Kênh Ba Bò lở, lở luôn lòng tin
(PL)- Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết việc hư hỏng mà có yếu tố chủ quan thì sẽ xem xét kiểm điểm, xử lý.
Công trình xây dựng, cải tạo kênh Ba Bò (đoạn qua phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương) dài hơn 3 km, tổng kinh phí đầu tư hơn 345 tỉ đồng. Công trình mới khánh thành được một tháng thì đã bị hư hỏng. Đơn vị thi công (Công ty TNHH Sản xuất – Xây dựng Quỳnh Phúc) thì bảo sạt lở là do… trời mưa! ( xem thêm Pháp Luật TP.HCM ngày 26, 27-5 ). Nhiều bạn đọc không chấp nhận nổi lý do này. Khó lấy lại niềm tin Bà Hà – người dân sống bên kênh cho biết: “Tôi để ý nhiều chỗ đã bị sụt lún và đơn vị thi công có sửa chữa nhưng vẫn cứ nứt. Việc hư hỏng là do đơn vị thi công quá ẩu, chỉ một vài cơn mưa đầu mùa đã lộ ra hết. Công trình thế này thì không biết tuổi thọ của nó được bao lâu”. Nhiều bà con trong khu vực không giấu được nỗi thất vọng: Bao năm nay phải hít thở mùi hôi thối của kênh Ba Bò, nghe công trình xây dựng, cải tạo bà con mừng quá chừng. Vậy mà mới mưa đó đã hư rồi, mừng chưa được bao lâu nay lại thấy thất vọng não nề. Lở kênh cũng là lở lòng tin của người dân vào các cơ quan chức năng có liên quan đến dự án dòng kênh này. Một đoạn kênh Ba Bò bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: VH Là người theo dõi sát sao sự kiện này, luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, bày tỏ: “Việc cải tạo nâng cấp kênh là việc làm người dân có lợi trực tiếp và lâu dài vì không còn phải chịu cảnh dơ bẩn, hôi thối trong môi trường sống. Nhưng chính chất lượng công trình đã đánh mất niềm tin của họ. Một khi dân đã không tin thì họ không đồng thuận dù sau đó chính quyền có hứa hẹn gì đi nữa. Số tiền 345 tỉ đồng suy cho cùng là tiền của người dân đóng thuế thông qua Nhà nước nên người dân muốn hưởng thụ môi trường sống tốt hơn. Thế mà chỉ một trận mưa số tiền ấy bị trôi theo niềm tin của người dân. Kênh lở thì còn sửa chữa vá víu được chứ lòng tin của dân mà bị trôi đi thì rất khó lấy lại. Sau khi kênh bị hư hỏng, có người nhận trách nhiệm, có người lý giải vì điều kiện này điều kiện khác (thậm chí là đổ cho trời) nhưng chắc chắn một điều họ đang phải gồng mình khắc phục lỗi do chính họ gây ra để cứu vãn lại niềm tin của người dân, của dư luận”. Bệnh “đổ thừa” Giảng viênLưu Đức Quang,khoa Luật Hành chính, ĐH Luật TP.HCM, nêu ý kiến: “Từ sự kiện này nổi bật lên hai vấn đề: Cán bộ nhà nước mà bàng quan, thiếu trách nhiệm trước việc làm của mình và thái độ của nhân dân thì chắc chắn sẽ không ổn. Một công trình mới khánh thành được một tháng, tốn 345 tỉ đồng bị sạt lở, hư hỏng sau một cơn mưa mà không nhận trách nhiệm lại đổ tại trời mưa thì quá hài hước. Thứ hai là vấn đề thể chế của chúng ta hiện chưa tốt, việc quy trách nhiệm, xử lý trách nhiệm có vấn đề và không quyết liệt, các biện pháp chế tài chưa đủ răn đe… Từ đó làm cho những người có trách nhiệm bất chấp, thiếu cẩn trọng, thậm chí sẵn sàng vi phạm với tâm lý trách nhiệm thuộc về tập thể chứ không phải của mình. Đơn vị thi công, giám sát công trình ở đâu mà lại đổ lỗi cho trời mưa. Người thiết kế, lập đề án có tiên liệu về địa chất địa hình khi tiến hành bản vẽ, chủ đầu tư có theo dõi tiến độ, chất lượng vật tư khi xây dựng? Tất cả câu hỏi đó không ai khác họ phải trả lời vì đơn giản họ là người có chuyên môn được giao thực hiện nhiệm vụ đó, chứ hỏi trời, hỏi người dân thì làm sao biết được? Vấn đề nữa là khi phát hiện sai phạm rồi thì việc quy trách nhiệm thế nào, ai phải từ chức, ai bị cách chức…? Có xử lý nghiêm sai phạm thì mới tạo tiền đề cho những việc tiếp sau. Ý thức của con người hình thành một cách tự nhiên nhưng không phải tự nhiên có ý thức mà phải được trui rèn bằng những quy phạm, những nguyên tắc của Nhà nước. Đạo đức công vụ, dám chịu trách nhiệm cá nhân cũng từ ý thức đó mà ra”.
V.HỘI – T.TÙNG Theo Pháp luật TPHCM |