Gió lốc bí hiểm càn quét mặt trăng sao Thổ
Các nhà khoa học đang vò đầu bứt tai lý giải cột mây cao tới 200 dặm làm khuấy đảo bầu khí quyển đầy mây của mặt trăng băng giá Titan.||
Hình ảnh về cơn “gió lốc” bí hiểm này đã được tàu quan sát Cassini ghi lại tại cực nam Titan. NASA hy vọng phát hiện này có thể giúp giới khoa học nhìn xuyên qua bầu khí quyển bí hiểm của mặt trăng này và tìm hiểm xem bề mặt Titan thực sự có gì. Mỗi mùa ở Titan kéo dài tới 7 năm, nên cơ hội xua mây và có tầm nhìn quang đãng thế này là cực hiếm, NASA cho biết. Cột mây này được hình thành rất giống với các cơn gió xoáy thường xuất hiện trên biển ở Trái đất. Tuy nhiên nguyên nhân nào hình thành nên cột mây thì vẫn còn là một ẩn số. “Hình ảnh do Cassini chụp được cho thấy một cột mây và sương dày đang thành hình ở độ cao rất cao. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Titan đang chuyển sang một mùa mới”, Nasa phỏng đoán. Trước đó, tàu thám hiểm Cassini của Nasa đã phát hiện thấy vô số đụn cát trên bề mặt Titan. Những đụn cát này rất khác biệt về hình thù nhưng nhiều cái trông rất giống với sa mạc trên Trái đất. Chỉ có điều chúng cao tới 91 mét và rộng tới cả dặm, được hình thành bởi hydrocarbon đông lạnh, một hợp chất thường tìm thấy trong dầu thô hơn là cát. Ước tính có tới 4 triệu dặm vuông đụn cát trên bề mặt Titan, tức là tương đương với diện tích của cả nước Mỹ. Việc hiểu được cơ chế hình thành nên các đụn cát có thể chính là chìa khóa để lập được biểu đồ thời tiết bí ẩn của mặt trăng này. Bên cạnh đó, việc đo trọng lực cũng cho thấy Titan có thể có cả một đại dương ngầm bên dưới bề mặt, với độ sâu lên tới cả vài trăm km. Y Lam |