Lặng người trước dòng tâm sự của một bà mẹ cho con đi nhà trẻ

04/06/15, 09:12 Tin Tổng Hợp

Mẹ hỏi chuyện con đi học vui không thì con hồn nhiên kể: “Con khóc nhiều. Cô bịt mồm con lại, cô bịt mồm con bằng khăn”.

Trẻ em bị ám ảnh khi đến trường học (Ảnh: minh họa)
Trẻ em bị ám ảnh khi đến trường học (Ảnh: minh họa)

Bức thư chị Lê Thương viết gửi con gái An Nhi đăng trên trang cá nhân hai năm trước được các diễn đàn làm cha mẹ, mạng xã hội chia sẻ kinh nghiệm chọn trường mầm non cho bé… gần đây lại thu hút sự chú ý đặc biệt của các bậc phụ huynh. Nội dung của bức thư viết về trải nghiệm cá nhân của một bà mẹ có con đi nhà trẻ nhưng đã khiến những cha mẹ khác giật mình tự đặt câu hỏi rằng “Mình đã chọn đúng trường mầm non cho con chưa?”, “Chọn trường mầm non cho trẻ đơn thuần chỉ là một nơi trông con khi cha mẹ đi làm hay có tầm quan trọng đến đâu?”, “Cha mẹ phải làm gì phát hiện ra con bị cô giáo bạo hành?”…

Chị Lê Thương đã kể lại quá trình tìm trường cho con vất vả thế nào, phải nhờ mối quan hệ đặc biệt thì con mới được vào học ở một trường mầm non “chuẩn quốc gia”. Nhưng sau hai ngày đi học, chị đã phải lập tức chuyển trường cho con khi trực tiếp chứng kiến “một phần nổi của tảng băng chìm”. Chị viết:

“Ngày nhập học: Ám ảnh của mẹ về ‘Giờ ăn’ và ‘Giờ học’ của các bạn lớp Nhà trẻ

Thứ hai, mẹ tới trường nộp hồ sơ, cô hiệu trưởng làm thủ tục nhập học cho An Nhi ngay sáng hôm đấy. Cô nói chuyện thân tình, cởi mở, dù là lần đầu gặp gỡ nhưng mẹ cảm thấy gần gũi. Cô kể về trường đạt chuẩn và lớp thì không đông. Cô cho con đi học ngay ngày hôm sau và đại ý cô bảo cô xếp cho con vào lớp tốt, lớp có ba cô, trong đó có một cô chuyển sang từ trường cũ với cô. Mẹ nhờ cô nhắn nhủ với các cô giáo 1-2 câu để các cô tạo điều kiện cho con vì con lần đầu đi học còn nhiều bỡ ngỡ. Cô nhắn mẹ yên tâm và bảo mẹ mang hồ sơ nhập học sang phòng hành chính, rồi xuống trực tiếp lớp D3 đưa cho cô giáo.

Mẹ vui lắm, nhanh chân bước xuống tầng để tới ‘lớp của con’. Trường có hai lớp nhà trẻ. Đầu tiên, mẹ đi qua một lớp, nhìn vào trong lớp học mẹ thấy tất cả các bạn đang ngồi yên lặng bên dưới, một cô giáo trẻ mặt mũi lạnh te, tay cầm cái que dài khoảng 60 cm, chỉ vào từng bộ phận của chiếc xe đạp, giọng lạnh lùng: Đây là cái… đây là cái… Một chút gì đó gợn qua tâm trí mẹ.

2
Cách giáo dục bằng roi vọt (Ảnh: minh họa)

Mẹ bước tiếp tới lớp D3, đứng từ cửa lớp, mẹ thấy giữa phòng là một bạn gái đang đứng, miệng thì khóc, tay thì quệt mắt, một cô giáo tay đập bôm bốp liên tiếp vào đầu gối bạn ý và quát: ‘Đã bảo bao nhiêu lần rồi? Đã bảo bao nhiêu lần rồi?’… Xung quanh là các bạn đang ngồi ngay ngắn trong mấy chiếc bàn vuông, mỗi bạn một cái bát, một cái ghế ngồi ăn. Mẹ bất ngờ quá vội gọi to: ‘Làm ơn cho cháu gặp cô giáo’. Nghe tiếng mẹ, cô giáo kia lảng ra và sau đó mẹ không nghe thấy tiếng khóc của bạn ý nữa.

Ngày đầu tiên đi học: Con khóc nhiều. Cô bịt mồm con bằng khăn

Cả đêm hôm trước, mẹ trằn trọc không ngủ được. Hai hình ảnh của ngày nhập học khiến mẹ bất an. Mẹ tự hỏi, đối với những em bé hơn hai tuổi, việc phải học các bộ phận của chiếc xe đạp quan trọng tới mức độ nào mà cô giáo phải ‘dạy’ các bé theo một cách nghiêm trọng thế? Cô làm thế nào để tất cả các bé nhỏ tuổi  đều có thể yên lặng tuyệt đối, không ngó ngoáy, không ngọ nguậy để tập trung nghe cô giảng đến vậy, trong khi vẻ mặt không thể hiện chút háo hức nào?

Mẹ cũng tự hỏi, trong giờ ăn, một em bé có thể phạm những lỗi gì để có thể bị đánh mắng? Ăn không tự xúc? Xúc rơi vãi ra ngoài? Vừa ăn vừa nghịch thức ăn? Lấy phần ăn của bạn? Ăn không hết phần ăn hay tự ý chạy ra ngoài? Ăn chậm?… Những suy nghĩ lẩn quất trong đầu mẹ nhưng rồi cũng tới sáng.

Thường ngày con quen ngủ muộn tới 9-10h nhưng 6h hơn, mẹ gọi con dậy và bảo: ‘Dậy chuẩn bị đi học thôi con, đến muộn bác bảo vệ đóng cửa không được vào lớp đâu’. Con vui vẻ dậy ngay, không một câu mè nheo, mếu máo. Tới trường thì nhạc đang bật rộn ràng. Ngay từ sân trước là các anh chị lớp lớn hai tay cầm xúc xắc tập thể dục tung tăng. Con nhún nhẩy theo nhạc và ‘chen’ vào cuối hàng tập cùng làm các anh chị cũng tò mò với sự xuất hiện của ‘một thành viên mới’. Mẹ phải ‘lôi’ con vào lớp.

Hôm nay, người đón con là một cô giáo không phải là hai cô mẹ gặp hôm qua. Mẹ giới thiệu với cô con là em bé nhập học hôm nay và con chưa đi học bao giờ nên còn nhiều bỡ ngỡ nhờ các cô giúp đỡ. Mẹ dúi vào tay cô một bao lì xì màu đỏ có hình Bồ tát trên tay bế một em bé và bên cạnh có hai em bé nữa. Lúc đầu cô từ chối nhưng sau mẹ nói cô cũng vui vẻ theo. Và mẹ cũng làm vậy với hai cô giáo khác.

Mẹ kể với con như vậy không phải để con nghĩ rằng vì mẹ đã ‘quan tâm’ tới cô thì cô phải quan tâm tới con theo một cách đặc biệt nào đó. Mẹ nghĩ các cô giáo mầm non công việc vất vả, nhiều áp lực, nhiều trách nhiệm mà lương thì quá thấp. Nếu có cám ơn các cô một chút cũng là góp phần giảm bớt bất công trong xã hội. Chưa kể mẹ cũng nghĩ mình không thể ỷ là đã nhờ cô hiệu trưởng gửi gắm nghĩa là mặc kệ các cô ‘phải có trách nhiệm’, không dưng lại để các cô phải thêm việc như thế.

Mẹ thấy các cô vui vẻ đón nhận thành viên mới là con. Con chỉ bắt đầu khóc khi chuyển từ tay mẹ sang tay cô và các cô bắt bố mẹ về ngay vì không thì ‘nó nhìn thấy lại khóc’. Cô dặn dò mới đi học thì đến đón con sớm để con khỏi mong, 15h30 hoặc 15h45 đến đón con là được.

Suốt buổi ngày hôm đó mẹ cứ thắp thỏm, nhìn mãi cho tới 15h. Rồi cả bố mẹ và bà ngoại sang trường đón con. Đến trường đúng lúc bác bảo vệ mở cửa, mọi người nhà mình bước về phía lớp con, nhìn mãi không thấy con đâu trong nhóm tất cả các bạn đang tập trung ngồi dưới nghe cô giáo nói gì đó. Một lúc bố mới phát hiện ra An Nhi ngồi ở góc khuất nhất trong nhóm, con lại nhỏ bé nên lọt thỏm, mọi người không nhìn ra. Các bạn thấy có nhiều người đứng ở cửa thì quay mặt ra và  bắt đầu lao xao, cô giáo cất tiếng: ‘Bạn Nhi đâu rồi nhỉ?’. Đúng lúc đó con cũng phát hiện ra, con đang ngồi yên bỗng òa khóc và chạy lao ra cửa ôm mẹ khóc nức nở.

Bố mẹ và bà cho con ra sân chơi, con say sưa với các trò chơi, mẹ hỏi con thích đi học không? Con bảo: thích. Rồi hôm đó con vui vẻ khác thường. Mẹ đùa bảo: ‘Chắc vì đi học nên mới thấy trân trọng những giây phút cạnh bố mẹ nhiều hơn’. Đến tối mẹ hỏi chuyện con xem con đi học có vui không, con khóc có nhiều không thì con hồn nhiên kể với mẹ: ‘Con khóc nhiều. Cô bịt mồm con lại, cô bịt mồm con bằng khăn’. Mẹ sững người.

lie-JPG-2646-1433208153.jpg
Ngày thứ hai: Cô bảo con: ’Nói ít thôi!’

Ngày thứ hai: Cô bảo con: ’Nói ít thôi!’

Cũng như buổi sáng hôm trước, con vui vẻ dậy sớm, tới trường cũng hớn hở vào nhún nhẩy tập thể dục với các anh chị. Con tự kéo ba lô cùng mẹ đi vào lớp học và cũng chỉ khóc khi cô bế con khỏi tay mẹ. Lúc sau, mẹ dúi vội cho một cô cái kẹo và nhờ cô: ‘Cô ơi, bé nhà cháu khóc, cô bảo nó nín đi thì cô cho kẹo, rồi khi nó cầm kẹo rồi mà vẫn khóc thì cô bảo nó là khóc thì cô tịch thu cô nhé’. Cô ừ ừ và bảo bố mẹ về ngay. Cũng như hôm qua, bố lại ra sau lớp ‘nghe ngóng’ xem thế nào. Lúc sau bố tươi rói ra kể: ‘Không thấy tiếng An Nhi’. Còn hôm qua thì bố bảo con cứ khóc rồi gọi: ‘Mẹ Thương ơi, mẹ Thương ơi’

Mẹ cũng vui và yên tâm ra về. Tới khoảng 11h, mẹ gọi cho cô giáo thì cô bảo: ‘Hôm nay, con không khóc nhiều nữa rồi, từ lúc cho cái kẹo là nín luôn. Ngoan lắm’. Mẹ yên tâm và vui hẳn, bao nhiêu những lo lắng bất an của hai hôm trước như tan biến hết nên hôm nay mẹ và bố bảo đến đón con muộn hơn hôm qua một chút, định bụng là đến từ hướng sau để các con không nhận ra và còn quan sát xem con ở lớp chơi thế nào.

15h45, bố mẹ tới đón con. Vừa tới cửa lớp, cô giáo đón con ngày hôm trước đang đứng đấy ‘mắng yêu’ luôn: ‘Con cháu chưa đi học tư thục bao giờ nên vô tổ chức lắm. Tự ý chạy ra cửa thế là bị ngã đấy’. Bố mẹ tươi cười với cô: ‘Không sao, không sao cô ạ, trẻ con thỉnh thoảng ngã là bình thường. Cháu nó mới đi học có nhiều bỡ ngỡ có gì cô tạo điều kiện cho cháu’.

Bố mẹ nói thế với cô không phải vì phép lịch sự mà là những lời rất thật lòng, cũng như hôm đầu đưa con tới lớp bố mẹ cũng bảo cô: ‘Cháu mới đi lớp thời gian đầu có sút vài lạng hay nửa cân cũng không sao cô ạ. Cháu ăn bao nhiêu cô cứ để cháu ăn bấy nhiêu, cô không cần dành thời gian để bón cho cháu đâu cô ạ’.

Đúng lúc đó, con nhận ra bố mẹ tới, lại như hôm qua con òa khóc chạy ào ra với mẹ rồi nức nở. Cô kể: ‘Đấy, ngã vập xuống thế là cô phải lấy đá chườm cho với đường rồi đấy’. Mẹ cám ơn cô và cũng tự hỏi phòng y tế ngay cạnh lớp của An Nhi sao cô không cho con sang đấy? Mẹ nhìn vào môi con sưng vều, nứt chẻ ra, con ôm lấy mẹ rồi gục đầu vào mà khóc. Mẹ cũng không nhìn quá kỹ và lúc đó chỉ biết dỗ con đã. Mẹ chỉ biết ôm lấy con, vỗ về con và bảo: ‘Thôi, mẹ biết con đau rồi, con mà đau thì con cứ khóc đi, khóc một lúc cho đỡ đau đã nhé. Mẹ biết rồi, mẹ thương con, mẹ thương con. Đỡ đau rồi thì nín đi con nhé. Còn cô thì bảo thôi nín đi, khóc nhiều thế, lúc nãy khóc rồi mà. Rồi cô nói gì đại loại là: ‘Tự dưng làm cô thêm việc’.

Ngày hôm đấy, suốt từ lúc bố mẹ đón con về cho tới 21h tối mà vết thương ở môi con chẳng hề có dấu hiệu khép lại. Con từng ngã vập môi không chỉ một lần. Một lần con chạy ở lăng Bác, ngã vập xuống sàn sỏi, cả răng cả môi con cùng chảy máu nhưng vài tiếng sau là nó khép dần. Nhưng lần này dường như nó cứ tòe dần ra. Bố mẹ lo lắng đèo con tạt qua hiệu thuốc ở Quốc Tử Giám, định hỏi xem kiểu như có loại thuốc gì cho trẻ con để nó se vết thương lại không. Bác dược sĩ nhìn thấy bảo không có thuốc nào như thế và bảo mẹ cho con vào viện khám xem thế nào, chứ bị thế này không nhẹ đâu.

Bố mẹ đèo con chạy qua Xanh Pôn. Vào phòng khám nhi, bác sĩ nhìn thấy con liền bảo mẹ: ‘Cháu cho con qua Răng – Hàm – Mặt ở bệnh viện Việt Nam – Cu ba khám xem thế nào. Cái này ở đây bọn cô không chuyên khoa nên không chắc chắn. Sang bên đấy họ sẽ xem con cháu có cần khâu không hay là cứ để tự nhiên là được. Cháu cho sang ngay đi’.

Bố mẹ lại vội vàng đèo con sang Răng – Hàm – Mặt, vào khoa cấp cứu có một bác sĩ trẻ, chắc là sinh viên thực tập, nhìn thấy con thì hỏi han luôn. Mẹ nói qua tình hình thì chú bác sĩ bảo: ‘Chị ơi, em thấy cháu bị ngã đã đau thế này rồi thôi chị cứ để cho cháu tự khỏi, chứ khâu thì đau lắm. Tội nghiệp cháu’. Đúng lúc ấy, bác sĩ chính đi ra, chưa cần biết chuyện gì, bác sĩ vạch môi con ra nhìn và nói ngay: ’Vào khâu luôn’. Bác sĩ giải thích với bố là để có thể nó cũng tự khỏi nhưng nguy cơ nhiễm trùng vì vết thương hở, rồi rủi ro khi liền nó sẽ thành sẹo, làm môi bị trề ra mất thẩm mỹ. Cả kíp trực có bác sĩ, có chú thực tập trẻ, có cô y tá và cả bố cùng vào để giữ chặt con cho bác sĩ khâu. Chú thực tập còn dỗ dành con lúc khâu xong, bế con, nựng con rồi con còn đòi theo cả chú ý.

Hôm đó phải 23h đêm bố mẹ và con mới về đến nhà. Con mệt nên ngủ lịm đi từ trên đường nhưng khi cơn đau kéo đến con lại choàng tỉnh và khóc. Bố mẹ cho con uống kháng sinh, uống giảm đau, hạ sốt. Rồi cho con chơi bộ đất nặn mới mua, con say sưa với đồ chơi mới nhưng thỉnh thoảng vẫn mếu máo quay sang mẹ ‘Mẹ ơi đau’, ‘Con đau nhiều’... Hay cứ muốn thò tay vào miệng để giật ‘có sợi tóc trong mồm con’ (là chỉ khâu còn thừa trong miệng).

Đêm hôm đó, mẹ hỏi chuyện con, trong câu chuyện về lớp học khi mẹ hỏi con xem con có nói chuyện với cô không, cô nói chuyện gì với con không thì con kể với mẹ: ‘Cô bảo con: Nói ít thôi!’. Vào giây phút đấy, mẹ như choàng tỉnh, ngay lập tức mẹ quyết định sẽ không thể tiếp tục cho con học ở đây thêm một phút giây nào nữa.

Theo NgoiSao.net

 

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

Ad will display in 09 seconds

LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

Ad will display in 09 seconds

Vì sao chiều chuộng cháu mình nhưng người em lại bị anh trai kiện

Ad will display in 09 seconds

Vì sao TT Trump bị một số người gọi là “kẻ ngốc”?

Ad will display in 09 seconds

Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

Ad will display in 09 seconds

Lấy của người giàu chia cho người nghèo là tốt hay là xấu?

Ad will display in 09 seconds

Luân hồi 3 kiếp: "Cuối cùng tôi cũng được thân người"

Ad will display in 09 seconds

Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!

  • Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

    Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

  • LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

    LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

    Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

  • Vì sao chiều chuộng cháu mình nhưng người em lại bị anh trai kiện

    Vì sao chiều chuộng cháu mình nhưng người em lại bị anh trai kiện

  • Vì sao TT Trump bị một số người gọi là “kẻ ngốc”?

    Vì sao TT Trump bị một số người gọi là “kẻ ngốc”?

  • Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

    Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

  • Lấy của người giàu chia cho người nghèo là tốt hay là xấu?

    Lấy của người giàu chia cho người nghèo là tốt hay là xấu?

  • Luân hồi 3 kiếp: "Cuối cùng tôi cũng được thân người"

    Luân hồi 3 kiếp: "Cuối cùng tôi cũng được thân người"

  • Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!

    Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!