Luân Đôn đang trở thành một “ổ gián điệp của Nga”
BizLIVE – Chơi chữ trong hàng tựa “Gián điệp Nga đổ xô về Londongrad”, tờ Le Figaro của Pháp số ra mới đây ghi nhận là từ khi quan hệ Phương Tây với Moscow bị đóng băng, số gián điệp Nga tại thủ đô Anh Quốc còn cao hơn thời kỳ chiến tranh lạnh, theo mục điểm báo trên RFI.
Thành phố Luân Đôn nhìn từ trên không. Ảnh chụp ngày 13/3/2015. Ảnh REUTERS/Pool/Carl Court Bài báo mở đầu bằng ghi nhận rằng cơ quan tình báo Anh MI6 quả là đang phải đau đầu trước việc nhân viên cũ cũng như đang làm việc của họ trở thành “đối tượng ưu tiên” của cả một chiến dịch tuyển mộ “rất năng động” của tình báo Nga.
Tờ Le Figaro trích dẫn báo Sunday Times của Anh tiết lộ một văn kiện nội bộ gần đây của MI6 đã cảnh báo về hiện tượng này và nhắc nhở nhân viên cảnh giác về “các sức ép”, những đề nghị quan hệ láng giềng, thân cận, và phải báo cáo ngay mọi hành vi tiếp cận khả nghi.
Bộ Ngoại giao Anh cũng thiết lập một đường dây riêng cho mình, và khuyên nhân viên không nên đi Nga, nếu đi thì phải rất cẩn thận.
Từ khi quan hệ giữa Phương Tây và ông Putin lạnh nhạt, và đặc biệt là quan hệ giữa Luân Đôn và Moscow, hoạt động gián điệp Đông Tây tăng phần ráo riết.
Theo Le Figaro, số gián điệp Nga hiện diện ở Luân Đôn còn cao hơn thời chiến tranh lạnh trước đây, theo đánh giá của cơ quan tham vấn của chính phủ về an ninh, Joint Intelligence Committee.
Cơ quan phản gián Anh MI5 ước tính số gián điệp Nga hiện ở Luân Đôn là từ 30 đến 60 người.
Tờ Le Figaro cũng trích dẫn Oleg Gordievski, một cựu gián điệp Nga nay làm việc cho Anh, cho biết là vào năm 2013, tại thủ đô Anh đã có 37 nhân viên của cơ quan tình báo KGB cũ, và 14 người của GRU, tức là cơ quan quân báo Nga.
Thế nhưng số người này đã không ngừng tăng lên.
Vị trí chiến lược của Luân Đôn
Theo ông Boris Karpichov, một thành viên KGB cũ nay lưu vong ở Anh, thì tất cả các công ty Nga hoạt động ở Anh đều sử dụng nhân viên tình báo của các cơ quan SVR hoặc FSB. Ngoài ra còn những người vào ‘bất hợp pháp’ dưới tên giả.
Nga dĩ nhiên cũng cài gián điệp ở Brussels, nhưng sử dụng người của Bulgaria và Rumania.
Le Figaro giải thích là sở dĩ Nga đặc biệt chiếu cố tới Luân Đôn, đó là vì Anh Quốc vừa là một thành viên NATO và Liên Hiệp Châu Âu, vừa rất thân cận với Mỹ.
Thủ tướng Anh là một trong những người cứng rắn nhất trong việc đòi trừng phạt Nga về Ukraine, và Putin, theo Le Figaro, luôn muốn đi trước một bước trước các tính toán của lãnh đạo Anh.
Để làm việc này Putin có thể dựa vào cộng đồng Nga ở Luân Đôn, ở gọi nôm na là ‘Londongrad’, một cộng đồng giàu có gồm doanh nhân, kỹ nghệ gia,những nhà tài chính giàu sụ, những người sống với gia đình của họ và kể như chiếm bảng vàng trong danh sách người giàu có ở Anh.
Một số nhà ly khai Nga cũng nương náu tại Luân Đôn khiến cho thủ đô Anh Quốc trở thành một loại thủ đô bis của đế chế Nga.
Và đấy là một sân chơi lý tưởng đối với tình báo Nga, đã thiết lập các mạng lưới chỉ điểm, cung cấp thông tin, bao gồm hàng trăm người hiện diện trong mọi lãnh vực, từ giới tư pháp, tài chính, đến giới làm chính trị và cả trong giới truyền thông.
MAI VÂN Tin liên quan Báo Pháp: Trung Quốc và cuộc chiến dầu hỏa trên biển Giới tài chính Hồng Kông thách thức Bắc Kinh Ukraine gia nhập NATO: Con đường còn đầy chông gai Hong Kong rối loạn, Singapore được hưởng lợi? Dầu hỏa, vũ khí chiến lược của “Nhà nước Hồi giáo” IS
Cùng dòng sự kiện
|
Theo BizLive