Hà Nội: Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano Nhật Bản
Sông Tô Lịch và hồ Tây tại Hà Nội là 2 thí điểm đang được xử lý ô nhiễm, làm sạch nước bằng công nghệ Nano Nhật Bản. Các nhà máy xử lý nước này được đặt ngay dưới đáy sông, hứa hẹn trong 3 ngày sẽ tạo ra điều khác biệt.
Ngày 16/5 mới đây, Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo CTCP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) khởi công dự án “Làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản”.
Tại lễ khởi công, Chủ Tịch HĐQT cty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt – Nguyễn Tuấn Anh cho biết, bản thân rất kỳ vọng vào sự thành công và hiệu quả của dự án. Và rằng công nghệ nano này sẽ giúp môi trường được cải thiện đáng kể, khắc phục mùi hôi thối nồng nặc trên dòng sông Tô Lịch.
Chủ đầu tư dự án này cũng chia sẻ rằng, những chiếc máy sử dụng công nghệ nano trên có khả năng xử lý tới 1,35 triệu m3 nước thải trên một ngày đêm, gấp 9 lần lượng nước thải mà sông Tô Lịch phải tiếp nhận trong cùng thời gian.
Đặc biệt, những chiếc máy trên được chạy bằng năng lượng đіệп đặt chìm dưới lòng sông sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng ô xi, xử lý bùn thải, tạo nên dòng nước trong lành hơn. Do đó, việc “tái sinh” dòng sông này là hoàn toàn khả thi.
“Với máy sục khí công nghệ bio-nano, chỉ sau 3 ngày, mùi ô nhiễm ở sông Tô Lịch sẽ giảm nhiều”, một chuyên gia người người Nhật cho hay. Cũng theo đó, sau 2 tháng, các chất thải và bùn dưới sông sẽ phân hủy hoàn toàn.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc Hội khóa 14 cho biết, bản thân rất hào hứng với công nghệ này và hy vọng công nghệ sẽ biến mong ước làm sạch sông Tô Lịch lâu nay thành hiện thực.
“Một ngày không xa thôi chúng ta có thể sẽ lại được nhìn thấy một dòng sông Tô Lịch trong xanh”, ông Quốc cho hay.
Hiện, dự án trên mới chỉ triển khai một số máy xử lý nước tại đầu nguồn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây.
Sông Tô Lịch chảy qua trung tâm thủ đô, từng là một con sông thơ mộng nhưng nay đã trở thành “con sông chết” do hằng ngày phải tiếp nhận đến 150 nghìn m3 nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp xả vào.
Đầu nguồn sông Tô Lịch ngày trước nối liền với Sông Hồng và hồ Tây, tạo ra dòng chảy thường xuyên. Tuy nhiên từ khi người Pháp chặn dòng để xây dựng phố Cầu Gỗ, con sông này không còn lưu lượng nước lớn nữa mà chỉ còn lưu lượng hạn chế với lưu vực là các khu dân cư của thành phố.
Vũ Tuấn (t/h)
Xem thêm:
- Làm quan thương dân, công đức rất lớn
- Định số, báo ứng và nhân duyên: Ba nhân tố khống chế cả đời người
- Chuyện nhân quả: Hành thiện nhận phúc báo, giúp người là giúp mình