Hoàng Chi Phong sẽ tham gia điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần sau
Ngày 8/9, hàng nghìn người Hong Kong đã tổ chức biểu tình thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong”, hy vọng mượn việc này để gây áp lực cho đảng Cộng sản Trung Quốc. Thư ký đảng Demosistō Hong Kong Hoàng Chi Phong và Ca sĩ Hà Vận Thi nhận lời mời và sẽ tham dự điều trần trước quốc hội Mỹ, để thúc giục Mỹ thông qua dự luật này.
Tờ Apple Daily tại Hong Kong đưa tin, Hoàng Chi Phong sẽ thăm Washington vào tuần sau, tham dự phiên điều trần về vấn đề Hong Kong do Ủy ban Hành pháp của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) tổ chức.
Ngày 8/9, do sai sót trong hồ sơ bảo lãnh của toà án, Hoàng Chi Phong đã bị bắt tại sân bay nên chưa thể đi đến Đức; ngày 9/9, sau khi toà án xử lý sai sót, anh đã khởi động hành trình đến Đức tham gia một số hoạt động quan trọng. Hoàng Chi Phong cho biết, hành trình tiếp theo đến Mỹ không gặp trở ngại, sẽ đến thăm New York trước, sau đó đến Washington.
Hoàng Chi Phong nói, nhiều ngày qua, cộng đồng quốc tế đã chú ý cao độ đến tình hình nhân quyền tại Hong Kong, tin rằng cơ hội “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong” được thông qua là “cao chưa từng có”, và việc tham gia phiên điều trần để trình bày tình hình mới nhất về Hong Kong là rất quan trọng.
Phiên điều trần sẽ do Chủ tịch James McGovern và đồng Chủ tịch Marco Rubio của CECC chủ trì, đảng Demosistō Hong Kong cũng sẽ gặp mặt nhiều nghị viên Quốc hội Mỹ, dự kiến sẽ có cả Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Bên cạnh đó, Ca sĩ Hà Vận Thi, người mà thời gian qua đã liên tiếp ra nước ngoài để kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến Hong Kong, cũng sẽ tham dự phiên điều trần sắp tới.
Ngày 9/9, sau khi Quốc hội Mỹ trả lời, “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong” có hy vọng sẽ được đưa ra thảo luận trong tháng 9; tháng 9 cũng có nhiều đoàn đại diện của chính giới và học giả thăm Mỹ, trong đó có Tổng Thư ký đảng Demosistō Hong Kong Hoàng Chi Phong và Thường uỷ đảng Demosistō Hong Kong La Quán Thông, họ đều sẽ đến Washington vào tuần sau.
Phó Giáo sư Trần Gia Lạc, hiện công tác tại khoa Chính trị và Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Tẩm Hội Hong Kong cho biết, phiên điều trần của Quốc hội Mỹ có vai trò trong quá trình lập pháp của Quốc hội, liên quan đến việc hai đảng phái và lưỡng viện liệu có đạt được nhận thức chung hay không, “đạt được nhận thức chung tức là đã điều kiện chín muồi”; ông cho rằng, lần này những người được mời bao gồm nhân vật không phải giới chính trị và từng tham gia phong trào phản đối dự luật dẫn độ như Hà Vận Thi, có ý nghĩa rất lớn trong việc thể hiện tiếng nói của người biểu tình và có thể khơi dậy sự cộng hưởng của cộng đồng quốc tế về vi phạm nhân quyền ở Hong Kong.
Phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hong Kong kéo dài liên tiếp 3 tháng, thì Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga mới tuyên bố chính thức rút lại dự luật, nhưng lại không quan tâm đến 4 yêu cầu còn lại của người dân, đồng thời sự đàn áp và khủng bố trắng của chính quyền đối với phong trào này lại ngày càng kịch liệt.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng, chính phủ Hong Kong rút lại dự luật dẫn độ quá muộn. Bà nói, sẽ tiếp tục thúc đẩy “Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong”.
Bà Nancy Pelosi cũng nói, người Hong Kong xứng đáng có tương lai tự do với sự công bằng, tự trị thực sự và không sợ hãi. Lãnh đạo Hong Kong thân Trung Quốc cần đảm bảo có một chế độ chính trị có trách nhiệm với người dân, bao gồm cả việc thực hiện bầu cử phổ thông và điều tra cảnh sát lạm dụng bạo lực.
Theo trithucvn