Giang Kim Đạt xài xả láng tiền nhà nước
Trong quá trình bỏ trốn ra nước ngoài, từ Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác, Đạt mạnh tay tiêu xài, mua căn hộ cao cấp 3,6 triệu USD…
Ngày 14-7, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) thông báo kết quả điều tra ban đầu hành vi phạm tội của Giang Kim Đạt và đồng phạm trong vụ án tham nhũng tại Vinashin, tham ô 18,6 triệu USD của nhà nước. “Con cá lớn” trong vụ án Giang Kim Đạt (SN 1977, quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), nguyên quyền Trưởng Phòng Kinh doanh của Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines), là đối tượng chính trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản; chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; che giấu tội phạm” xảy ra tại Vinashinlines. Vụ án khởi phát vào tháng 3-2010, Ủy ban Kiểm tra trung ương có thông báo kết luận Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin – nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy), có dấu hiệu thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội. Tiếp đó, ngày 3-8-2010, Tổng cục An ninh II (nay là Tổng cục An ninh) xác lập chuyên án điều tra những hành vi sai phạm trong quản lý kinh tế của một số cá nhân tại Vinashin. Giang Kim Đạt trốn ở nước ngoài. (Ảnh do cơ quan chức năng cung cấp) Theo cơ quan điều tra, một trong những đối tượng là mắt xích quan trọng của vụ án này là Giang Kim Đạt. Nhưng ngay trước khi Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào ngày 23-8-2010 thì Đạt đã “đánh hơi” được và nhanh chân bỏ trốn ra nước ngoài. Ngày 8-11-2010, Công an Việt Nam gửi thông báo truy nã đến Interpol. Đoán trước sự việc, Đạt đã sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi để che giấu hành vi phạm tội, không để lại bất cứ chứng cứ nào. Trong thời gian dài, vụ việc tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt khi không ít lần tổ chức trinh sát, xác minh không thành. Tài sản khổng lồ từ tham ô Quá trình truy bắt tưởng chừng bế tắc nhưng lại xuất hiện thông tin từ quần chúng về khối lượng tài sản bất minh ước tính hàng trăm tỉ đồng đứng tên người thân gia đình Giang Kim Đạt. Theo xác minh của Cục An ninh kinh tế tổng hợp, gia đình Đạt có tới 40 biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai vị trí “vàng” trên khắp cả nước cùng nhiều ô tô đắt tiền. Khối tài sản lớn đứng tên gia đình Đạt đều hình thành từ sau thời điểm Đạt làm việc tại Vinashinlines, đảm nhận cương vị trưởng phòng kinh doanh. Từ manh mối này, Tổng cục An ninh tiếp tục phát hiện nhiều giao dịch bất minh lên đến hàng chục triệu USD của ông Giang Văn Hiển (bố của Đạt) tại các ngân hàng trong và ngoài nước. Qua đó, làm rõ số tiền trong tài khoản của ông Hiển liên quan đến các hợp đồng mua bán tàu và khai thác tàu cũ của Công ty Vinashinlines. Đến ngày 31-12-2014, Tổng cục An ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản; chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; che giấu tội phạm”. Ngày 14-1-2015, VKSND Tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Giang Kim Đạt về tội “Tham ô tài sản”. Chỉ một ngày sau, 15-1-2015, Cơ quan An ninh điều tra ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt ông Giang Văn Hiển (65 tuổi, trú tại TP HCM) để điều tra về tội “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và “Che giấu tội phạm”; đồng thời phong tỏa tài khoản, kê biên 40 bất động sản mang tên những người thân của Đạt. Hành trình truy bắt gần 2.000 ngày Xác định tầm quan trọng của Giang Kim Đạt trong “đại án” tham nhũng Vinashin, tại nhiều cuộc họp của Ban Chuyên án, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chỉ rõ: Việc mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng còn bỏ trốn trong vụ án Vinashin, trong đó có đối tượng Giang Kim Đạt, là yêu cầu quan trọng. Đầu năm 2015, sau nhiều ngày xác minh, truy xét, cơ quan điều tra đã biết được Đạt đang lẩn trốn ở nước ngoài. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Trần Đại Quang, một cuộc họp khẩn có sự tham gia của Thứ trưởng Tô Lâm được tiến hành ngay trong đêm. Tổ công tác đặc biệt của Tổng cục An ninh do Trung tướng Trình Văn Thống trực tiếp chỉ đạo được giao nhiệm vụ ra nước ngoài phối hợp với cảnh sát nước bạn truy bắt Đạt. Tổ công tác này đã có được sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng bảo vệ pháp luật nước bạn và Interpol. Lần theo dấu vết của Đạt, cơ quan điều tra đã xác định được Đạt đã bỏ trốn sang Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác. Vốn có sẵn tiền trong nhiều tài khoản nước ngoài, khi bỏ trốn, Đạt vung tay tiêu xài như đi du lịch. Sang Singapore không lâu, Đạt đã mạnh tay mua một căn hộ cao cấp với giá 3,6 triệu USD. Thậm chí, trong thời gian này, Đạt có quan hệ tình cảm với một số người… Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế tổng hợp, cho biết trong quá trình này đến tháng 7-2015, các trinh sát phát hiện Giang Kim Đạt xuất cảnh trốn chạy sang nước thứ ba. Tổ công tác đặc biệt đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Đại Quang và Thứ trưởng Tô Lâm bắt giữ Đạt, kết thúc gần 1.850 ngày đêm truy bắt bị can này. Đút túi 18,6 triệu USD như thế nào? Sau khi bị bắt, Giang Kim Đạt đã thừa nhận hành vi phạm tội “Tham ô tài sản”, trước hết là hành vi gửi giá, nâng khống hợp đồng mua tàu và khai thác tàu, chiếm đoạt tiền của nhà nước. Trong thời gian làm việc ở Vinashin (tháng 5-2006 đến tháng 6-2008), Đạt tham mưu cho tổng giám đốc Trần Văn Liêm kinh doanh mua bán tàu, khai thác tàu của công ty. Đạt câu kết với một số đối tượng người nước ngoài gửi giá ăn chia hoa hồng (1% giá trị hợp đồng mua tàu và tiền chênh lệch khi cho thuê tàu từ 1 đến 2 giá). Trong quá trình khai thác 9 tàu, Đạt cũng là người trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng cho thuê tàu. Tổng số tiền Đạt chiếm đoạt được khoảng 18,6 triệu USD. Để nhận số tiền này, Giang Kim Đạt đã bàn bạc với bố là ông Giang Văn Hiển lập tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau, sau đó số tiền chênh lệch được đối tác nước ngoài chuyển thẳng vào các tài khoản của ông Hiển. Khi nhận được tiền, Đạt báo ông Hiển đi rút tiền và chuyển sang sổ tiết kiệm đứng tên người thân. Trong tổng số 18,6 triệu USD chiếm hưởng bất chính, ông Hiển đã đưa cho Đạt chi tiêu cá nhân, số tiền còn lại được sử dụng mua bất động sản và 5-6 ô tô đứng tên người thân. NGUYỄN QUYẾT |
Theo NLĐ