Hoa Kỳ cho tàu chiến áp sát Hoàng Sa, thách thức Trung Quốc
Hai tuần sau khi cho tàu Wayne E. Meyer áp sát hai đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Trường Sa, vào ngày 13/9 mới đây, Mỹ tiếp tục cho chiến hạm này đến gần các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.
Xác nhận thông tin trên, chỉ huy Reann Mommsen, nữ phát ngôn viên của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ của khu trục hạm Wayne E. Meyer cho biết, việc làm này của Mỹ nhằm tiếp tục thách thức các tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Trung Quốc đã nỗ lực tuyên bố chủ quyền nhiều vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hơn những gì nước này được quyền theo luật quốc tế”, nữ phát ngôn viên Hạm đội 7 hải quân Mỹ cho hay.
Hoạt động áp sát quần đảo Hoàng Sa của chiến hạm Wayne E. Meyer diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang do chiến tranh thương mại và việc Washington quyết định bán vũ khí cho Đài Loan.
Ngày 28/8, khu trục hạm Wayne E. Meyer từng tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hai thực thể này bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo.
Theo đó, Bắc Kinh đã nói rằng việc hải quân Hoa Kỳ lặp đi lặp lại hoạt động tuần tra ở Biển Đông là vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc, và việc tàu Wayne E. Meyer vào khu vực Hoàng Sa lần này diễn ra khi chưa được sự cho phép của Bắc Kinh.
“Chúng tôi nhấn mạnh lại rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển quanh đảo… Không một hình thức khiêu khích nào của tàu hải quân và phi cơ nước ngoài có thể làm thay đổi được thực tế này”, Bộ Tư lệnh Tác chiến Miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói trong một tuyên bố.
Ở một diễn biến khác, Sĩ quan John Fag, phát ngôn viên của Hạm đội 3 Hải quân Mỹ cho biết, trước đó, một chiến hạm của Mỹ chở tên lửa cường lực cũng tới gần Biển Đông.
Cụ thể, vào hôm 11/9, tàu USS Gabrielle Giffords của Hải quân Mỹ trang bị tên lửa cường lực Naval Strike Missile kiểu mới và một máy bay trực thăng không người lái đã rời San Diego, tới gần Biển Đông nhằm tăng cường cho lực lượng ở Thái Bình Dương – một khu vực tranh chấp thế giới mà Trung Quốc muốn kiểm soát.
Hồi tuần trước, Trung Quốc cũng đã giận dữ lên án sau khi có tin Anh và Mỹ có thể sẽ phối hợp hoạt động tại Biển Đông trong thời gian sắp tới.
Báo chí Anh loan tin rằng nước này có thể sẽ gửi tàu hàng không mẫu hạm mới nhất của Hải quân Hoàng gia Anh chở theo các chiến đấu cơ tàng hình thuộc lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ vào khu vực Quần đảo Trường Sa.
Tình hình Biển Đông gần đây trở nên căng thẳng khi tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam ở phía nam Biển Đông từ hồi tháng 7. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền không thể chối cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời cho biết tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.
Các chuyên gia Biển Đông cảnh báo hành động gây căng thẳng của Trung Quốc tại khu vực tiềm ẩn nguy cơ biến một tính toán sai lầm nhỏ thành cuộc xung đột lớn.
Vũ Tuấn (t/h)