Học giả TQ: Sẽ có một vụ bắt giữ lớn ở Hồng Kông không kém sự kiện Thiên An Môn
Một số học giả cho rằng nếu Luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông được thực thi, sẽ có một vụ bắt giữ lớn ở Hồng Kông trong tương lai và quy mô có thể không thua kém phong trào dân chủ Lục Tứ năm 1989.
Ngày 28/5, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC, tức Quốc hội) đã thông qua nghị quyết cho phép ban hành luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông.
Luật an ninh mới cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu. Luật cũng cho phép Ủy ban Trung ương ĐCSTQ thành lập một cơ quan an ninh quốc gia tại Hồng Kông và yêu cầu trưởng đặc khu gửi báo cáo an ninh quốc gia cho chính quyền trung ương thường xuyên.
Động thái của Trung Quốc đã khiến nhiều người trong và ngoài Hồng Kông lo lắng và lên án về các kế hoạch của Bắc Kinh đối với khu tự trị.
Nhận định về vấn đề này, học giả Trung Quốc Viên Mãn cho rằng nếu Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông được thực thi, một lượng lớn người dân Hồng Kông sẽ bị bắt và số vụ bắt giữ sẽ không ít hơn so với phong trào dân chủ Lục Tứ Bắc Kinh năm 1989.
“ĐCSTQ sẽ lập tức bắt rất nhiều người. ĐCSTQ bây giờ đang đẩy mạnh Luật An ninh Quốc gia. Họ đã dự đoán trước phản ứng của nước ngoài, nghĩa là dù có phản đối, thì tôi đã làm tất cả những gì cần làm. Vài năm sau khi mọi chuyện đã xong xuôi, nếu phải đối mặt với việc hàn gắn mối quan hệ với thế giới, tất cả phụ thuộc vào việc các nước khác có chấp nhận hay không. Không chấp nhận là không thực tế. Nếu nói rằng hoàn toàn cắt đứt quan hệ, không tương tác [với Trung Quốc] ở tất cả các phương diện, trong xã hội này, điều đó không thực tế”, học giả Viên Mãn nói.
Hoàng Bình, một học giả tốt nghiệp Đại học Khoa học Chính trị và Luật Hoa Đông, Trung Quốc cho biết kỳ thực, Bắc Kinh muốn thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn với Hồng Kông từ lâu, và cuối cùng đã tìm thấy cơ hội trong năm nay. Tuy nhiên, động thái này đã xóa bỏ hoàn toàn chính sách “một quốc gia, hai chế độ“.
Hoàng Bình cho biết, kế hoạch ban đầu của ĐCSTQ là thông qua và thực thi Điều 23 trong Luật Cơ bản, nghiêm cấm “mọi hành động phản bội, ly khai, phản loạn và lật đổ”. Giờ đây, họ đã tiến tới đề xuất Luật An ninh Quốc gia dành cho Hồng Kông, trực tiếp từ Quốc hội. Đây hoàn toàn không còn là “một quốc gia, hai chế độ”. Họ cũng không quan tâm đến cảm xúc của người Hồng Kông hay người Đài Loan.
Đối với việc nhà cầm quyền cố gắng áp dụng luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông bất chấp sự phản đối của đa số công dân thành phố, ông Hoàng Bình cho rằng ngoại trừ năm ngoái phát sinh sự kiện phản đối dự luật dẫn độ ra, điều quan trọng nhất là lãnh đạo ĐCSTQ hiện tại hoàn toàn khác với người tiền nhiệm.
“Điều quan trọng nhất là người lãnh đạo đứng đầu, chính là người quyết định. Bây giờ nội tâm của ông ta cực kỳ ‘đỏ’, cực kỳ tà, tà đến hung ác, và quay trở lại với chủ nghĩa chính thống của Mao Trạch Đông. Mở rộng đấu tranh nội bộ, một mặt là với người dân, một mặt là với thể chế. Biện pháp tiếp cận tàn nhẫn này đã được áp dụng đối với Hồng Kông và Đài Loan. Trong quan hệ ngoại giao, ít nhất khẩu hiệu của ông ta đã trở lại thời Mao Trạch Đông, tạo ra một kẻ thù trên toàn bộ các phương diện”, ông Hoàng Bình nói.
Về phía Hoa Kỳ, báo cáo “Chiến lược Trung Quốc” của Nhà Trắng được công bố gần đây nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào việc nội bộ của Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ có 85.000 kiều bào nước ngoài và 1.300 công ty tại Hồng Kông. Theo đó, chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu ĐCSTQ thực hiện “Tuyên bố chung Trung – Anh” và duy trì luật pháp, tự do dân chủ và mức độ tự trị cao cho Hồng Kông.
Thùy Linh (t/h)