Giáo sư Australia: Thảm sát như thời Hitler đang diễn ra tại Trung Quốc
Giữa xã hội văn minh, một cuộc diệt chủng tàn bạo lại đang âm thầm diễn ra tại Trung Quốc, khiến hàng chục triệu người phải sống trong nỗi bất hạnh. Tội ác này đã được đem ra so sánh với tội ác diệt chủng của phát xít Đức.
Nạn mổ cướp nội tạng của chính quyền Trung Quốc rất tương đồng với tình trạng thảm sát người Do Thái của Đức Quốc Xã trong Thế chiến thứ II, thời báo Vision Times cho biết nhận định của giáo sư Paul Macneill thuộc Trung tâm Đạo đức Y tế của Đại học Sydney, Australia.
Ông cho biết nạn nhân là các tù nhân lương tâm “bị nhốt trong các trại giam, bị thu thập các dữ liệu cơ thể, nhóm máu, v.v. sau đó bị hành quyết theo yêu cầu khi có người đăng ký ghép thận, tim, gan hay các nội tạng khác”.
“Khỏi phải nói, điều này rõ ràng là sai trái”, ông Macneill phát biểu tại một sự kiện được tổ chức ở trung tâm thành phố Sydney, Australia vào ngày 19/7.
Giáo sư Paul Macneill cho biết: “Phần lớn các tù nhân này là các học viên Pháp Luân Công, môn khí công ôn hòa thuộc trường phái Phật gia”.
Pháp Luân Công hay Pháp Luân Đại Pháp, là môn khí công bao gồm 5 bài tập và các bài giảng về nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
“Những lợi ích về thể chất và tinh thần của Pháp Luân Đại Pháp khiến môn này phổ biến tới 114 quốc gia với hơn 100 triệu người theo tập”, theo bản tuyên bố của thành phố North Bay, Canada nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13/5/2017.
Riêng tại Trung Quốc, Pháp Luân Công bị đàn áp từ năm 1999 theo lệnh của cựu Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, người lo sợ và đố kỵ với sự phát triển nhanh chóng của môn tập trong cộng đồng người dân.
Video: Giáo sư Australia so sánh chính quyền Trung Quốc với Đức Quốc Xã
Lần lượt theo ước tính của nhà nước và các học viên Pháp Luân Công, tại Trung Quốc có khoảng 70 đến 100 triệu người tập Pháp Luân Công vào năm 1999, chỉ vài năm sau khi môn tập cổ truyền này được giới giới thiệu ra công chúng. Vì vậy, ngay sau lệnh đàn áp của ông Giang Trạch Dân, hàng triệu người phải đối mặt với tình cảnh bị bắt bớ phi pháp, tra tấn và trở thành kho nội tạng sống cho ngành cấy ghép nội tạng.
Giáo sư Macneill cho biết: “Cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu từ tháng 7/1999. Ngành cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc tăng gấp đôi, gấp ba từ năm 2000”.
“Nhiều học viên [Pháp Luân Công khi bị bắt] không tiết lộ danh tính để bảo vệ gia đình, dẫn đến một lượng lớn các tù nhân vô danh có sức khỏe tốt, không được ghi chép vào sổ sách, người ta có thể giết họ mà không lo sợ bị trừng phạt gì”.
Ông bình luận: “Thật quá rõ ràng và không thể làm ngơ về sự tương đồng của tội ác này với những điều đã xảy ra với các tù nhân Do Thái và những người khác trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã”.
So sánh của ông cũng là điều mà một số chuyên gia kết luận sau nhiều năm điều tra về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc.
“Chính quyền Trung Quốc đang làm một điều kinh khủng có thể so sánh với những gì mà Đức Quốc Xã đã làm”, cựu Ngoại trưởng Canada David Kilgour bình luận trong bộ phim tài liệu Human Harvest (tạm dịch: Thu hoạch Nhân thể).
Trong cuộc phỏng vấn với bà Eeva Marjukka Heikkila của Tòa án Nhân quyền Châu Âu vào năm 2014, nhà báo điều tra Ethan Gutmann khẳng định: “Ở Trung Quốc, chuyện mổ cướp nội tạng không chỉ có thật, nó còn được nhà nước bảo trợ. Nó được vận hành bởi chính quyền Trung Quốc”.
Ông Gutmann cho biết các nạn nhân “bị đối xử như động vật, bị giết mổ như động vật” và “đó là lý do tại sao tôi nhìn nhận đây là tội ác chống lại loài người, không phải là vấn đề quyền lợi tù nhân hay vi phạm nhân quyền”.
Cựu Ngoại trưởng Kilgour, nhà báo Gutmann và luật sư nhân quyền David Matas là tác giả của báo cáo điều tra mới nhất về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, một văn bản dài hơn 700 trang gây chấn động toàn thế giới khi được công bố vào tháng 6/2016. Sau báo cáo này, Hạ viện Mỹ và Nghị viện châu Âu đã lần lượt ra nghị quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công và hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Cả ba ông Kilgour – Gutmann – Matas đều được đề cử giải Nobel Hòa bình cho nỗ lực điều tra tội ác này của chính quyền Trung Quốc.
‘Tuyên truyền để đàn áp’
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công được biện minh bằng hoạt động tuyên truyền của ĐCSTQ suốt 18 năm qua, chẳng hạn ‘môn tập là một tà đạo’ hoặc ‘có âm mưu chính trị’.
Lời tuyên truyền này thực chất “chỉ là một công cụ được chế tạo ra cho cuộc đàn áp, chứ không phải là nguyên nhân của cuộc đàn áp”, theo kết luận của cựu Ngoại trưởng David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas trong báo cáo “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest) về nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc.
Giáo sư Wendy Rogers, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giá trị và Đạo đức, Đại học Macquarie (Australia) cũng bác bỏ lời tuyên truyền của Trung Quốc: “Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Pháp Luân Công là một giáo phái. Không có bằng chứng nào cho thấy họ có hành động chính trị nhằm lật đổ chính quyền Trung Quốc. Không có bằng chứng nào cho thấy điều gì ngoài một mong muốn sâu sắc là được làm theo niềm tin mà không bị bỏ tù và giết hại”.
Tiến sỹ Sarah Winch, Giám đốc tổ chức Đạo đức Y tế Australia, giảng viên cấp cao về đạo đức y tế tại Đại học Queensland (Australia) bình luận: “Trung Quốc là một quốc gia có chủ quyền, nhưng xét một số khía cạnh chúng tôi thấy ghê sợ, lý lẽ về đạo đức đã rõ ràng, chúng tôi ghê sợ về những điều đang diễn ra ở đó”.
Công bố sự thật
Bất chấp sự lên án rộng rãi từ cộng đồng quốc tế, chính quyền Trung Quốc vẫn liên tục đàn áp các học viên Pháp Luân Công và lại biện minh bằng hoạt động tuyên truyền. Một số chuyên gia cho rằng điều mà người dân thế giới cần làm là giúp nhiều người hơn nữa biết đến sự thật đằng sau chiến dịch đàn áp gần 2 thập kỷ của Bắc Kinh.
“Rất ít người nghe nói đến cuộc đàn áp này, những người nghe nói đến thì lại không tin. Nó quá khủng khiếp, họ không thể tưởng tượng được đó là sự thật. Vậy chúng ta cần làm gì? Chúng ta phải công bố sự thật về điều đang xảy ra ở Trung Quốc để có nhiều người hơn nữa biết đến tình trạng này”, theo ông Niclas Malmberg, một thành viên của Nghị viện Thụy Điển.
Ông cho biết: “Ban đầu tôi cũng rất sốc, suy nghĩ đầu tiên là ‘chuyện này không thể có thật, chuyện này quá ghê tởm, quá khủng khiếp, con người không thể xấu xa đến thế’. Nhưng khi tiếp xúc các dữ kiện, biết được số người đã bị giết hại. Bạn sẽ thấy đó là sự thật, chính quyền Trung Quốc xấu xa đến mức đó. Khi bạn nhận ra đây là sự thật, bạn phải làm điều gì đó cho việc này”.
Giáo sư Paul Macneill phát biểu tại sự kiện ở Sydney: “Hành động của tôi là cố gắng cho công chúng biết đến sự tàn bạo này. Tôi hy vọng các bạn cũng sẽ lưu tâm đến vấn đề này bằng cách nói với bạn bè và đồng nghiệp”.
“Tôi tin là các bạn cũng như tôi, muốn người khác biết rằng điều này đang diễn ra tại TQ, vì điều quan trọng là chúng ta cần tạo áp lực với Trung Quốc để chấm dứt hoạt động tàn bạo này”.
Giáo sư Macneill hiện là thành viên của Liên minh Quốc tế Chấm dứt Mổ cướp Nội tạng ở Trung Quốc (EOP), một tổ chức gồm các luật sư, các nhà nghiên cứu, các nhà đạo đức học, các chuyên gia y tế, các nhà nghiên cứu và các nhà vận động nhân quyền.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có một số động thái cho thấy dường như ông muốn từ bỏ di họa đàn áp mà cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân để lại. Ông Tập đang lần lượt loại bỏ các thành viên của phe chính trị đối lập do ông Giang đứng đầu, rất nhiều trong số đó từng được ông ta phong chức nhờ tham gia tích cực chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công.
Theo Daikynguyenvn