Viết thơ mạo phạm Hằng Nga, Đường Minh Hoàng gặp họa vong quốc
Một người muốn trở thành nhân tài kiệt xuất trong xã hội, hay người nắm trong tay cơ nghiệp vĩ đại, anh hùng làm loạn thời thế, hết thảy đều nằm trong sự an bài tinh tường của Thần linh. Nói cách khác, người tài ba xuất chúng, trong thân ắt có phúc đức lớn, hoặc thân thế không tầm thường.
Dưới đây là câu chuyện liên quan đến thời biến của xã hội, sự chuyển sinh của con người trong mối quan hệ với Thần linh. Bạn tin cũng được, không tin cũng chẳng sao, chỉ cần nhớ rằng, đắc tội với Thần linh là tự chuốc lấy họa vào thân, không bởi tiên nhân bụng dạ hẹp hòi mà vì con người nông cạn nhưng lại quá ngông cuồng vậy.
Đường Minh Hoàng vô cùng kính trọng Bát Tiên. Bát Tiên thấy vậy, liền quyết định dẫn Đường Minh Hoàng lên cung trăng chơi một chuyến. Đường Minh Hoàng lên đến Quảng Hàn cung, lập tức để mắt đến Hằng Nga, thế là ông liền viết một bài thơ không thích hợp cho lắm.
Hằng Nga bởi trước đó đã uống vài chung rượu, nên mơ mơ màng màng không hay biết gì cả, sau khi tỉnh rượu xem lại bài thơ, mới phát hiện ra Đường Minh Hoàng đang lăng nhục mình, vô cùng tức giận, liền đem bài thơ đó dâng lên Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Ngọc Hoàng thấy Đường Minh Hoàng chỉ là vua chúa người phàm, lại dám lăng nhục Thần tiên như vậy, đùng đùng nổi giận, liền sai Thanh Long, chuyển sinh thành An Lộc Sơn tiêu diệt nhà Đường, lập ra một triều đại mới.
Lại nói, Tuần Thiên Ngự Sử – Thái Bạch Kim Tinh, khi đi ngang qua bầu trời Đại Đường, nhìn xuống dưới thấy cảnh chiến tranh loạn lạc, chướng khí mù mịt, lập tức trở về báo lại với Ngọc Hoàng.
Ngọc Hoàng liền kể rõ nguyên nhân cho Thái Bạch Kim Tinh nghe. Nghe xong, Thái Bạch Kim Tinh nói: “Ngọc Đế bớt giận! Đường Minh Hoàng viết bài thơ lăng nhục thần tiên quả là không đúng. Ngài vì chuyện nhỏ nhặt này liền sai người đi tiêu diệt triều đại của ông ta, có phải là chuyện bé xé ra to không? Bởi vì nhà Đường được quy định là bốn trăm năm trường tồn, bây giờ còn chưa đủ hai trăm năm, vẫn còn hơn hai trăm năm nữa”.
Ngọc Hoàng nghe qua, cảm thấy Thái Bạch Kim Tinh nói có lý, liền nói rằng: “Trẫm đã hạ chỉ rồi, Thanh Long cũng đã hạ phàm, mệnh lệnh đã không thể thu hồi nữa”.
Thái Bạch Kim Tinh nghe xong liền nói: “Ngự chỉ của Ngài đã hạ, không thể thu hồi nữa, nhưng thần đã nghĩ ra một cách lưỡng toàn kỳ mỹ, không biết ý Ngài thế nào?”.
Ngọc Đế liền nói: “Khanh gia cứ nói“.
Thái Bạch Kim Tinh bèn trình tấu: “Hãy lệnh cho Hằng Nga hạ phàm, chuyển sinh thành Dương Quý Phi, trước hết để cô ấy theo Đường Vương. Bây giờ không phải Thanh Long đã hạ thế rồi sao? Vậy hãy để cho Thanh Long, Hằng Nga cùng lúc náo loạn triều cương Đại Đường, khiến Đại Đường dần dần suy vong, như thế là đã trừng phạt hành vi dám vô lễ với thần tiên của Đường Minh Hoàng.
Đồng thời Ngài hãy sai Bạch Hổ tinh (chòm sao Bạch Hổ) hạ phàm để trợ giúp Đại Đường, khiến Đại Đường không đến nỗi diệt vong quá sớm, há không phải lưỡng toàn kỳ mỹ hay sao“.
Ngọc Hoàng nghe xong, rất đỗi vui mừng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến ‘An Sử chi loạn’ (*), cùng với Quách Tử Nghi bình phản.
(*) An Sử chi loạn là cuộc biến loạn xảy ra giữa thời nhà Đường của Đường Huyền Tông tức Đường Minh Hoàng, trong lịch sử Trung Quốc, kéo dài từ năm 755 đến năm 763, do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh cầm đầu. Cả họ An và họ Sử đều xưng là Yên Đế trong thời gian nổi dậy.
Sau đó, khi Ngọc Hoàng hạ chỉ, Bạch Hổ tinh đã không theo lệnh. Bởi trước đây Bạch Hổ tinh từng hai lần hạ phàm, lần thứ nhất chuyển sinh thành La Thành chỉ sống được 23 tuổi, lần thứ hai chuyến sinh thành Tiết Lễ cũng như thế. Lần này Ngọc Đế sai ông hạ phàm, dù nói thế nào ông cũng không chịu tiếp chỉ.
Thái Bạch Kim Tinh đứng ra cam đoan ngay trước mặt Ngọc Đế rằng, người sẽ để ông sống hết cuộc đời. Như vậy ông mới đồng ý hạ phàm, chuyển sinh thành Quách Tử Nghi sống đến 78 tuổi, không bệnh mà mất.
Tiểu Thiện (Theo Epoch Times)