Khai quật được tượng Phật hiếm có tại tháp Bhamala
Hai bức tượng Phật cổ đại hiếm có được khai quật ở tháp Bhamala, Pakistan. Bức lớn nhất được tìm thấy ở đây mô tả sự viên tịch nghiêm trang của Đức Phật cổ đại. Bức tượng Phật thứ hai được khai quật có hai vầng hào quang, tượng loại này là lần đầu được tìm thấy ở Tháp Bhamala.
Một nhóm các nhà nghiên cứu cùng cục Khảo cổ và Bảo tàng Pakistan đã tìm thấy những tạo tác này và 510 cái khác ở tháp Bhamala, một di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Tiến sĩ Abdul Samad, Giám đốc cục Khảo cổ, Đại học Hazara nói về các đồ tạo tác: “Đây là một trong số ít các di tích trên thế giới có tháp hình chữ thập dành cho Đức Phật“.
Bức tượng Phật nằm dài 14m (46 feet) là bức tượng lớn nhất thuộc nền văn hóa Gandhara. Tượng được đặt trên một cái bệ 15m (49 feet), miêu tả thời điểm Đức Phật nhập Niết bàn, lúc đó Ngài bỏ lại nhục thân và viên tịch.
Đức Phật nhập Niết bàn là thời điểm quan trọng đối với Phật giáo, hình ảnh này thường được thể hiện trong nghệ thuật và văn học.
Theo tờ Nhật báo Tân Văn, bức tranh cuộn mô tả sự viên tịch của Đức Phật đang được triển lãm ở Kyoto trong lễ tưởng niệm quá trình truyền bá Phật giáo. Các cuộn giấy dọc phức tạp và đồ sộ có niên đại vào khoảng thế kỷ 15, và kích thước vào khoảng 12m và 6m (39 feet và 19 feet)
Nhật báo Tân Văn cho biết: “Nó được hòa thượng, họa sĩ Mincho vẽ (1352-1431) vào thời kỳ đầu Muromachi (1338-1573), và là một trong những bức tranh lớn nhất vẽ Niết bàn.
Bức tranh mô tả sự viên tịch của Đức Phật khi đầu Ngài hướng về hướng Tây, xung quanh là người và động vật. Một con mèo ở phía dưới bức tranh đang đau buồn trước sự ra đi của Đức Phật, một chi tiết hiếm thấy trong tranh vẽ về Niết bàn”.
Digital Journal viết: “Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập Phật giáo, một tôn giáo với 300 triệu tín đồ, và Ngài vẫn được xem là Thầy cho tới tận ngày hôm nay“.
Di tích tháp Bhamala cho thấy sự giàu có của lịch sử và một kho báu có niên đại hàng ngàn năm. Nhật báo Tribune nói rằng các cuộc khai quật khác đã phát hiện ra hàng trăm “hiện vật bằng đất nung, tác phẩm điêu khắc bằng vữa, các yếu tố kiến trúc, đồng xu, đinh sắt, ghế ngồi, đồ gốm và 14 đồng tiền từ thời Kushan”.
Di tích khảo cổ này được cho là có niên đại khoảng 2.000 năm, trong khi đó kết quả thí nghiệm trên những hiện vật được tìm thấy gần đây, thậm chí còn cho thấy nó nhiều tuổi hơn. Đầu tượng Phật bằng đất sét khai quật ở khu vực này có thể có niên đại vào thế kỷ 3 TCN.
Thật không may, một số hiện vật được phát hiện đã bị hư hại do các cuộc khai quật bất hợp pháp và cướp bóc trong những năm qua.
Samd ghi chú: “Đầu của tượng Phật đã mất tích, có thể do cướp phá. Các phần khác của bức tượng như chân trái và cánh tay trong tình trạng hư hỏng”.
Các cuộc khai quật vẫn được tiếp tục ở tháp Bhamala, địa điểm khảo cổ với kho tàng lịch sử và tâm linh đồ sộ đầy bí ẩn.
Thanh Phong – Ancient Origins