Hong Kong: Biển người biểu tình ‘rẽ sóng’ nhường lối cho xe cứu thương
Đám đông biểu tình hàng ngàn người đứng chật kín đường Harcourt, gần trụ sở cơ quan lập pháp Hong Kong hôm 16/6 bình tĩnh dạt sang hai bên đường, nhường lối cho chiếc xe cứu thương đi qua.
Vào ngày 15/6, nhà lãnh đạo thân Bắc Kinh – trưởng đặc khu Carrie (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đã xin lỗi người dân, hứa sẽ “chân thành và khiêm tốn tiếp nhận mọi chỉ trích cũng như sẽ cải thiện để phục vụ công chúng”.
Bà cũng thông báo sẽ hoãn thảo luận dự luật dẫn độ vô thời hạn. Tuy nhiên, người dân Hồng Kông muốn dự luật được bãi bỏ hoàn toàn, đồng thời yêu cầu bà Lam từ chức.
Các nghệ sĩ đồng hành cùng người dân biểu tình ôn hòa chống lại luật dẫn độ
Vào 15 giờ ngày 16/6, gần 2 triệu người biểu tình đổ ra trên các tuyến phố Hong Kong để biểu tình ôn hòa, yêu cầu chính quyền hủy bỏ dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Đồng hành cùng người dân còn có các diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng như Châu Nhuận Phát, Vương Hỷ, Huỳnh Diệu Minh, Hà Vận Thi, Trịnh Tú Văn, Thái Trác Nghiên, Dung Tổ Nhi, Quan Trí Bân, Chung Gia Hân,…
Những người biểu tình này đã tạo thành biển người mặc đồ đen dọc theo các tuyến đường, lối đi và nhà ga xe lửa khắp trung tâm tài chính Hồng Kông.
Tham gia biểu tình cùng chồng và hai con trai sinh đôi mới 6 tuổi, Yau cho biết: “Tôi cực kỳ tức giận vì bà Carrie Lam đã không lắng nghe chúng tôi, một triệu người Hồng Kông.”
Bà cũng chia sẻ thêm rằng bản thân làm việc này một phần là vì những đứa trẻ. “Tôi không muốn con tôi không có tự do tại Hồng Kông. Là một người Hồng Kông, tôi cảm thấy rất đau khổ [vì những gì đang diễn ra].”, Yan cho hay.
Một người biểu tình khác xưng tên Mak, tham gia tuần hành cùng với vợ và con gái 14 tuổi và con trai 20 tuổi, nói: “Hồng Kông là quê hương chúng tôi, và chúng tôi chăm sóc ngôi nhà của mình. Luật dẫn độ sẽ ảnh hưởng tới tự do ngôn luận của chúng tôi. Không có tự do ngôn luận, chúng tôi sẽ mất quyền giám sát [giới chức], và Hồng Kông sẽ tiếp tục thụt lùi.”
“Tại Trung Quốc Đại lục, mọi người không được bảo vệ vì không có pháp trị. Những nỗ lực của sinh viên trong các cuộc biểu tình không chỉ cho bản thân họ, mà còn cho tất cả người Hồng Kông,” vợ của ông Mak nói thêm.
Biển người rẽ lối nhường đường cho xe cứu thương
Hình ảnh về cuộc biểu tình nhanh chóng được cập nhật và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Twitter và Facebook, trong đó có một khoảnh đặc biệt đã được người dân Hong Kong ghi lại. Đó là hình ảnh biển người biểu tình chủ động nhường lối cho chiếc xe cứu thương đi qua.
Theo đó, vào khoảng 21h tối cùng ngày (16/6), khi các bác sĩ nhận được cuộc gọi thông báo có người biểu tình bị ngất trên đường Harcourt (gần trụ sở chính quyền Hong Kong), xe cứu thương và nhân viên y tế ngay lập tức được bệnh viện điều động đến hiện trường.
Chiếc xe này di chuyển rất thuận lợi trên con đường đông nghẹt. Xe đi tới đâu, biển người liền dạt ra đến đó để nhường đường.
Một số hình ảnh tương tự khác cũng được ghi lại tại Vịnh Causeway và được nghị sĩ Hong Kong Raymond Chan chia sẻ: “Người Hong Kong là những người biểu tình trật tự nhất thế giới. Họ mở đường trong vài giây để xe cứu thương đi qua tại Vịnh Causeway”, ông viết.
Bà Carrie Lam quyết không hủy bỏ luật dẫn độ cũng không từ chức
Khoảng sáu giờ từ sau khi cuộc biểu tình bắt đầu, chính quyền Đặc khu đã phát thông báo xin lỗi người dân của bà Carrie Lam, nhưng nhà lãnh đạo thân Bắc Kinh vẫn quyết không từ chức và không hủy bỏ luật dẫn độ.
Khi một phóng viên hỏi thẳng bà Lam rằng tại sao bà không từ chức sau khi có biểu tình quy mô lớn và bạo lực cảnh sát, bà trả lời: “Tôi đã làm công chức gần 40 năm. Tôi coi đó là niềm tự hào của mình và tôi vẫn có nhiều việc làm cho Hồng Kông mà tôi hy vọng sẽ làm được.”
Theo đó, người dân Hồng Kông cũng phản ứng lại rằng, họ sẽ không rút lui cho đến khi nào nếu bà Lam không hủy bỏ luật dẫn độ và tự từ chức.
Claudia Mo, một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ tham gia biểu tình hôm Chủ nhật cho biết: “Nếu bà ta từ chối rút bỏ hoàn toàn dự luật gây tranh cãi này, điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ không rút lui. Bà ấy còn ở lại, thì chúng tôi còn ở lại”.
Theo nguồn tin mới nhất của phóng viên thì thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong (22 tuổi) – Người đồng sáng lập Đảng chính trị Demosisto cũng đã được thả khỏi trại giam Lai Chi Kok vào 10:30 sáng ngày 17/6. Ngay lập tức, Hoàng Chi Phong đã kêu gọi trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức.
Vũ Tuấn (t/h)
Xem thêm: