Giáo viên khiếm thị đi xe buýt nhờ Smartphone.
“Hôm đầu sử dụng chiếc điện thoại thông minh này, tôi không tin lắm. Nhưng rồi mọi thứ đã thay đổi, chiếc điện thoại này giờ đã là người bạn đồng hành không thể thiếu đối với những người khiếm thị như chúng tôi”, chị Đỗ Thị Chiến – Giáo viên Trung tâm Đào tạo cán bộ và phục hồi chức năng cho người mù chia sẻ.
“Người bạn” đồng hành tin cậy Khác với mọi ngày, sáng nay, chị Chiến tự bắt xe bus về thăm bố mẹ. Chị tự tìm bến xe buýt để đi tuyến 51 rồi chuyển sang xe 05, xuống xe chị tự tìm đường về nhà. Người thân trong gia đình vô cùng bất ngờ trước những gì chị làm được. Hai cô em gái cứ thắc mắc: “Mắt chị không nhìn được thì đi xe bus kiểu gì cơ chứ?”. Chị Chiến cảm thấy rất vui trước những thắc mắc của các thành viên trong gia đình. Và, chị đưa chiếc điện thoại ra, giải thích: “Tất cả là nhờ chiếc điện thoại thông minh này đấy”. Cầm chiếc điện thoại, chị Chiến bắt đầu vào mạng nghe tin tức, mở radio, và “biểu diễn” cách tìm đường về nhà… Tất cả các thao tác của chị nhanh nhẹn, dễ dàng chẳng kém gì người mắt sáng, mỗi ứng dụng mở ra lại đem đến một bất ngờ cho cả nhà. Câu chuyện về chiếc điện thoại thông minh dành cho người khiếm thị đã choán hết cả buổi sáng của cả gia đình. Ai cũng hoan hỷ vì từ nay, chiếc điện thoại này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người khiếm thị. Chị Chiến tâm sự: “Bố tôi bị nhiễm chất độc màu da cam. Ông sinh được 5 người con gái, trong đó có 3 người bị khiếm thị. Tôi là con thứ 3 trong gia đình và 2 người em kế của tôi đều bị ảnh hưởng. Từ nhỏ chúng tôi đã không nhìn thấy gì. Giờ đây nhờ có chiếc điện thoại thông minh này, chúng tôi như được tiếp thêm nguồn sáng cho cuộc đời”. Nguồn sáng cho người khiếm thị Không có đôi mắt sáng, nhưng bù lại chị Chiến rất mạnh mẽ, giàu nghị lực để vượt qua khó khăn. Ngày ngày, chị nỗ lực, kiên trì học từng chữ nổi Braille. “Tôi vui đến trào cả nước mắt khi lần đầu viết được tên mình, tên người thân và đọc được chữ. Thế là ao ước từ thuở nhỏ của tôi đã thành hiện thực”, chị Chiến nhớ lại. Trong thời gian đi học, chị Chiến đã quen anh Nguyễn Quang Vinh – người cũng bị khiếm thị giống chị. Cảm thông những thiệt thòi về thân phận, hai người đã đến với nhau để chia sẻ, động viên nhau vượt lên số phận, rồi nên vợ, nên chồng. Tháng ngày trôi qua, gia đình nhỏ của chị lại vỡ òa trong niềm vui khi bé Trà My chào đời. Giờ, My đã học lớp 7 và năm nào cũng là học sinh giỏi. Còn chị Chiến cũng đã trở thành giáo viên của Trung tâm đào tạo cán bộ và phục hồi chức năng cho người mù tại Hà Nội. “Thế giới của những người khiếm thị như chúng tôi có nhiều bí ẩn lắm. Có lẽ ông trời bù lại cho chúng tôi nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi thật may mắn khi được tiếp cận với chữ nổi Braille. Giờ tôi còn được hỗ trợ thêm chiếc điện thoại thông minh của Viettel nữa. Nó giống tôi cảm như có một người bạn sáng mắt, thông minh và trung thành luôn ở bên cạnh giúp mình vậy”. Từ hôm sử dụng chiếc điện thoại dành cho người khiếm thị, cuộc sống của vợ chồng chị Chiến đã được hỗ trợ nhiều hơn. Anh chị thường xuyên vào mạng để đọc tin tức, nghe đài, gọi điện, nhắn tin cho người thân và tìm kiếm các thông tin cần thiết nhanh chóng.
Chị Chiến chia sẻ: “Trước đây, tôi liên hệ với mọi người gặp nhiều khó khăn, vì các phần mềm hỗ trợ trên điện thoại đều bằng tiếng Anh. Người sử dụng gặp nhiều bất tiện. Giờ có phần mềm tiếng Việt hỗ trợ, tôi thấy mình như được hồi sinh vậy. Vui lắm chứ, đời tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể vào mạng nhoáy nhoáy được như thế”. Chị Chiến kể, chính chị đã đến lớp và kể cho các học viên nghe về chiếc điện thoại thông minh này. Lúc đầu, các học viên nghĩ cô giáo tưởng tượng ra câu chuyện để động viên mọi người. Nhưng khi biết đó là sự thật, ai cũng mừng vì từ nay sẽ có thêm một người bạn đáng tin cậy, sẻ chia những buồn vui, dẫn lối chỉ đường cho họ đến với những đam mê, để được học tập, trở thành người có ích cho xã hội.
|
Theo 24H