Giang Trạch Dân biến mất nửa giờ, Tập Cận Bình bố trí kế hoạch đề phòng bất trắc
Vào ngày kỷ niệm 70 năm thành lập chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức tại Bắc Kinh, cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đột nhiên biến mất 30 phút khiến dư luận chú ý. Có nguồn tin cho biết, trước thời điểm duyệt binh, Tập Cận Bình đã lên kế hoạch đề phòng Giang Trạch Dân qua đời.
Ngày 1/10, ĐCSTQ tại cổng Thiên An Môn Bắc Kinh đã tiến hành đại lễ duyệt binh quy mô lớn, các quan chức lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều có mặt. Cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân được hai nhân viên dìu lên cổng thành.
Tờ Apple Daily ở Hồng Kông đã đăng bài viết với tiêu đề “Lão Giang đã đi đâu trong lễ kỷ niệm 70 năm xây dựng chính quyền?”. Bài báo cho biết, 10h sáng 1/10, Giang Trạch Dân được hai nhân viên dìu vào thành, lảo đảo ngồi vào chỗ. Sau đó, lúc 11h05, thời điểm duyệt đội hình xe tăng thì Giang Trạch Dân vốn ngồi bên trái Tập Cận Bình, đã biến mất.
Cũng theo bài báo này, ước chừng sau 30 phút đồng hồ, Giang Trạch Dân mới trở về chỗ, và nói chuyện với Lý Khắc Cường đang ngồi bên trái ông ta. Nguyên nhân Giang Trạch Dân biến mất 30 phút hiện chưa rõ. Có tin chưa xác thực cho biết, ánh sáng mặt trời hôm đó rất gay gắt, Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân đều phải đeo kính râm, cầm quạt.
Trước đó, vào thời điểm chuẩn bị lễ duyệt binh, có tin cho biết Tập Cận Bình nhân dịp Trung Thu đã đến thăm nguyên lão Giang Trạch Dân, mời ông tham dự buổi quan sát đại lễ duyệt binh, nhằm xây dựng hình tượng “đoàn kết” giữa các lãnh đạo.
Tuy nhiên, do tình hình sức khỏe ông Giang không được ổn định, có thể xảy ra bất trắc khó bảo toàn tính mạng, nên Tập Cận Bình đã bố trí một “tử vong dự án” (kế hoạch ứng phó bất trắc xảy đến với Giang Trạch Dân).
Cư dân mạng trước tin tức này đã châm chọc: “Ông Tập lo sợ Giang chết chậm nên cố ý mời lên đài hít thở không khí ô nhiễm, trở về thì bị viêm phổi, nhanh chóng tử vong”.
Giang Trạch Dân năm nay 93 tuổi, được xưng là “đại giáo chủ hủ bại”, người hậu thuẫn cho các quan chức ngã ngựa như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng. Năm 2011, ATV đưa tin về “cái chết” của Giang Trạch Dân, kể từ đó tin tức Giang “chết đi sống lại” không ngừng được đưa ra.
Năm 2015, Giang Trạch Dân cũng xuất hiện trong đại lễ duyệt binh, nhưng không xuất hiện vào 2 năm sau đó. Đến đại hội 19, ông Giang mới xuất hiện trong tình trạng được dìu đi trên sảnh hội nghị, sau đó ngồi mềm dặt dẹo trên ghế, được nhân viên hai bên đỡ cho ngồi ngay lại.
Sau đại hội 19, Giang Trạch Dân lại biến mất, và đôi khi xuất hiện trong danh sách “tặng vòng hoa” khi có lãnh đạo cấp cao qua đời.
Truyền thông Hồng Kông vào tháng 7/2018 đưa tin, trước thời điểm diễn ra hội nghị Bắc Đới Hà, Giang Trạch Dân đột nhiên rơi vào trạng thái chết não. Tuy nhiên, tin tức đó đã không được các quan chức xác nhận.
Một “Hồng nhị đại” không muốn lộ danh tính vào tháng 3/2019 tiết lộ trên tờ Secret China, tình trạng thân thể Giang Trạch Dân đã đang “hấp hối” rồi.
Ngày 29/7, Giang Trạch Dân được dìu đến linh đường đám tang cố Thủ tướng Lý Bằng, ở núi Bát Bảo, Bắc Kinh. Ngoài trừ Giang Trạch Dân, thế hệ lãnh đạo cấp cao thời kỳ trước không ai có mặt. Điều này đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Có người cho rằng, Giang Trạch Dân và Lý Bằng có món nợ máu trong thảm sát Thiên An Môn, Hồ Cẩm Đào không muốn chung chỗ với ông ta, còn Chu Dung Cơ ủng hộ cải cách, lại từng là chủ nhiệm văn phòng của Triệu Tử Dương, Ôn Gia Bảo nên càng không muốn dự tang lễ của “đồ tể Thiên An Môn”.
Giang Trạch Dân 93 tuổi, tại sao việc sống chết của ông ta lại khiến dư luận quan tâm? Có nhà bình luận nói rằng nguyên nhân là do Giang Trạch Dân đang gánh quá nhiều món nợ máu, việc sống chết của ông ta định đoạt sự tồn vong của hệ thống phe cánh đồ sộ trong đó có Tăng Khánh Hồng, Lưu Vân Sơn là hai trợ thủ đắc lực.
Khải Hoàn (Theo NTDTV)