Kim Jong Un vượt mặt cha, ông: Thẳng tay đàn áp, xử tử người dân
Ở Triều Tiên dòng tộc họ Kim đã liên tục thay phiên nắm quyền, mức độ tàn bạo và khắt khe của chế độ độc tài này không còn quá xa lạ. Kim Jong Un cũng không phải ngoại lệ, thậm chí ông còn vượt mặt cả cha và ông nội về độ thẳng tay tàn bạo.
Trong khoảng thời gian 10 năm kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền đất nước Triều Tiên, nhà lãnh đạo này đã thẳng tay đàn áp những người tìm cách rời khỏi đất nước, khiến nhiều người đào tẩu này không còn hy vọng gặp lại gia đình và quê hương.
Không chỉ những người đào tẩu, những quy định khắt khe cũng được áp dụng nhằm kiểm soát tư tưởng và ngăn chặn thông tin ngoài biên giới truyền vào Triều Tiên. Theo đó 7 người đã bị xử tử hình chỉ vì truyền bá video K-pop (nhạc Hàn Quốc). Trong 10 năm Kim Jong Un trị vì, số lượng người lao động buộc phải làm việc không lương cho chính phủ gia tăng…
Siết chặt đàn áp
Ngay cả trước khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) bùng phát, thì số lượng người đào tẩu thành công khỏi Triều Tiên đã giảm xuống mức kỷ lục. Đây có lẽ là kết quả từ việc ông Kim đã ra lệnh siết chặt kiểm soát và ép phía Trung Quốc phải thắt chặt các biện pháp đối với biên giới của họ.
Theo một thống kê của kênh Reuters thì từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, chỉ có 2 người đào tẩu được đến Hàn Quốc. Theo Bộ thống nhất Hàn Quốc – cơ quan phụ trách các mối quan hệ với Triều Tiên, thì đây là con số đào tẩu thành công ít nhất từ trước đến nay trong một quý. Trong các khoảng thời gian trước đây thì trung bình mỗi quý Hàn Quốc đón nhận khoảng vài trăm người đào tẩu từ Triều Tiên.
Ha Jin-woo – người từng làm “môi giới” ở Triều Tiên để giúp những người đào tẩu rời đi, trước khi tự bỏ trốn vào năm 2013, ông đã nói với kênh Reuters như sau: “Ông ta [Kim Jong Un] đã chặn đứng tất cả cơ hội, điều kiện của những người muốn đào tẩu khỏi Triều Tiên… Người ta nói ngày nay cuộc sống quá khó khăn vì chính phủ ngày càng lấy đi nhiều thứ của người dân, và ngày càng có nhiều người chết vì đói.”
Khắc nghiệt hơn cả cha và ông
Dưới thời của ông Kim Jong Un, Triều Tiên không chỉ rơi vào thảm họa thiếu lương thực, đại dịch bủa vây, nạn đói tồi tệ, mà tất cả các phương diện quản lý xã hội khác đều khắc nghiệt hơn thời Triều Tiên bị thống trị bởi cha và ông của Un.
Ông Un chỉ đơn giản là thay đổi một chút phong cách lãnh đạo bằng việc thừa nhận nhưng không sửa đổi một cách có hệ thống. Ví như vào năm ngoái trong một bài phát biểu, Un đã thể hiện quan điểm của bản thân về những khó khăn của người dân; không sau đó ông không có bất kỳ chính sách cụ thể nào để cải cách và sửa đổi cho những vấn đề tồn động này.
Trong cải thiện đời sống của người dân thì Un chỉ dừng lại ở việc nói suông, nhưng đối với quản thúc tư tưởng và đàn áp người dân thì Un hết sức chú trọng và gia tăng giám sát, đặc biệt tại phương diện thông tin, giải trí trên truyền thông nước ngoài.
Park (một người đào tẩu 23 tuổi) – người đã rời Triều Tiên vào năm 2014 chia sẻ với Reuters: “(Dưới thời Kim Jong Un), tôi cảm thấy kỷ luật khắc nghiệt hơn ở trường… Ví dụ, nhà trường chỉ ra các quy định nghiêm cấm về đồng phục học sinh và tóc, nhưng họ (chính quyền của Un) thậm chí còn nghiêm cấm các bộ phim hay ca nhạc của Hàn Quốc.”
10 năm trị vì: xử tử 7 người vì tội xem video K-pop
Theo báo cáo từ một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc, thì ít nhất 7 người đã bị xử tử dưới thời Kim Jong Un vì xem hoặc phát tán video K-pop.
Hiện tại chính quyền Triều Tiên chưa công bố nội dung “Luật chống tư tưởng phản động” mới của họ nhưng theo trang Daily NK – một trang web có trụ sở tại Seoul cho biết: Luật này quy định các bản án tù dài hạn hoặc thậm chí xử tử đối với những người bị bắt vì lý do nhận hoặc phân phối nội dung truyền thông nước ngoài, tùy theo mức độ nghiêm trọng.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên từng công khai thừa nhận rằng: Đất nước này sẽ sụp đổ nếu thông tin từ nước ngoài xuất hiện và gia tăng ở vùng đất này.
Ông Sokeel Park, thuộc tổ chức Liberty ở Triều Tiên – tổ chức ủng hộ những người đào tẩu cho biết: “Nhiều người lo ngại rằng những biện pháp nghiêm ngặt này sẽ tồn tại lâu dài hơn đại dịch.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết: các cuộc phỏng vấn của họ với những người Triều Tiên đã rời đi sau năm 2014, hoặc vẫn còn liên lạc ở đó, cho thấy rằng trong khi Un mở cửa nền kinh tế thì việc vượt biên bất hợp pháp gần như không thể xảy ra, nhưng các hoạt động tham nhũng lại được bình thường hóa và việc người dân lao động cho chính phủ không được trả công gia tăng.
Lina Yoon – nhà nghiên cứu cấp cao của HRW về Triều Tiên cho biết: “Cũng giống như cha và ông nội của mình, sự cai trị của Un dựa trên nền tảng tàn bạo, sợ hãi và đàn áp. Điều này sẽ dẫn đến việc vi phạm nhân quyền có hệ thống, khó khăn kinh tế và có thể xảy ra nạn đói.”
Phía Triều Tiên thông thường không trả lời câu hỏi của các phóng viên nước ngoài, nhưng lại bác bỏ những cáo buộc về tình hình nhân đạo và vì phạm nhân quyền từ các nhà điều tra nhân quyền, Liên Hợp Quốc và những người khác.
Theo Reuters