Hán Quang Vũ Đế – Vị hoàng đế quyết đoán giàu lòng từ bi
Hán Quang Vũ Đế không chỉ được biết đến với tài thao lược quân sự bậc thầy, mà ông còn được người đời ca tụng như một con người rộng lượng, trung thực, luôn biết thưởng phạt phân minh.
Bởi cuộc nội chiến do Vương Mãng gây ra, với vai trò ngoại thích trong triều đình, ông soán ngôi họ Lưu lập ra nhà Tân, nhà Hán định thành hai giai đoạn riêng biệt.
Vào thời điểm kinh đô là Trường An ở phía tây, nhà Hán được gọi là Tây Hán (206 TCN-9 SCN). Sau khi kinh thành được chuyển về Lạc Dương, các sử gia gọi thời kì này là Đông Hán (25-220 SCN).
Lưu Tú (5 TCN-57 SCN), hay Quang Vũ Đế, chính là người thành lập nhà Đông Hán ngay sau khi diệt Vương Mãng, mở ra thời kỳ thịnh trị của Trung Hoa sau nhiều năm biến động. Là hậu duệ của Lưu Bang, Lưu Tú danh chính ngôn thuận khôi phục nhà Hán, thông qua cuộc nổi loạn dưới trướng người anh em họ là Lưu Huyền, chống lại Vương Mãng.
Khoảng thời gian nội chiến từ khi Vương Mãng cướp ngôi vua Tây Hán đến khi thành lập nhà Đông Hán, Trung Hoa bị tàn phá khá nhiều.
Khôi phục triều đại
Ngay sau khi xưng vương, Lưu Tú đã thông qua một loạt các chiếu lệnh để thúc đẩy kinh tế và mối bang giao với các nước láng giềng. Điều này giúp khôi phục nhà Hán sau tàn phá của chiến tranh.
Thay vì bổ nhiệm thuộc hạ trong thời chiến, Lưu Tú chú trọng tuyển chọn các học giả để quản lý việc triều chính. Ông tin rằng các tướng lĩnh chỉ có thể được trọng dụng để phát huy tối đa uy lực trên chiến trường, chứ không thể dùng để đối diện với các văn thư tấu sớ. Ông cũng nhận ra rằng nhiều người trong số họ đã trở nên quá kiêu ngạo với những chiến công của mình.
Khi ngai vàng đã vững chắc, Lưu Tú tiến hành ban tước vị và của cải cho tướng lĩnh, nhưng không để họ can thiệp vào việc triều chính.
Ông khôi phục hệ thống tập quyền trước đây bằng cách yêu cầu các tri phủ địa phương bẩm tấu trực tiếp với ông. Hơn nữa, ông cắt giảm các vị trí quyền cao chức trọng, để ngăn chặn việc tiếm quyền từ khanh tướng công hầu.
Lưu Tú nhận ra rằng các điều luật hà khắc của Vương Mãng đã khiến sự bất mãn lan rộng trong cộng đồng. Kinh nghiệm chiến tranh giúp ông biết rằng cần phải áp dụng giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột; đồng thời hành xử quyết đoán nhưng cũng phải nhân ái. Ông ra lệnh phóng thích nô tỳ và ân xá người phạm tội chưa thành niên..
Chấn hưng đất nước
Lưu Tú chú trọng cứu tế dân nghèo, giảm nhẹ thuế đất cho nông dân nhằm khuyến khích sản xuất, giảm thuế cho người già, góa phụ và người nghèo, những người chịu đựng nhiều nhất từ cuộc nội chiến. Ông tiến hành xây đắp thành trì, củng cố biên cương, khuyến khích tù nhân tham gia lao động để được giảm án.
Lưu Tú cũng rất nghiêm khắc với bản thân, nhưng lại hết sức nhẫn nhịn với người khác. Trong cuộc nội chiến, sát cánh cùng ông có những tướng lĩnh từng là kẻ thù trước kia, nhưng lại được ông hết lòng tin tưởng. Một trận động đất dữ dội xảy ra, Lưu Tú đã tự trách bản thân không đủ tài đức để bảo vệ bá tánh khỏi thảm họa.
Một người với tâm Đại Nhẫn
Điều làm nên những thành công vượt trội của Lưu Tú chính là tâm Đại Nhẫn. Lưu Tú cùng anh trai là Lưu Diễn, đã có hai phần số khác nhau cũng bởi tính cách khác biệt
Trước khi Lưu Tú trở thành hoàng đế, anh em họ Lưu với chiến công lẫy lừng trong cuộc chiến chống Vương Mãn, nhưng vì tính cách cao ngạo và cậy công của Lưu Diễn mà hoàng đế Lưu Huyền khi ấy luôn trong tâm trạng lo sợ bị soán ngôi.
Nhân khi Lưu Tú dẫn quân chiến đấu ở vùng xa, Lưu Huyền đã cho người giết chết Lưu Diễn. Hung tin khiến Lưu Tú đau buồn khôn xiết. Tuy nhiên, ông cố nén lòng và xử sự khiêm tốn hơn trước Lưu Huyền, hoàn toàn đối nghịch với sự khoe khoang, kiêu ngạo và thách thức của anh trai.
Lưu Tú không những chẳng kể gì đến chiến công của mình, mà còn lên tiếng cáo lỗi về thái độ hành xử của người huynh đệ. Cách hành xử của Lưu Tú khiến hoàng đế hối hận vì giết chết Lưu Diễn. Hoàng đế Lưu Huyền quyết định bỏ qua và ban thưởng cho Lưu Tú
Tuy nhiên, Lưu Huyền được coi là một bạo chúa đầy nghi hoặc. Lưu Tú biết rằng, mặc dù Lưu Huyền không còn coi mình là một mối đe dọa, nhưng không có nghĩa là ông ta sẽ không giết Lưu Tú trong tương lai vì chiến công và uy danh to lớn của ông.
Thế nên Lưu Tú chẳng bao giờ khoe khoang công trạng, một mực giữ thái độ khiêm nhường. Ông nhẫn nhịn trước việc mất đi người anh trai và chịu đựng hết thảy những khó khăn từ mối ngờ vực của hoàng đế. Ông chấp nhận ngồi ngoài cho đến khi đủ khả năng có được ngôi vị cho mình.
Lắng nghe lời chỉ trích
Ngoài tâm Đại Nhẫn, Lưu Tú còn cho thấy bản thân ông là một người biết cầu thị.
Sau khi lên ngôi, Lưu Tú muốn phong Tống Hoằng làm Tể tướng. Tống Hoằng lại tiến cử Hoàn Đàm làm quân sư vì tài năng và kiến thức sâu rộng của người này. Hoàn Đàm còn là một nhạc sĩ tuyệt vời, âm nhạc của ông rất được Lưu Tú yêu thích, nên nhiều lần ông được mời đến hoàng cung trình diễn.
Tống Hoằng không hài lòng về điều này. Ông trách Hoàn Đàm đã làm hoàng đế sao nhãng việc triều chính, “Ta tiến cử ông làm quân sư cho triều đình, chứ không phải một nhạc sĩ. Ông đang dẫn dắt hoàng thượng đi đến đâu?! Ông nên làm đúng cương vị của mình, hoặc ta sẽ tấu trình để phế bỏ vị trí của ông?“.
Hoàn Đàm quỳ xuống và nhận lỗi về những gì đã làm. Vài ngày sau, tại yến tiệc thiết đãi quần thần, Lưu Tú lại cho gọi Hoàn Đàm đến. Hoàn phụng mệnh hoàng đế nhưng trong lòng lại lo sợ và do dự khi bắt gặp ánh mắt của Tống Hoằng. Hoàng đế bèn hỏi nguyên cớ.
Tống Hoằng rời chỗ ngồi, cởi mũ miện và tâu rằng, “Thần tiến cử Hoàn Đàm vì lòng trung thành và sự công bình, cho rằng ông ta sẽ tận lực với quân vương. Nhưng giờ đây đóng góp của ông ta lại khiến triều đình đắm chìm trong ca vũ và hưởng lạc. Đó là lỗi của thần“.
Sau khi nghe, Lưu Tú cảm thấy xấu hổ vì đã bỏ qua tài năng của Hoàn mà chỉ chú trọng niềm vui của bản thân, nhà vua nhận lỗi trước Tống Hoằng.
Chú trọng đạo đức
Trong suốt 32 năm tại vị, Lưu Tú thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Nho giáo, và ông hết sức chú trọng ‘khí tiết’, lòng nhân nghĩa và thanh liêm.
Sau này, các nhà sử học cho rằng triều đại của ông là thời kỳ “tôn vinh đạo đức và đỉnh cao của Nho giáo.”
Dưới triều đại của Lưu Tú, xã hội Trung Hoa nhanh chóng khôi phục sau sự tàn phá của cuộc nội chiến, xung đột xã hội giảm bớt, người dân có cuộc sống yên bình và hạnh phúc.
An Nhiên – Theo Epoch times