Giới chơi flycam rúng động trước lệnh cấm
Trước thông tin Bộ Quốc phòng siết chặt quản lý thiết bị bay siêu nhỏ (flycam,drone), giới “thợ bay” đang tìm cách bay chui; cửa hàng bán xóa các bài viết, rao bán trên mạng.
Tại Hà Nội, không khó khăn để chúng tôi tìm được những cửa hàng bán thiết bị bay siêu nhỏ.
Giá thành ngày càng rẻ
Chỉ cần bằng vài thao tác, chúng tôi dễ dàng tìm kiếm trên mạng hàng chục cửa hàng và hàng ngàn lời rao bán những thiết bị bay cá nhân với giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng tới vài chục triệu đồng.
Theo một địa chỉ trên mạng, chúng tôi tìm đến một cửa hàng trên phố Trường Chinh, quận Thanh Xuân. Theo lời quảng cáo của nhân viên, cửa hàng đã nhập chính hãng và bày bán loại thiết bị này vài năm trở lại đây và nhu cầu đang ngày càng tăng cao.
“Thiết bị bay hiện nay giá chỉ bằng một nửa so với cách đây 1 năm nhưng cho chất lượng hình ảnh siêu nét, mang được vật nặng khoảng 0,5 kg nhưng chịu sức gió cấp 5 cấp 6 tốt” một người bán hàng cho biết.
Cũng theo lời quảng cáo của showroom này, thiết bị bay siêu nhẹ này có xuất xứ từ Trung Quốc, có trang bị một máy quay camera 4K, bay cao 500 m và trong phạm vi bán kính 4 km. Nhân viên cửa hàng cũng cho chúng tôi xem những thiết bị bay chỉ to bằng bàn tay giá chỉ vài trăm nghìn đồng.
Hiện ở Hà Nội, nhiều công ty kinh doanh tổ chức sự kiện cũng đã đưa vào sử dụng những thiết bị bay cá nhân để chụp ảnh, quay phim.
Anh Mạnh Dũng, một “thợ bay” (người điều khiển thiết bị bay) tại Hà Nội cho biết, nhu cầu có hình ảnh góc cao từ trên không chụp xuống tại các sự kiện đang ngày càng lớn. “Bất kể sự kiện lớn hay nhỏ, khách hàng đều yêu cầu chúng tôi bay. Nhiều khi phải sử dụng từ 3 – 4 cái để chụp ảnh mới vừa lòng khách hàng”, anh Dũng nói.
Qua quan sát, thiết bị bay của anh Mạnh Dũng có kích thước chỉ khoảng 30×30 cm và nặng tầm 1 kg. Người điều khiển sử dụng máy rất dễ dàng thông qua bảng điều khiển cầm tay và một màn hình điện thoại hoặc máy tính bảng có phần mềm kết nối thông dụng. “Máy có thể bay trên không để chụp và quay phim trong khoảng nửa tiếng và tự động trở về với người điều khiển khi hết pin”, anh Dũng cho biết thêm.
Tính đến cách bay “núp”
Ngày 12.8, chúng tôi xin đi “bay” cùng một nhóm “thợ bay” tại khu vực cầu Nhật Tân. Tại đây, các thiết bị bay siêu nhẹ của các “thợ bay” đã dễ dàng ghi lại hình ảnh của sông Hồng, cầu Nhật Tân từ trên cao. Trước thực tế Bộ Quốc phòng vừa có công văn yêu cầu tăng cường quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng không và trật tự xã hội, nhiều thợ bay của Hà Nội đã tính đến cách sẽ bay “núp”.
Một thợ bay cho một studio ảnh tại Hà Nội lo lắng: “Sắp tới, chúng tôi phải hạn chế bay tại khu vực đông dân cư nhưng nếu bắt buộc chụp ở những nơi đó thì phải chụp thật nhanh”.
Chung tâm trạng lo lắng trước việc thiết bị bay siêu nhỏ, máy bay không người lái sẽ bị “siết” chặt, đã bay phải xin phép, nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng này cũng đã rất dè dặt khi có khách hàng hỏi về thông tin các thiết bị bay. Thậm chí, có những cửa hàng dùng chiêu thức không đăng bán trên mạng, xóa bài ở website.
Thậm chí, một cửa hàng trên phố Phan Văn Trường, quận Cầu Giấy khi được gọi điện hỏi thì trả lời đã không nhập và bán sản phẩm nhưng khi chúng tôi đến hỏi mua thì ngay lập tức mang ra thiết bị bay “mới cứng, đập hộp” ra để giới thiệu.
Nhiều cửa hàng cũng tung ra các chiêu khuyến mãi để “xả hàng” nhanh chóng trước thông báo sẽ “siết” chặt thiết bị bay này.
Một cửa hàng trên phố Trường Chinh giới thiệu sản phẩm phantom 3 là 27 triệu đồng (năm ngoái, sản phẩm là hơn 40 triệu). Khách hàng mua combo phantom 3 cùng balo chính hãng cùng 1 pin có giá 33 triệu đồng (giảm hơn 1 triệu so với bình thường). Ngoài ra, nhân viên này còn hứa hẹn sẽ tặng thêm dây đeo điều khiển, miếng che lens cho khách hàng nếu mua ngay.
|
Theo Thanh Niên