Iran là chiêu bài của ĐCSTQ nhằm đánh lạc hướng Tổng thống Trump?
Theo một chuyên gia từng làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ, các hành động khiêu khích của Iran gần đây có thể có sự hỗ trợ của Trung Quốc. Mục đích là nhằm đánh lạc hướng Tổng thống Donald Trump khỏi khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng như việc giải quyết các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Sau khi Mỹ tiêu diệt tướng Qasem Soleimani của Iran, phản ứng từ Trung Quốc khá im ắng, trong khi nước này lại là một nhân vật chủ chốt đối với vùng Trung Đông.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ và Iran cùng “đối thoại, tránh căng thẳng leo thang”, tuy nhiên, ông Joseph Bosco, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về Trung Quốc cho rằng nước này không ngây thơ như những lời nói của họ.
Ông Joseph Bosco nhận định trên thực tế, Trung Quốc đang muốn sử dụng Iran để đánh lạc hướng Tổng thống Trump tập trung vào các chiến lược ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và giải quyết mối đe dọa từ Trung Quốc.
Ông cho rằng có thể các hành động khiêu khích gần đây của Iran có sự hỗ trợ của Trung Quốc. Mỹ càng khủng hoảng, càng dành nhiều tâm lực đối phó với các nơi khác trên thế giới thì càng có lợi cho Trung Quốc.
Từ lâu, Trung Quốc đã có mối quan hệ thương mại và ngoại giao thân thiết với Iran. Thậm chí, Trung Quốc từng là nguyên nhân khiến Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Chỉ vài ngày trước khi tướng Soleimani bị hạ sát, Trung Quốc, Nga và Iran đã tổ chức một cuộc tập trận chung. Điều đáng nói đây là lần đầu tiên Iran tham gia một cuộc tập trận có quy mô kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Vào ngày 31/12/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Iran – ông Mohammad Javad Zarif cũng đã đến Bắc Kinh để gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị lần thứ 4 chỉ trong vòng một năm.
Trong khi đó, tháng 9/2019, Mỹ đã giáng đòn trừng phạt đối với một số đơn vị và cá nhân Trung Quốc với cáo buộc vận chuyển dầu từ Iran.
Trước đó, năm 2018, bà Mạnh Vãn Châu – CFO của tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei cũng đã bị Mỹ buộc tội vì giao dịch với Iran.
Ngoài ra, vũ khí nhập khẩu của Iran chủ yếu đến từ Nga và Trung Quốc.
Theo đó, ông Bosco nhận định mặc dù Trung Quốc đang thể hiện hình ảnh là một bên liên quan có trách nhiệm, đóng vai trò làm giảm bớt mâu thuẫn thay vì kích động tình hình ở Trung Đông, nhưng thực ra họ đang gây rắc rối.
Còn về phía Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ông cho rằng Trung Quốc đang muốn gây dựng ảnh hưởng chính trị tại Trung Đông khi tham gia làm ăn với những nước ở khu vực này.
“Chúng tôi không cấm cản nếu họ cố gắng phát triển kinh tế. Chúng tôi muốn kinh tế Trung Quốc thật sự phát triển mạnh. Tuy nhiên, tôi nhận thấy khá rõ những rủi ro tiềm ẩn nếu không có thỏa thuận rõ ràng với Trung Quốc”, ông Pompeo nói trong bài phát biểu tại đại học Stanford hôm 13/1.
Theo ông Pompeo, Trung Đông nên học hỏi những người đi trước về việc chấp nhận tiền đầu tư của Trung Quốc. Những quốc gia Đông Nam Á và Châu Phi giờ đây đã nhận ra một số giao dịch với Trung Quốc thực chất là “bẫy nợ” và vô tình bị “kéo vào tình trạng chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
“Họ không lường trước được điều đó và họ không hề muốn như vậy. Giờ đây, họ đang tìm đến Mỹ để tìm đường quay lại”, ông nói.
Được biết sau ngày 11/9/2001, Mỹ chuyển trọng tâm từ Bắc Kinh sang trấn áp khủng bố vùng Trung Đông. Một số chuyên gia lập luận Trung Quốc sẽ trở thành kẻ được lợi từ thảm kịch này. Bằng chứng là từ năm 2001, chính quyền ĐCSTQ đã phát triển rất rộng và sâu.
Ngân Khánh (Theo The Epoch Times)