Keo dán cổ nhất thế giới được phát hiện tại Trung Quốc
Nghĩa trang Tiểu Hà (Xiaohe) ở Trung Quốc nổi tiếng với số lượng xác ướp cùng hiện vật phong phú, và nay loại keo dán cổ nhất thế giới đã được tìm thấy tại chính nghĩa trang này.
Phó GS. Dương Ích Dân thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc phát biểu với tờ Nhật báo Thượng Hải, những mẫu chất kết dính hơi đục, màu vàng nhạt được tìm thấy trên một hiện vật bằng gỗ, là một loại gelatin chiết xuất từ collagen gia súc.
Phát hiện này đã làm thay đổi lịch sử keo dán có nguồn gốc từ động vật trên thế giới, đẩy thời gian con người biết sử dụng loại keo này đến thời điểm cách đây khoảng 3.500 năm. Gelatin thường được chế tạo bằng cách nấu xương, da và gân động vật. Trước phát hiện tại nghĩa trang Tiểu Hà, keo dán từ động vật lâu đời nhất được tìm thấy thuộc triều đại nhà Hán (202 TCN – 220), theo Nhật báo Thượng Hải.
Các nhà nghiên cứu rất quan tâm đến việc tìm hiểu về cách thức sử dụng thực vật và động vật để chế tạo keo dán. Bài nghiên cứu đã công bố những chi tiết quan trọng của hoạt động tìm kiếm trên tạp chí Archaeological Science, đồng thời ghi nhận các kết quả “tiết lộ những cách thức đa dạng trong việc sử dụng gia súc tại nghĩa trang Tiểu Hà. Tại đây, không chỉ thịt, sữa, da, gân và phân mà toàn bộ những bộ phận bỏ đi khác đều được sử dụng để chế tạo chất kết dính”.
Kích thước của khu lăng mộ Tiểu Hà và lượng hiện vật được bảo tồn tại nghĩa trang là chưa từng có. 330 ngôi mộ được tìm thấy dưới nhiều lớp đất cát gồm cả người lớn và trẻ em, 30 xác ướp trong số đó hiện vẫn còn được bảo quản tốt. Khoảng nửa số ngôi mộ tại đây đã bị những kẻ trộm mộ cướp phá. Cho đến nay, khu chôn cất rộng lớn trong sa mạc Taklamakan này là nơi phát hiện xác ướp quy mô nhất nằm tại một khu vực đơn độc hơn bất kỳ khu vực nào trên Trái đất.
Các phát hiện tại đây gồm những cỗ quan tài bằng đất sét và gỗ có hình dạng như những chiếc thuyền, đồ trang sức, da thuộc, quần áo và giỏ xách, mặt nạ gỗ cùng một số vật chạm khắc khác. Đáng chú ý nhất là xác ướp ‘Người đẹp Tiểu Hà’, điều kiện khô cằn tại sa mạc đã bảo quản làn da mịn màng và những nét thanh tú trên gương mặt xác ướp.
Phát hiện gần đây về loại keo cổ hiếm thấy đã thay đổi hiểu biết của các nhà khoa học về việc chế tạo keo dính thời cổ đại cũng như các nghề thủ công của những cư dân cổ từng băng qua vùng địa hình khô hạn phía Tây Trung Quốc.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Ancient Origins