Hy Lạp chia rẽ trước ‘ngày định mệnh’
Hôm nay 5.7, gần 10 triệu cử tri Hy Lạp sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về chính sách khắc khổ theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế.
Một ngày trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, hàng chục ngàn người Hy Lạp chia làm 2 phe nói “có” và nói “không” đối với chính sách “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy các gói viện trợ từ các chủ nợ quốc tế đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Athens và nhiều thành phố lớn khác.
Chia rẽ sâu sắc
Phát biểu trước khoảng 25.000 – 50.000 người tại quảng trường Syntagma ở Athens tối 3.7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras một lần nữa kêu gọi mọi người bỏ phiếu “không” đối với “tối hậu thư thắt lưng buộc bụng” của các chủ nợ châu Âu. “Tôi kêu gọi các bạn nói “không” với tối hậu thư và quay lưng lại với những kẻ khủng bố bạn mỗi ngày”, theo AFP dẫn lời lãnh đạo 40 tuổi. Ông Tsipras cũng hối thúc người Hy Lạp “hãy quyết định sống với lòng tự trọng tại châu Âu”, đồng thời bác bỏ các lập luận rằng nói “không” sẽ đồng nghĩa với việc nước này phải ra khỏi nhóm các nước sử dụng đồng euro (eurozone) và (EU). Theo lãnh đạo Hy Lạp, việc phản đối sẽ giúp tiếng nói của Athens “có trọng lượng hơn” trong các cuộc đàm phán sắp tới. Cách đó không xa, một nhóm vận động nói “có” gồm khoảng 20.000 người luôn lớn tiếng cảnh báo việc nói “không” sẽ khiến Hy Lạp chia tay eurozone. “Họ không thể cứ giả vờ rằng Hy Lạp sẽ không thể bị loại khỏi eurozone. Rời khỏi EU chỉ có đau khổ mà thôi”, một bác sĩ 43 tuổi tên Nikos ta thán với AFP. “Không thể cứ tiếp tục như thế này mãi. Chính phủ phải có trách nhiệm chứ”, George Koptopoulos, một giáo sư đại học về hưu, rầu rĩ nói.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận được công bố ngày 3.7 cho thấy tỷ lệ người dân ủng hộ và phản đối kế hoạch khắc khổ để đổi lấy gói cứu trợ quốc tế là không chênh lệch nhiều. Theo AFP dẫn kết quả cuộc khảo sát của Viện Alco, 44,5% những người được hỏi nói “có” với chính sách tiết kiệm và tỷ lệ này ở nhóm nói “không” là 43,9%. Điều này cho thấy có sự chia rẽ sâu sắc trong người dân Hy Lạp liên quan đến vận mệnh đất nước trước ngày định mệnh.
Tương lai mờ mịt
Cho dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5.7 ra sao thì người dân Hy Lạp cũng phải đối mặt với viễn cảnh đau thương: tiếp tục sống kham khổ trong nhiều năm tới hoặc . Trong trường hợp đa số người dân ủng hộ, tức nói “có” với kế hoạch khắc khổ, các chủ nợ sẽ nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán với Hy Lạp về một gói cứu trợ mới. Chính phủ nước này từng tuyên bố sẽ tôn trọng quyết định của người dân. Tuy nhiên, các chủ nợ nhiều khả năng sẽ đàm phán với một chính phủ mới vì Thủ tướng Tsipras từng bóng gió rằng ông sẽ từ chức nếu người dân nói “có”. Nếu trường hợp này xảy ra, một cuộc tổng tuyển cử là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, do Athens hiện đang ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính nên một chính phủ liên minh mới tạm thời gồm nhiều đảng phái khác nhau sẽ được thành lập nhằm tiếp tục thương thảo với các chủ nợ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel từng lên tiếng gợi ý rằng bà sẵn sàng đàm phán gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp, mặc dù nhiều quan chức Đức hoài nghi về việc liệu chính phủ mới của Hy Lạp có thể được thành lập kịp thời để ngồi vào bàn đàm phán trước ngày 20.7 hay không. Đây là thời điểm Athens phải thanh toán khoản nợ 3,5 tỉ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Hy Lạp trước đó đã không thể thanh toán khoản nợ 1,5 tỉ euro của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), vốn đáo hạn vào ngày 30.6 vừa qua.
Trước sức ép căng thẳng đè nặng lên Athens, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis hôm qua đã giận dữ lên án các chủ nợ là “những kẻ khủng bố” trong một cuộc phỏng vấn với tờ El Mundo ở Tây Ban Nha. “Những gì họ đang làm với Hy Lạp có thể gọi là khủng bố… Tại sao họ buộc chúng tôi đóng cửa các ngân hàng? Để gieo rắc nỗi sợ hãi trong người dân. Và việc lan truyền nỗi sợ hãi là hành động khủng bố”, ông Varoufakis tuyên bố.
Mặc dù chính phủ Hy Lạp khẳng định nói “không” sẽ không dẫn đến việc nước này rời EU, song hầu hết mọi người đều hoài nghi về tuyên bố này. Thủ tướng Tsipras từng nhấn mạnh việc người dân phản đối các kế hoạch tiết kiệm của nhóm chủ nợ quốc tế sẽ giúp Athens chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán. Thế nhưng, cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker lẫn người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính của eurozone Jeroen Dijsselbloem đều thẳng thừng bác bỏ tuyên bố trên. Các quan chức châu Âu tin rằng sẽ rất khó để đi đến thống nhất một gói cứu trợ mới vì bỏ phiếu “không” sẽ được hiểu là một lời từ chối tham gia đàm phán với các chủ nợ. Theo Reuters, các nhà hoạch định chính sách của eurozone từng cảnh báo rằng nói “không” sẽ đánh dấu một lời từ chối đối với đồng euro cũng như đóng hẳn luôn cánh cửa về triển vọng rót thêm tiền viện trợ từ các chủ nợ.
Hy Lạp có thể sẽ chìm trong cảnh vỡ nợ khi không thể trả khoản nợ lớn cho ECB vào ngày 20.7, đồng thời chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính nhanh chóng rơi sâu vào hố không đáy, với việc các ngân hàng khó có thể mở cửa hoạt động trở lại. Chưa kể ECB có thể sẽ tiếp tục đóng băng quỹ tài trợ khẩn cấp cho các ngân hàng của Hy Lạp, làm gia tăng áp lực lên Thủ tướng Tsipras khi ông cố gắng đạt được một thỏa thuận trong bối cảnh hệ thống ngân hàng sụp đổ hoàn toàn. Điều đó khiến ông Tsipras buộc phải từ chức để mở đường cho việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Hoặc chính phủ Hy Lạp cũng có thể lựa chọn phát hành một loại tiền song song để vượt qua cơn khủng hoảng, song giải pháp này như thỏi nam châm hút Athens ra khỏi eurozone. “Nói “không” sẽ dẫn đến việc Hy Lạp rời eurozone với một tương lai mờ mịt và chi phí sinh hoạt cao trong xã hội, ít nhất là trong giai đoạn đầu”, Guntram Wolff, Giám đốc của Tổ chức Nghiên cứu các chính sách kinh tế quốc tế Bruegel (Bỉ), nhận định.
Danh Toại |
Theo Thanh Niên