Lưu Thiếu Kỳ chết thảm vì chỉ trích Mao Trạch Đông (Phần cuối)
Nhận thức rõ Đại Nhảy Vọt là một sai lầm khủng khiếp, Lưu Thiếu Kỳ bằng cách mạo hiểm tính mạng, lên tiếng phản đối Mao tại Hội nghị Toàn thể. Ông đã giúp ngăn không cho Đảng Cộng sản Trung Quốc giết thêm nhiều người dân hơn nữa, nhưng thay vào đó, ông phải trả bằng cả mạng sống và sự nghiệp của mình.
Xem phần 1: Lưu Thiếu Kỳ chết thảm vì chỉ trích Mao Trạch Đông
Lưu Thiếu Kỳ và Mao Trạch Đông bất đồng ý kiến
Vào năm 1961, trong lần tiếp một vị nguyên soái quân đội Anh, khi được hỏi về việc chọn ai kế thừa vị trí của mình sau khi qua đời, Mao Trạch Đông vẫn nói người đó là Lưu Thiếu Kỳ. Tuy nhiên, tới năm 1966, từ vị trí nhân vật số 2 trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, Lưu Thiếu Kỳ bị đánh tụt xuống vị trí thứ 8. Từ năm 1961 tới năm 1966, vỏn vẹn chỉ 5 năm ngắn ngủi. Vậy rốt cuộc, đâu là nguyên nhân khiến Lưu bị Mao Trạch Đông loại khỏi cuộc chơi?
Kế hoạch “Kéo dài một thời gian” được Mao rất ưng ý. Đại hội được thiết lập tại Đại Lễ đường Nhân dân ở quảng trường Thiên An Môn đối diện Trung Nam Hải. Mao ở trong Trung Nam Hải có một gian phòng mật, đặt tên là “118”, mỗi ngày nằm trên chiếc giường, bên cạnh là tình nhân, lật cho ông xem các báo cáo vắn tắt của Đại hội, xem mỗi nhóm người đã nói những gì. Kế hoạch của Mao là vào ngày 27/1 chỉ mở một lần hội nghị toàn thể, do Lưu Thiếu Kỳ đọc diễn văn khai mạc và bắt đầu thảo luận, sau đó tuyên bố Đại hội kết thúc. Màn diễn này hễ qua đi, thì Mao sẽ yên tâm tiếp tục ngồi trên chiếc ghế tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 27/1, một ngày đáng được ghi vào trong sử sách. Tại Hội nghị Toàn thể, Lưu Thiếu Kỳ một con người vốn thận trọng từ lời nói đến việc làm, đã ở ngay trước mặt Mao Trạch Đông, ngay trước mặt 7.000 thành viên chủ chốt của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, khẳng khái nói một tràng những lời hoàn toàn sai khác với “văn bản thông báo” mà Mao đã cất công chuẩn bị.
Lưu nói: “Hình thế không tốt, người dân không đủ lương thực để ăn, các thứ khác như thực phẩm bổ sung, thịt, mỡ không đủ; cái mặc cũng không đủ, vải quá ít; cái dùng cũng không đủ. Chính là cái ăn, cái mặc, cái dùng của người dân đều không đủ. ‘Chúng ta vốn dĩ cho rằng, về phương diện nông nghiệp và công nghiệp, mấy năm nay sẽ có đại nhảy vọt … Nhưng hiện nay không có nhảy vọt, mà trái lại còn thụt lùi rất nhiều“.
Lưu lại nói: “Nguyên nhân sản xuất khó khăn là ‘3 phần thiên tai, 7 phần nhân họa’, thiên tai quả thật là không nghiêm trọng đến như vậy!”. Ông thậm chí ám chỉ cần phải cân nhắc lại phương châm trị nước của Mao: “Ba mặt cờ đỏ ( tuyến tổng lộ, đại nhảy vọt, công xã nhân dân), chúng ta hiện nay đều không dám bãi bỏ, đều phải tiếp tục duy trì… Nhưng trải qua 5 năm, 10 nữa, chúng ta lại sẽ nói đến chuyện tổng kết sai lầm và kinh nghiệm“.
Mao Trạch Đông từ đầu đến cuối đều nói tai họa do chính mình tạo thành là “mối quan hệ giữa 1 ngón tay và 9 ngón tay”. Lưu Thiếu Kỳ nói thẳng với Mao rằng: “Trước đây chúng ta thường hay so sánh khuyết điểm, sai lầm và thành tích với quan hệ gọi là 1 ngón tay và 9 ngón tay. Bây giờ e rằng chiêu thức này không thể dùng hoài như vậy được nữa“.
Mao lập tức xen vào nói: “Địa khu kiểu ‘1 ngón tay và 9 ngón tay’ này không thiếu”.
Lưu phản bác nói: “Nhưng mà, nếu tính tổng cả nước mà nói, thì quan hệ giữa sai lầm và thành tích, chúng ta không thể nói là quan hệ giữa 1 ngón tay và 9 ngón tay được… Ông không thừa nhận, người ta chính là sẽ không phục…”
Phát biểu của Lưu đã được hưởng ứng mạnh mẽ của mọi người có mặt tại hội trường. Có chủ tịch nước ra mặt, các nhóm tiểu đội ngày hôm đó tranh luận sôi nổi tựa như tức nước vỡ bờ, hoàn toàn khác với những ngày hôm trước. Các cán bộ tranh nhau phát biểu, nói ra cách nghĩ chân thật của bản thân mình, phản đối tiếp tục chính sách Đại Nhảy Vọt. Thanh âm mạnh mẽ thật là “sóng sau cao hơn sóng trước”.
Mao dẫu có nằm mơ cũng không nghĩ được rằng Lưu Thiếu Kỳ do chính bản thân ông đề bạt lại dám làm vậy. Lưu không đọc “văn bản thông báo” của Mao, văn bản đã được Mao đồng ý trước khi mở Đại hội. Cơn thịnh nộ điên cuồng của Mao vốn không khó tưởng tượng, nhưng Mao đã kìm nén cơn lửa giận.
Lưu hiển nhiên có sự ủng hộ của 7.000 cốt cán trong chính quyền, Mao không thể đá chọi đá với họ được. Mà ông bây giờ cũng không thể thả các đại biểu đi, trước hết cần phải giảm thiểu tổn hại đối với bản thân đến mức thấp nhất rồi mới tính tiếp. Mao giả vờ giữa mình với Lưu Thiếu Kỳ không hề bất đồng chính sách, và tuyên bố kéo dài hội nghị. Mao nói với các đại biểu đây là cơ hội để họ trút giận, “Ban ngày trút giận, buổi tối xem tuồng, hai sông vừa cạn, mọi người vừa lòng“.
Mao áp dụng bước đi khẩn cấp, đưa Lâm Bưu – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng là người bạn gắn bó từ thuở “hàn vi” của ông ra hộ giá.
Ngày 29/1, lại mở hội nghị toàn thể, nhưng lần này người đầu tiên nói chuyện chính là Lâm Bưu.
Lâm Bưu nói lớn rằng những năm nay chỉ có là “một số khuyết điểm“, là “cái giá cho học tập” cần phải trả, “sự thật chứng minh, những khó khăn này vừa khéo lại là do chúng ta có rất nhiều việc không làm theo chỉ thị của Mao chủ tịch mới tạo thành như vậy. Nếu như chúng ta làm theo chỉ thị của Mao chủ tịch, nếu như chúng ta đều nghe lời của Mao chủ tịch, thế thì khó khăn sẽ được giảm thiểu rất nhiều, đường cong cũng sẽ bớt cong rất nhiều“, “Tư tưởng của Mao chủ tịch luôn là chính xác”.
Sau khi Lâm nói xong, Mao là người vỗ tay đầu tiên, sau đó bản thân tuyên bố với Đại hội: “Đồng chí Lâm Bưu nói những lời phát biểu rất hay“. Lâm Bưu đã cứu Mao.
Lúc này, Mao mới dám ra mặt uy hiếp Lưu Thiếu Kỳ. Sau khi khen ngợi Lâm Bưu, ông nói mập mờ rằng: “Báo cáo ngoài miệng của đồng chí Thiếu Kỳ, miệng nói không bằng chứng, cũng mời ông ra chỉnh lý một chút“. Bốn chữ “miệng nói không bằng chứng” đã thể hiện rõ ý định giết người của Mao.
Sau khi Lâm Bưu nói xong, Mao yêu cầu lãnh đạo các tỉnh và bộ quản lý nông nghiệp Trung ương, bộ quản lý kinh tế, nhất loạt lên bục kiểm điểm bản thân, gánh vác trách nhiệm, để giải thoát cho ông ta.
Lưu Thiếu Kỳ biết sự tình đã hỏng. Theo vợ ông kể, ông lẩm bẩm nói: “Lâm Bưu đến, lại nói những lời như vậy, có chuyện rồi“.
Người nắm giữ quân đội lại hoàn toàn đứng về phía Mao, dùng những lời lẽ ngang ngược cưỡng từ đoạt lý, ngay tức khắc khiến các đại biểu phải sợ hãi, không dám bóc mẽ vấn đề, càng không dám công kích Mao. Kết quả, Đại hội không thể triệt để thay đổi chính sách của Mao như Lưu mong muốn.
Mao dù sao cũng phải có câu trả lời với 7.000 người, vì thế vào ngày 30 ông đã làm “tự phê bình”, đây là lần đầu tiên trong đời Mao làm như vậy từ khi lên nắm quyền.
Mao Trạch Đông cẩn thận trau chuốt từ ngữ, nhằm tạo ấn tượng cho người khác. Mao cố ra vẻ cao thượng, quang minh chính đại gánh vác trách nhiệm, ông nói: “Phàm là những sai lầm mà Trung ương phạm phải, sai lầm trực tiếp quy về trách nhiệm của tôi, sai lầm gián tiếp tôi cũng có phần, bởi vì tôi là chủ tịch Trung ương“.
Đứng trước áp lực từ hội nghị, Mao Trạch Đông bị ép phải chấp nhận thay đổi chính sách. Nhờ vậy bắt đầu từ năm 1962, chỉ tiêu số lượng thực trưng thu giảm bớt trên diện rộng. Hàng chục triệu người vì vậy mà thoát chết.
Đại Cách mạng Văn hóa – Kế hoạch báo thù của Mao
Đối với Mao Trạch Đông, vết “dao” do Lưu Thiếu Kỳ “bất ngờ công kích” trong Đại hội 7.000 người khiến ông không cách nào quên. Mao sợ nhất là bị tập kích bất ngờ, chỉ có như vậy mới khiến ông có khả năng mất hết quyền lực trong nháy mắt.
Mao Trạch Đông căm hận Lưu Thiếu Kỳ. Ông cũng căm hận những người đã tham dự hội nghị, bởi vì họ đứng cùng phía với Lưu, bức ép ông thay đổi chính sách. Trả thù đã trở thành mong muốn nhất định phải làm của Mao. Đây chính là lí do tại sao mấy năm sau đó, Mao phát động Đại Cách mạng Văn hóa, khiến cho Lưu Thiếu Kỳ, và đại bộ phận những người đã tham gia hội nghị, cùng với những người liên can, đều bị tra tấn hành hình thảm khốc.
Giống như những gì mà Giang Thanh, vợ của Mao nói: “Mao Trạch Đông vào Đại hội 7.000 người đã nén cơn giận, mãi đến thời Đại Cách mạng Văn hóa mới trút cơn giận này“.
Đại Cách mạng Văn hóa không chỉ là sự trả thù, cũng là cải tổ triệt để. Mao nhìn thấy rất rõ ràng, các cán bộ đó đều không muốn quản lý đất nước theo ý muốn của ông. Mao cần phải triệt tiêu họ, và đổi một nhóm người khác lên thay.
Số phận bi thảm của Lưu Thiếu Kỳ
Tại Hội nghị Trung ương 12 khoá 8 Đảng Cộng sản Trung Quốc họp tại Bắc Kinh từ 13 đến 31/10/1968 do Mao Trạch Đông chủ trì, đã thông qua báo cáo thẩm tra về “tội ác” của Lưu Thiếu Kỳ do Giang Thanh đệ trình.
Dưới sức ép của Mao và Lâm, bằng cách giơ tay biểu quyết, hội nghị “nhất trí thông qua nghị quyết vĩnh viễn khai trừ Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi Đảng”. Sau đó, Lưu Thiếu Kỳ bị bắt giam và đấu tố như một kẻ “phản đồ”, “nội gian”, “tay sai của đế quốc xét lại, Quốc dân đảng”,…
“Hồng vệ binh” đưa Lưu Thiếu Kỳ từ Trung Nam Hải tới giam tại một nhà tù ở phủ Khai Phong, Hà Nam. Sau khi đến Khai Phong được gần một tháng, do tuổi cao sức yếu, lại bị giày vò về tinh thần, Lưu Thiếu Kỳ tắt thở vào sáng 13/11/1969.
Người vệ sĩ của Lưu Thiếu Kỳ vào nhà ngục thăm ông, nhìn xuống dưới đất, thấy thủ trưởng của mình đã tắt thở, mặt mũi biến dạng, hàm dưới có vết máu. Người vệ sĩ cắt bớt mớ tóc dài bạc trắng, cạo râu và mặc cho ông bộ quần áo và đôi giày vải bình thường. Đêm ngày hôm sau, ngày 14/11/1969, thi hài Lưu Thiếu Kỳ, đầu và mặt bọc kín trong tấm vải trắng, được khiêng lên chiếc xe đưa đi hỏa táng.
Tuy nhiên, do xe quá ngắn, hai chân lòi ra ngoài khoang xe. Đúng 0h5′ ngày 15/11/1969, “xe linh cữu” chuyển bánh đi vào lò hỏa thiêu.
Trên giấy tờ làm thủ tục hỏa thiêu cho Lưu Thiếu Kỳ, viết: Họ tên: Lưu Vệ Hoàng; nghề nghiệp: vô nghề nghiệp; nguyên nhân chết: chết bệnh; người nhà ký tên: con trai Lưu Nguyên.
Mãi 11 năm sau đó, tới năm 1980, Đảng Cộng sản Trung Quốc mới quyết định phục hồi danh dự và tất cả các chức vụ trong đảng cho Lưu Thiếu Kỳ. Ngày 17/5 năm đó, lễ truy điệu Lưu Thiếu Kỳ được tổ chức tại Bắc Kinh. Đặng Tiểu Bình đã tới đọc điếu văn, cả nước treo cờ rủ, ngừng toàn bộ hoạt động vui chơi giải trí. Tuy nhiên, có lẽ, lễ truy điệu đình đám ấy vẫn không thể khiến vị Chủ tịch nhà nước Trung Quốc một thời có thể ngậm cười nơi chín suối.
Lời kết
Có lẽ nhiều người thương tiếc cho Lưu Thiếu Kỳ, nhưng đứng ở 1 phương diện khác mà nói, cả Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông và 7.000 cán bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó, đều phải chịu trách nhiệm cho cái chết thê thảm của hơn 30 triệu người dân vô tội. Tất nhiên tội ác lớn nhất là của Mao Trạch Đông và những kẻ đồng lõa, thế nhưng giữ cương vị chủ tịch nước, Lưu Thiếu Kỳ đã không làm hết sức để ngăn cản Đại Nhảy Vọt diễn ra ngay từ đầu, chính sự tắc trách, quan liêu của ông và các cán bộ Đảng, đã khiến cho hàng chục triệu người dân phải chết, trách nhiệm đó ông và các cán bộ của mình không thể không gánh.
Dân gian luôn tin vào “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, Phật gia giảng luật nhân quả, dù là dân thường hay một nhà lãnh đạo cao cấp, cũng không thoát khỏi quy luật này.
Dịch từ Bayvoice.net