Hãy nhớ, phải cẩn thận và tỉnh táo khi du lịch đến Triều Tiên
Việc du lịch tới Triều Tiên được chính phủ Mỹ cảnh báo khá khắt khe. Tuy nhiên, sự tò mò về một đất nước bí ẩn vẫn khiến nhiều du khách đặt chân đến đây. Và hệ quả từ những bốc đồng có thể khiến nhiều người như Otto Warmbier ân hận suốt đời.
Dưới đây là chia sẻ của một giảng viên:
Triều tiên mới đây đã kết án 15 năm lao động khổ sai cho một khách du lịch người Mỹ, đó là cậu sinh viên Otto Warmbier. Thật không quá bất ngờ khi luôn có hoạt động giám sát diễn ra tại đây, và máy quay phim an ninh đã chụp lại được những tấm ảnh Warmbier tìm cách lấy trộm những tấm áp phích tuyên truyền tại khu vực cấm của khách sạn. Những bức ảnh được công bố cho thấy cậu sinh viên này đã choáng váng khi biết mình bị kết án.
Dẫu vậy, tôi đã không hề sốc khi xem bản tin này.
Tôi hoàn toàn thấu hiểu về sự tàn bạo của chế độ mà cha mẹ tôi từng phải chạy trốn từ khi còn trẻ. Sau rất nhiều năm, ba tôi vẫn còn giữ liên lạc với một người em trai ở Triều Tiên. Họ thường trao đổi thư từ cho nhau. Những bức ảnh mà chú ấy gửi cho thấy cuộc sống bên đó “tươi đẹp biết nhường nào” bởi chú trông già nua hơn rất nhiều trong cảnh túng thiếu tiền bạc. Chú cần ba tôi trợ giúp, và ông chẳng bao giờ ngại ngần chuyển tiền cho chú.
Ba tôi đã nhiều lần tìm cách quay về thăm quê nhà. Ông từng tham gia một nhóm y tế tình nguyện với hy vọng được cấp phép nhập cảnh nhưng thất bại. Triều Tiên hiếm khi cấp thị thực cho người Hàn Quốc và người Mỹ. Tuy nhiên, kể từ năm 2009, khi ba tôi mất, tôi đã có cơ hội đến thăm quê hương của mình cùng với các giáo viên và sinh viên tại khóa đại học mà tôi đang tham gia. Bằng cách sử dụng thị thực nhóm, tôi đã có thể che giấu thân phận của mình và mẹ trong chuyến đi này.
Hiện tại mặc dù tình hình đã được nới lỏng hơn rất nhiều so với năm 2009, nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn đưa ra những thông cáo không khuyến khách du lịch tới quốc gia này. Năm 2015, những cảnh báo đã được cập nhật để “nhắc lại và nhấn mạnh nguy cơ bị bắt giữ và giam cầm dài hạn tại đây” bởi vì Triều Tiên “không áp dụng chính sách rõ ràng về tội phạm trong bộ luật hình sự”.
Nhóm tham quan của chúng tôi đã được nhắc nhở nhiều lần về những việc mà chúng tôi có thể và không thể làm tại đây. Một số ví dụ điển hình là không được phép mang kinh sách, điện thoại vệ tinh, máy quay phim kèm ống kính, sổ sách ghi chép và các ấn phẩm khiêu dâm. Ngoài ra, chúng tôi cũng được cảnh báo về việc có thể bị theo dõi bí mật, vì vậy tuyệt đối không được nói xấu về lãnh đạo của chế độ này hay thảo luận về những điều của quá khứ hoặc hiện tại, kể cả khi nói chuyện riêng.
Khi chiếc máy bay do Nga sản xuất của hãng hàng không Koryo hạ cánh tại sân bay của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiêu thì bạn đã bị tước mất mọi quyền kiểm soát. Chi tiết hơn, bạn sẽ phải giao nộp hộ chiếu “vì lý do an ninh”. Không chỉ có vậy, bạn sẽ được đưa đến nơi mà chính phủ nước này muốn cho bạn đi. Họ cũng sẽ chỉ định thức ăn cho bạn và không cho phép bạn liên hệ với bất kì người lạ nào không nằm trong kế hoạch đã được vạch sẵn. Khách sạn 47 tầng Yanggakdo là nơi duy nhất hành khách được phép trú ngụ trong thời gian tham quan. Nó nằm tách biệt trên một hòn đảo, cách ly xa khỏi phần còn lại của thủ đô.
Tuy nhiên là một người Mỹ, bạn sẽ rất khó thích nghi ngay với môi trường ở đây. Mẹ tôi mắc chứng hay lo nên đã nài nỉ tôi gọi điện thoại cho em trai để kiểm tra xem cửa nhà đã khóa chưa. Khi tôi giải thích với bà là chúng ta đang ở Triều Tiên và không được phép dùng điện thoại, bà lại gợi ý tôi dùng thư điện tử – dĩ nhiên tại Triều Tiên bạn không được sử dụng mạng viễn thông.
Tuy nhiên ở khía cạnh nào đó thì Triều Tiên cũng khá ‘lòe loẹt’ và dường như nó cũng đang tìm cách gây ấn tượng với thế giới bên ngoài. Tàu điện ngầm được trang hoàng bằng những đèn trùm lộng lẫy mà có lẽ đến nhà thiết kế lỗi lạc Louis Comfort Tiffany cũng phải giật mình. Hơn thế nữa, sảnh khách sạn còn được trang trí bởi cột trụ thủy tinh khổng lồ với một con cá mập sống lượn lờ bên trong.
Sự bí ẩn về Triều Tiên đã biến đất nước này thành mục tiêu để người Mỹ đưa ra những định kiến về Châu Á và những nhà độc tài. Mặt khác, những công ty du lịch tại Mỹ cũng thường không thực hiện nghiêm túc những yêu cầu gắt gao mà Triều Tiên đưa ra. Một thí dụ điển hình là tình trạng gia tăng du khách say xỉn khi tham gia các tour du lịch này. Thậm chí hãng du lịch mà cậu sinh viên mới bị bắt giữ – Warmbier còn quảng cáo tour du lịch đến Triều Tiên “là địa điểm mà mẹ bạn chắc hẳn không muốn con mình đến” cùng các tiêu chí, “vui nhộn, tìm kiếm sự phiêu lưu, và hồi hộp nghẹn thở với mức giá hợp lý!”.
Khi đến Triều Tiên, tôi cũng từng bị cám dỗ bởi việc tìm cách ‘vượt rào’ những luật lệ đã quy định. Hàng ngày chúng tôi được nhắc nhở nhiều lần về việc nghiêm cấm chụp ảnh khi không có sự cho phép. Tuy nhiên, một ngày nọ khi xe buýt của chúng tôi đột ngột dừng tại giữa một vùng nông thôn, tôi đã nhìn thấy một chiếc xe đạp đơn độc dựa vào thân cây và nghĩ rằng với cảnh này, tôi sẽ có một bức hình tuyệt đẹp. Lúc đó hướng dẫn viên đã rời khỏi xe buýt với người giám sát, còn tài xế lại đang chăm chăm nhìn đằng trước. Một thoáng suy nghĩ về việc chụp nhanh tấm hình đơn giản xuất hiện trong đầu tôi. Tuy nhiên, nó đã nhanh chóng bị dập tắt bởi tiếng chân của binh lính đang tiến nhanh lên xe buýt cùng với người hướng dẫn viên du lịch đang vô cùng hoảng hốt. Cô vội vàng nói: “Họ nói rằng đã có ai đấy chụp hình!”, “Ai đã chụp hình vậy? Đây là một căn cứ quân sự!”.
Một sinh viên đã bị bắt và biến mất cùng hướng dẫn viên du lịch trong vòng 1 tiếng đầy căng thẳng.
Cậu sinh viên này đã may mắn thoát khỏi án phạt tương tự như Otto Warmbier khi mang quốc tịch Trung Quốc bởi vì quốc gia này là một trong số những đồng minh ít ỏi của Triều Tiên. Sau sự cố kinh hoàng này, rất nhiều người trong chúng tôi đã sợ hãi và chủ động để lại máy chụp hình trên xe buýt khi đến điểm dừng chân kế tiếp.
Cũng giống như cậu Warmbier, tôi từng muốn mang những tấm áp phích cổ động về nhà làm kỷ niệm. Tại khách sạn của chúng tôi, cuốn lịch “12 tháng của Đảng Cộng sản” được treo trong phòng ngủ với những bức ảnh về con người nơi đây diện đồng phục và đang tham gia những hoạt động theo từng mùa. Những tấm hình được dàn dựng theo phong cách Xô Viết với những nụ cười đậm chất ‘sân khấu điện ảnh’. Tôi nghĩ cuốn lịch này rất phù hợp để treo trong phòng làm việc của mình, vậy nên khi đến cửa hàng lưu niệm, tôi đã mua một bản sao tương tự được vẽ bằng tay.
Khi an toàn cập cảng hàng không Trung Quốc, nhóm chúng tôi họp mặt để làm thủ tục nhập cảnh, tôi đã lấy ‘chiến lợi phẩm’ này ra khoe với mọi người.
Có người nhận ra một vết tích lạ và hỏi “Nó từng thất lạc ở đâu à?”. Rõ ràng là tiệm lưu niệm đã gói những tấm áp phích của tôi trong một ống kín tại sân bay Bình Nhưỡng, nhưng những dấu vết để lại cho thấy ai đó đã mở ống và kiểm tra từng tấm áp phích. Tại viền mỗi bức tranh đều có một dấu vân tay mờ mà một người Triều Tiên bí ẩn để lại, điều này cho thấy bàn tay kiểm soát của chính quyền độc đoán, chuyên quyền vẫn có thể vươn ra đến bên ngoài biên giới.
Bài viết của Marie Myung-ok lee, người dạy viết văn tại Columbia
Bình An, theo New York Times