Khủng long “bằng xương bằng thịt” 100 triệu năm trước xuất hiện tại Canada
Bức ảnh bên dưới là xác của một con khủng long dài 5,5 m. Nó được bảo quản tốt đến mức các nhà khoa học phải ca ngợi nó là “con khủng long được bảo tồn tốt nhất trên Trái Đất”.
Ngày 12/5/2017, Caleb Brown, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Cổ sinh vật học Hoàng gia Tyrrell ở Alberta, Canada, đã phát biểu trên kênh National Geographic: “Chúng tôi không chỉ có mỗi bộ xương, mà còn sở hữu cả một con khủng long bằng xương bằng thịt”.
Mẫu vật khủng long này vẫn giữ được nguyên vẹn hình dạng từ khi được khai quật cho đến bây giờ. Bộ da vẫn hoàn hảo, một số bộ phận bên trong vẫn còn nguyên vẹn. Các nhà nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên trước mức độ bảo tồn gần như “vô đối” của mẫu vật.
Năm 2011, trong lúc đang đào mỏ, Shawn Funk đã cào phải những khối u có màu sắc kỳ lạ. Anh và người giám sát tên Mike thắc mắc không biết đây là gỗ hóa thạch hay là xác động vật. Cả hai đều không ngờ rằng đó chính là một con khủng long hóa thạch.
Từ phát hiện trên, các nhà nghiên cứu đã mất 6 năm và khoảng 7.000 giờ để tiến hành kiểm tra các bằng chứng thu thập được, sau đó đem con vật trưng bày tại Bảo tàng Cổ sinh vật học Hoàng gia Tyrrell.
Theo các nhà cổ sinh vật học, đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy một dạng hóa thạch kỳ lạ như vậy. Thông thường, họ dễ dàng tìm thấy xương và răng còn nguyên vẹn, chứ rất hiếm khi tìm thấy một mẫu vật hóa thạch vẫn còn giữ lại mô mềm và hình dạng ban đầu. Jakob Vinther, một nhà cổ sinh vật học của Đại học Bristol, cho biết: “Con khủng long được bảo quản tốt đến mức trông như thể nó từng tản bộ lòng vòng cách đây vài tuần. Tôi chưa bao giờ được chiêm ngưỡng bất cứ điều gì giống như vậy”.
Loài sinh vật này được xếp vào một loài và chi vừa mới được phát hiện, có tên là Nodizard, xuất hiện vào khoảng 100 triệu năm trước.
Con khủng long này ăn cỏ, da của nó là một “bộ giáp” sừng và có gai nhọn. Khi còn sống nó nặng khoảng 1.360kg. Xác ướp khá nguyên vẹn của nó nặng xấp xỉ 1.130 kg.
Khi bảo tàng đăng hình con khủng long lên Facebook, có một người bình luận tỏ ra rất hiếu kỳ: “Con vật này thích ăn loài thực vật nào nhỉ? Có phải ban đầu trông nó khá điềm tĩnh, sau đó rít lên và chộp lấy thức ăn như một con rùa bị khiêu khích không, hay nó ăn kiểu gì? Bảo tàng có xác định được nó là con đực hay con cái không?”.
Brown trả lời: “1) Chúng tôi không biết nó thích ăn thực vật gì, nhưng chúng tôi biết nó sẽ rất thích những cây mọc gần mặt đất, vì nó không thể rướn người lên quá cao. Hy vọng rằng kết quả phân tích những gì chứa trong dạ dày sẽ cho phép chúng ta xác định loài thực vật cuối cùng nó đã ăn. 2) Chúng tôi không biết về tác phong ăn uống của con khủng long này. Có thể nó di chuyển chậm, nhưng chúng tôi không chắc liệu đó là một con vật khổng lồ hiền lành hay là sinh vật phòng thủ, vồ vập. 3) Chúng tôi cũng không biết đó là đực hay cái. Ngoài việc tìm thấy trứng bên trong con vật thì có rất ít cách để phân biệt giữa khủng long đực và cái. Mặc dù đến nay da của nó vẫn còn được bảo tồn, nhưng vùng xương chậu lại không còn, nên chúng tôi không thể tìm thấy những cấu trúc có thể được bảo tồn ở đó. Thật thú vị khi xem xét những gì có thể đã được bảo tồn nếu khu vực đó có thể phục hồi được”.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được tại sao xác của con vật vẫn còn giữ được “phong độ” sau hàng trăm triệu năm. Họ chỉ có thể đưa ra giả thuyết rằng nó có thể đã bị một dòng sông lũ cuốn ra biển khi nó bị chìm. Nhờ nằm yên và không bị xáo trộn, bộ giáp và da của nó đã được thay thế bằng khoáng chất trong suốt hàng triệu năm nên hình hài không bị thay đổi nhiều.
“Phát hiện này sẽ đi vào lịch sử khoa học với tư cách là một trong những mẫu vật khủng long được bảo tồn bền bỉ và đẹp đẽ nhất – một kiệt tác ‘Mona Lisa phiên bản khủng long’”.
Caleb Brown, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Cổ sinh vật học Hoàng gia Tyrrell ở Alberta, Canada
Với xác ướp này, khách tham quan tại Bảo tàng Hoàng gia Tyrrell sẽ có cơ hội quan sát mẫu vật gần với khủng long thật nhất. Có lẽ họ sẽ hình dung được một cách sống động thời đại khủng long sinh sống.
Video:
Bảo San (Theo The Epoch Times)
Xem thêm: