Hồ thủy điện Hòa Bình đang thiếu gần 3 tỷ m3 nước, có thể phải cắt điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phát đi thông báo nguy cơ thiếu nước vì mực nước hồ thủy điện Hòa Bình tích được vẫn thấp hơn 10m so với cùng kỳ hàng năm.
Hồ thủy điện Hòa Bình đang thiếu 2,9 tỷ m3 nước, có thể phải cắt điện
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình Nguyễn Văn Minh cho biết, năm 2019, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà lượng nước về trong mùa lũ trên lưu vực sông Đà hết sức bất lợi chỉ đạt khoảng 51% so với trung bình nhiều năm (trừ hồ Bản Chát).
Tổng lượng nước về hồ chứa Hòa Bình trong mùa lũ (15/6 – 15/9) theo đó chỉ đạt 14,7 tỷ m3, thấp nhất kể từ khi đưa nhà máy vào vận hành, bằng 47% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm.
Cuối mùa lũ tình hình nước về hồ vẫn không được cải thiện. Nước hồ chỉ còn trên 92m, thấp hơn 15m so với mực nước bình thường, quy đổi ra, hiện hồ thủy điện đang thiếu 2,9 tỷ m3 nước, tính ra điện tương đương 680 triệu Kw/h.
Điều này gây khó khăn cho hồ trong thời gian tới khi vừa phải tích nước để phát điện, duy trì dòng chảy, cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ lưu lại vừa phải đảm bảo có đủ nước xả phục vụ nông nghiệp vụ Đông – Xuân đầu năm 2020.
Liên quan đến việc sẽ cắt điện luân phiên vào mùa khô năm tới, ông Minh khẳng định rằng sẽ tính toán kỹ lưỡng việc điều hành hệ thống điện để không ảnh hưởng đến việc cấp điện cho người dân. Tuy nhiên, ít nhiều việc cấp điện cũng sẽ khó khăn hơn trước đây.
Nguồn điện phải huy động cuối năm là thách thức rất lớn (5.000 đồng/kWh)
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, không chỉ hồ Hòa Bình mà các hồ chứa lớn quan trọng khác trên lưu vực sông Hồng (Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng) đều đang ở mức thấp, dẫn tới nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước cấp cho hạ du.
Trước đó, trong 20 ngày đầu tháng 10, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống là 13,2 tỷ kWh, trong đó, EVN phải huy động các nguồn điện dầu là 178 triệu kWh. Đây là nguồn điện giá cao, từ 5.000 đồng – 6.000 đồng//KWh (tùy giá dầu tại từng thời điểm).
Theo dự báo của EVN, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch vận hành hệ thống điện trong những tháng cuối năm của EVN sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, trong khi hệ thống điện hầu như không có nguồn dự phòng và mực nước các hồ thủy điện đang ở mức rất thấp.
Việc cung ứng than cho phát điện hết sức khó khăn, các nhà máy nhiệt điện cũng đã phải huy động cao trong 9 tháng năm 2019. Các nguồn điện dầu dự kiến sẽ phải huy động cao trong những tháng cuối năm có thể lên đến 1,45 tỷ kWh và lũy kế cả năm 2019 sẽ vào khoảng 2,57 tỷ kWh sẽ là thách thức lớn đối với tình hình tài chính của tập đoàn này.
Nhà máy Thủy điện Hoà Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, trên dòng sông Đà thuộc miền bắc Việt Nam. Đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 đến 2012 (phá vỡ bởi Nhà máy thủy điện Sơn La), do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và hướng dẫn vận hành.
Công trình khởi công xây dựng ngày 6/11/1979, khánh thành ngày 20/12/1994. Công suất sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 megawatt, gồm 12 cửa xả và 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240 MW. Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ kilowatt giờ (KWh).
Nhà máy thủy điện Hòa Bình là nguồn cung cấp điện chủ lực của toàn bộ hệ thống điện Việt Nam, cung cấp khoảng 27% (Thời điểm trước năm 2010) nguồn điện của cả nước, góp phần quan trọng vào việc cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu trong đó có đồng bằng sông Hồng, nhất là trong mùa khô. Điều tiết mực nước sông đồng thời đẩy nước mặn ra xa các cửa sông.
Vũ Tuấn (t/h)