nền tảng kỹ thuật trong dân chủ, ông đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với hệ thống kiểm duyệt của ĐCSTQ.
Zuckerberg nói: “Tôi hy vọng có thể cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc, bởi vì tôi tin rằng có thể kết nối thế giới lại với nhau, hơn nữa tôi cho rằng tôi có thể trợ giúp để xây dựng một xã hội cởi mở hơn. Nhưng nếu nói chúng tôi phải chấp nhận một điều kiện gì đó mới được khai triển nghiệp vụ ở đó, chúng tôi có thể sẽ không bao giờ đạt được một thỏa thuận nào cả. Bọn họ (ĐCSTQ) cũng không để cho chúng tôi tiến vào”.
Zuckerberg từ năm 2015 đã viếng thăm và làm đủ mọi cách để có thể tiếp cận được 802 triệu người dùng internet ở Trung Quốc (chiếm 57.7% dân số Trung Quốc). Nhưng lúc này đây, có thể thấy ông đã “không còn nhiệt tình” nữa.
Theo “Thông tấn xã Trung ương” (CNA), Zuckerberg từng gặp mặt Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, thậm chí còn mời nhà quản lý mạng internet tối cao của ĐCSTQ đến khuôn viên của Facebook để viếng thăm. Zuckerberg còn nỗ lực học tiếng Trung, ông cũng từng đăng lên mạng một bức hình ông chạy bộ ngang qua quảng trường Thiên An Môn, bởi vậy mà bị đông đảo mọi người phê phán, nói ông đang tìm cách để nịnh bợ Bắc Kinh.
Trong buổi nói chuyện vào ngày 17/10, Zuckerberg đã nhiều lần công kích hệ thống kiểm duyệt và các biện pháp đàn áp tự do ngôn luận của chính quền ĐCSTQ, ông cũng đề cập đến ứng dụng mạng xã hội Tik Tok của Trung Quốc, ứng dụng đã đạt được 500 triệu người dùng hoạt động toàn cầu mỗi tháng và đang phát triển rất nhanh tại nước Mỹ.
Zuckerberg nói: “Bởi vì được mã hóa và bảo vệ quyền riêng tư, ứng dụng WhatsApp của chúng tôi đã được sử dụng khắp nơi bởi người biểu tình và các nhà hoạt động. Trong khi ứng dụng Tik Tok của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chóng mặt trên thế giới, ngay cả ở tại nước Mỹ, nhưng miễn là đề cập đến các hoạt động biểu tình thì đều bị kiểm duyệt. Đây là thứ internet mà chúng ta muốn hay sao?”
Tờ Washington Post đã đăng tải một bài viết dài, dẫn ra phân tích của các nhà nghiên cứu, cho rằng Tik Tok có khả năng sẽ trở thành một trong những loại vũ khí hữu hiệu nhất trong trận chiến tin tức trên toàn cầu của ĐCSTQ. Số lượng người sử dụng của nó ở nước ngoài đã không ngừng tăng lên, làm cho các Viện nghiên cứu (Think Tank) ở nước ngoài phải lo lắng.
Tại Trung Quốc, Tik Tok đã trở thành “con tàu tuyên truyền” để ĐCSTQ tuyên truyền chính trị cho giới trẻ. Ở nước ngoài, phiên bản quốc tế của Tik Tok đã được quảng cáo là một ứng dụng để giải trí, chứ không phải nơi dành cho chính trị, điều này giải thích vì sao trên Tik Tok có rất ít video nói về các chủ đề nhạy cảm, ví dụ như là vấn đề kháng nghị ở Hồng Kông.
Trong bài diễn thuyết vào ngày 17/10, Zuckerberg định vị Facebook là một công ty dựa trên các giá trị lý niệm của nước Mỹ. Công ty ủng hộ quyền tự do ngôn luận thông qua việc cho phép bất kỳ ai cũng có thể bày tỏ ý kiến cá nhân của mình, chỉ cần họ không đe dọa gây tổn hại về thân thể cho người khác.
Mark Zuckerberg không còn cố gắng làm ăn với Trung Quốc
Mới đây, trong phiên điều trần tại Ủy ban Tài chính Hạ viện hôm thứ Tư (23/10), Zuckerberg đã lần đầu thừa nhận rằng giao thương với Trung Quốc gây hại hơn là giúp cho công cuộc tự do.
“Tôi nghĩ công bằng mà nói các quan điểm của tôi đã biến chuyển. Nếu là mười năm trước, tôi có lẽ sẽ lạc quan hơn rằng cố gắng làm ăn với Trung Quốc có thể giúp cho xã hội cởi mở hơn”, Mark Zuckerberg nói.
Không nêu tên các ví dụ cụ thể, nhưng ông chủ Facebook tiếp tục dẫn chứng về các trường hợp “trong vài tuần gần đây” cho thấy các giá trị Mỹ đang bị “xói mòn” do giao thương với Trung Quốc.
“Ngày nay, dường như trong một số trường hợp, làm ăn tại Trung Quốc không chỉ không hiệu quả mà còn gây tổn hại cho khả năng của các công ty Mỹ trong việc thúc đẩy các giá trị của chúng ta ra bên ngoài và trên thế giới, và tôi nghĩ chúng ta đã thấy điều đó trong một vài tuần qua, trong một số vụ việc”, Mark Zuckerberg nói, nhưng không nêu rõ tên các trường hợp cụ thể.
Tiếp tục phiên điều trần của mình, ông Mark Zuckerberg nói rằng các công ty công nghệ đến từ Trung Quốc không chia sẻ “những giá trị biểu thị tự do mạnh mẽ” của các công ty công nghệ lớn của Mỹ – cho dù thậm chí gần như mọi nền tảng truyền thông xã hội lớn của Mỹ vẫn bị các chính trị gia Cộng hòa (và một số chính trị gia Dân chủ) lên án về việc không bảo vệ tự do ngôn luận của những người dùng trong đảng phái của họ.
Ông chủ Facebook cho rằng: “Trong thập kỷ qua, hầu hết tất cả các nền tảng internet lớn đều là của các công ty Mỹ với các giá trị biểu thị tự do mạnh mẽ, nhưng tôi nghĩ rằng không có gì đảm bảo rằng thực trạng đó của thế giới sẽ tiếp diễn. Ngày nay, sáu trong mười công ty công nghệ hàng đầu thế giới là đến từ Trung Quốc và chắc chắn không chia sẻ các giá trị về những thứ như biểu thị tự do”.
Ông Mark Zuckerberg cũng cảnh báo rằng các công ty công nghệ Trung Quốc có lợi thế về cơ sở hạ tầng, và các mối quan hệ gần gũi giữa các công ty công nghệ Trung Quốc với chính quyền ĐCSTQ.
“Một phần cơ sở hạ tầng mà họ đang xây dựng tại đó là hiện đại hơn rất nhiều những thứ chúng ta sẽ phải xây dựng ở đây”, ông Zuckerberg nói.
Zuckerberg dẫn chứng về cách thức Trung Quốc thực hiện dự án tương tự như tiền ảo Libra của hãng này. Ông Zuckerberg nói: “Ngay khi chúng tôi đưa ra sách trắng xung quanh dự án Libra, Trung Quốc lập tức thông báo một đối tác công-tư làm việc với các công ty như thế, để mở rộng công việc mà họ đã làm với Alipay về tiền Nhân dân tệ kỹ thuật số, coi đó là một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường mà họ đã có, và họ đang có kế hoạch triển khai dự án đó trong vài tháng tới”.
Minh Huy (Theo Epoch Times)