Hội trưởng Lão bỏ phiếu tái chôn cất ‘Công chúa Ukok’ 2.500 tuổi để tránh thảm họa
“Trinh nữ Băng giá Siberia” còn được gọi là “Công chúa Ukok” hoặc “Công chúa Altai Ochi-Bala”, là xác ướp 2.500 tuổi của một cô gái trẻ được khai quật năm 1993 trong một gò đất thuộc nền văn hóa Pazyryk cổ, nằm tại nước cộng hòa Altai, Nga. Các nhà khoa học coi đây là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất tại Nga vào cuối thế kỷ 20.
Trái: Xác ướp Công chúa Ukok (Kobsev via Wikimedia Commons). Ảnh nền: địa điểm lăng mộ nơi xác ướp được khai quật. (Tatyana Penn via Wikimedia Commons)
Người dân Altai tin rằng Trinh nữ Băng giá là một thánh nữ, cô đã chọn cái chết để bảo vệ Địa Cầu khỏi tà ma và quỷ dữ, và rằng cuộc thử nghiệm khoa học trên di hài của cô đã khiến linh hồn cô nổi giận, gây nên nhiều thảm họa thiên tai tại vùng đất này. Theo thông tin từ RT News, hội đồng trưởng lão Altay đã bỏ phiếu thông qua việc chôn lại xác ướp để xoa dịu cơn thịnh nộ ấy.
Khuôn mặt Công chúa Ukok sau khi được tái tạo (Kobsev via Wikimedia Commons)
Công chúa Ukok được tìm thấy trong tình trạng chưa từng bị xáo trộn trong một lăng mộ dưới lòng đất, trên vùng cao nguyên Ukok gần biên giới Trung Quốc, ngày nay là Nước Cộng hòa Tự trị Altai. Là một phần của thảo nguyên giao giới Á-Âu, cao nguyên Ukok đặc trưng bởi khí hậu khô cằn và khắc nghiệt. Người dân địa phương gọi vùng đất này là “tầng thiên đàng thứ hai”.
Cùng với cỗ quan tài được chôn cùng xác ướp, người ta còn tìm thấy hai vệ sĩ và sáu con ngựa với đầy đủ yên, cương. Điều này cho thấy thánh nữ Ukok xuất thân từ một dòng dõi cao quý. Người ta tin rằng công chúa Altai ấy cùng với hai vệ sĩ được chôn trong lăng mộ cô đều là người Pazyryk cổ, một dân tộc du mục được nhà lịch sử Hy Lạp Herodotus miêu tả từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên.
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất về Trinh nữ Băng giá chính là hình xăm trên cơ thể xác ướp. Cô có xăm hình cả trên hai tay, từ vai cho đến bàn tay. Tuy nhiên, chỉ hình xăm trên tay trái là được bảo quản tốt đủ để tiến hành nghiên cứu.
Hình xăm mô tả một linh vật thần thoại, với hình dạng một con hươu có sừng và mỏ chim ưng, cũng như nhiều cuộc đụng độ thần thoại khác giữa chim ưng và những động vật có móng guốc.
Nhiều người dân Altai tin rằng Trinh nữ Băng giá Siberia chính là tổ tiên huyền thoại của họ, và rằng ngôi mộ của cô được đặt tại ví trí này để giữ cho cánh cổng dẫn vào thế giới dưới lòng đất luôn luôn đóng. Và bây giờ, sau cuộc khai quật này, sự vắng mặt của vị nữ thần gác cổng đã dẫn đến những thảm họa thiên nhiên tại Altai, trong đó có trận động đất và cơn lũ lịch sử năm 2003.
Người dân Altai tin rằng Trinh nữ Băng giá Siberia chính là tổ tiên huyền thoại của họ
Kể từ sau cuộc khai quật, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu Trinh nữ Băng giá tại Bảo tàng của Viện Khảo cổ học và Dân tộc học Novosibirsk. Tại đây, họ đã tiến hành tái tạo khuôn mặt, kiểm tra DNA, và nhiều hoạt động nghiên cứu khác về xác ướp này. Vào tháng 9 năm 2012, xác ướp được đem đi trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Anokhin của Altai; khách tham quan có thể chiêm ngưỡng công chúa Ukok qua lớp kính bảo vệ. Người dân địa phương Altai cho rằng các nhà khoa học đã làm tổn hại đến thân thể cô, điều này đã khiến thần linh nổi giận.
Người phụ nữ trên cao nguyên Ukok
Nhiều hoạt động đã được lên kế hoạch trong nhiều năm trời để đưa Trinh nữ Băng giá quay trở lại nơi cô được khai quật hai thập kỷ trước đây. Hiện tại, hội đồng trưởng lão, bao gồm những bô lão trong gia tộc Altay và những nhà lãnh đạo tinh thần đã bỏ phiếu ủng hộ việc chôn cất lại xác ướp để linh hồn cô được yên nghỉ, nhờ đó miền đất Altai tránh được mọi thảm họa thiên nhiên.
Những người ủng hộ vẫn chưa đồng ý về nghi lễ và kế hoạch tái chôn cất phải đợi thông qua luật pháp địa phương, để cho phép phát hiện khảo cổ này được xử lý như những di cốt khác. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chính quyền địa phương sẽ không phản đối việc này.
Theo Đại Kỷ Nguyên