Kẻ tham lam tự rước họa, người kính Phật thoát tai ương
Học giả nổi tiếng đời nhà Tống tên Hồng Mại trong quyển “Di Kiên Chí” có thuật lại mấy câu chuyện nhân quả báo ứng có thật lúc bấy giờ, đến nay vẫn có ý nghĩa giáo dục, cảnh tỉnh vô cùng sâu sắc.
Ăn hối lộ rước lấy tai hoạ
Năm Kiến Viêm thời Tống Cao Tông (năm 1127), Thượng thư Phó Quốc Hoa nhậm chức Thái thú Thư Châu. Bấy giờ chính ngay lúc Tống quốc loạn trong giặc ngoài, tình thế rối ren. Ông ta nghe nói giặc cướp hoành hành ở Vũ Xương, trong lòng nghĩ:
“Vũ Xương cách Thư Châu rất gần, nếu lũ giặc cướp đó chốc lát đánh đến đây, thể nào cũng sẽ cướp sạch hết toàn bộ tài sản bất nghĩa mà mình đã khổ công tích cóp bấy lâu. Đặc biệt là số kỳ trân dị bảo khi mình đi sứ sang Cao Ly (Triều Tiên) còn chưa giao nộp lại cho triều đình, đều bỏ vào túi riêng. Số báu vật này đều rất có giá trị, không thể để bị cướp mất được!”.
Thế là Phó Quốc Hoa bèn cùng cả gia đình mang theo toàn bộ tài sản lên thuyền đi đến Giang Ninh (Nam Kinh ngày nay) tránh nạn, không chút đếm xỉa đến an nguy của muôn dân bá tánh Thư Châu. Đến Giang Ninh, thuyền đỗ ở bờ Trường Giang.
Thuyền phu nói: “Ngoài thành giặc cướp rất nhiều, chi bằng hãy chèo thuyền đi qua cửa con đập, rồi cho thuyền chạy bên trong đập nước trong thành“.
Quan trấn giữ Giang Ninh khi đó tên là Vũ Văn Trọng Đạt, vốn có giao tình rất sâu sắc với Phó Quốc Hoa. Hay tin bạn tới, Vũ Văn Trọng Đạt bèn ra lệnh mở cửa đập, cho thuyền của Phó Quốc Hoa đậu ở trong thành Gianh Ninh. Phó Quốc Hoa bấy giờ mới cảm thấy an toàn. Cả nhà và tài sản đều để trên thuyền, lại đậu ở đập nước trong thành, thực đúng là muôn phần chắc chắn, không chút sơ hở.
Nhưng người tính chẳng bằng trời tính. Không ngờ ngay đêm ấy, một kẻ hầu tên là Chu Đức tạo phản, cướp lấy thuyền của Phó Quốc Hoa, giết sạch toàn bộ gia quyến của ông ta. Chỉ có một bà lão bộc được tha mạng. Còn thành Thư Châu mà Phó Quốc Hoa rời bỏ lại bình an vô sự, không hề bị giặc cướp xâm phạm.
Trên đời vốn không có chuyện gì là ngẫu nhiên. Kiếp nạn của Phó Quốc Hoa há chẳng phải là nhân quả liền mạch hay sao? Trong lòng chỉ cần có tâm ác, một ý niệm không chính sẽ dẫn đến những hậu quả thực sự nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến thân bại danh liệt, mạng sống chẳng giữ nổi.
Kính Thần Phật tránh được tai ương
Cùng thời với Phó Quốc Hoa có một người khác tên là Cố Ngạn Thành. Ông nhậm chức Tào vận quan ở Lưỡng Triết (Chiết Giang, Giang Tô, Thượng Hải ngày nay), sống ở Hàng Châu. Ngày thường Cố Ngạn Thành làm việc rất cẩn trọng, lại tín phụng Thần Phật.
Ông có một kẻ thù tên là Trần Thông. Kẻ này muốn nhân lúc binh mã loạn lạc phát động binh biến lật đổ. Nhưng bởi Cố Ngạn Thành đi đến vùng Chiết Giang thị sát công tác vẫn chưa về, hắn đành phải nén lửa giận trong tâm, gắng đợi đến khi Cố Ngạn Thành tuần thị trở về mới khởi binh, muốn nhân thể sát hại cả nhà Cố Ngạn Thành một lượt.
Chờ đợi cả mấy hôm, cuối cùng Cố Ngạn Thành đã về đến Hàng Châu. Có rất nhiều quan viên và lão bá tánh trong vùng ra nghênh đón ông. Trần Thông tận mắt nhìn thấy cảnh tượng này, bèn quyết định khởi binh ngay trong đêm, thoạt tiên sẽ giết sạch cả nhà Cỗ Ngạn Thành.
Ngay sau khi về đến Hàng Châu, Cố Ngạn Thành quên cả nghỉ ngơi, vội vã thu xếp tới một ngôi miếu ở ngoài thành lễ bái Phật, hơn nữa còn dẫn toàn bộ gia quyến đi theo. Hành tung của ông lại vô cùng giản dị khiến nhiều người đều không hề hay biết.
Đêm đó Trần Thông dẫn theo nhóm người đột nhập vào nhà Cố Ngạn Thành lùng bắt gia quyến của ông thì chẳng thấy một ai, hoàn toàn là tường vách trống không. Trần Thông còn ngờ rằng có người đã tiết lộ cơ mật, báo trước cho Cố Ngạn Thành biết mà lánh nạn.
Sau khi Cố Ngạn Thành làm pháp sự trong chùa xong xuôi mới biết trong thành đã xảy ra binh biến. Thế là ông cùng với người nhà ngay trong đêm vội vã lánh đến một nơi khác, nhờ vậy thoát được kiếp nạn diệt môn này.
Khi chuyện đã rồi, cả nhà Cố Ngạn Thành đều tin rằng Thần Phật đã phù hộ cho họ được bình an, tai qua nạn khỏi. Bè bạn của Cố Ngạn Thành sau khi biết chuyện cũng đều tấm tắc khâm phục và bắt đầu học ông tín phụng Thần Phật.
Theo ĐKN