Giám đốc kinh doanh vùng: Cuối cùng tôi đã ngộ được đạo quản trị
Cuộc đời danh lợi phù hoa, người ta không dễ gì giữ được tính bản thiện. Tuy nhiên có những người may mắn hơn, tìm được con đường đi đúng đắn cho mình giữa “xã hội hiện thực” này. Đó phải chăng là cái đạo mà người xưa thường nhắc đến?
Rốt cuộc, tiền tài chỉ là vật ngoài thân, danh tiếng cũng chỉ như hoa kia sớm nở tối tàn, tiếc thay, bao người vẫn cứ theo đuổi, vẫn cứ đánh đổi tất cả để có được. Chỉ những ai đã trải nghiệm được sự vô thường của cuộc đời, có được cái “ngộ” sâu sắc hơn về nhân sinh, mới có thể nhìn thấu được bản chất của “danh lợi”, mới có thể lĩnh ngộ được cái “đạo” của cuộc đời.
Câu chuyện về một doanh nhân may mắn tìm được “đại đạo” cuộc đời, đã giúp bản thân anh không bị mê lạc trong vòng xoáy kim tiền mà đánh mất mình, chính là một gợi ý rất hữu ích cho những ai muốn trở về với con đường thiện lương chân chính.
_*****_
Tuổi trẻ nhiệt huyết, lại gặp nhiều thị phi
Tôi tên Nguyễn Nghi Quân, quê ở Đồng Tháp, từng học đại học chuyên ngành kỹ sư chăn nuôi, ra trường năm 2007. Nhà cũng khó khăn, tôi nhớ lúc học đại học phải đi làm thêm chứ không có điều kiện như người ta. Công việc chính thức sau khi ra trường là nhân viên bán hàng ở một công ty thức ăn gia súc của Thái Lan.
Khi đó, tôi là một cậu thanh niên có đạo đức, sống có qui tắc và nghiêm khắc bản thân theo “Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín”, luôn chịu khó học hỏi và cầu tiến. Tôi để tâm lắng nghe, người ta chỉ nói vài câu là tôi hiểu được ý họ, đoán trúng nhu cầu khách hàng, thường hoàn thành rất tốt công việc được giao, nên chỉ hơn 2 năm, tôi được lên làm quản lý.
Làm quản lý bán hàng thu nhập tốt, mà tôi vẫn còn trẻ tuổi, nên tôi bắt đầu trượt dốc về đạo đức. Tôi bắt đầu nhậu nhẹt với khách hàng, với đồng nghiệp. Nhậu xong ở quán, mọi người kéo nhau đi tăng 2, tăng 3, những chỗ đèn xanh đèn đỏ.
Lúc mới ra trường tôi nhút nhát, hiền khô, chứ đâu như vậy. Nhưng riết thành quen, hai ba năm qua đi, đến một lúc nào đó tôi xem những việc này hết sức bình thường. “Người đàn ông nào chẳng vậy”, đó là câu nói tôi thường dùng để biện hộ cho hành vi không tốt của mình.
Sự nghiệp tưởng chừng rất tốt, nhưng sau đó lại liên tục gặp khó khăn. Tôi chuyển hết công ty này đến công ty khác, dù đi làm ở đâu đều cố gắng hết sức, chuyện tiền bạc cũng rất minh bạch, nhưng có chỗ sau khi tôi nghỉ liền phao tin đồn rằng tôi chiếm dụng tiền của công ty, họ không muốn những công ty trong ngành mướn tôi. Họ vu oan đổ tội, tung tin sai sự thật ra thị trường để tôi không có việc trước khi họ nắm được thị trường khách hàng tôi đang quản lý.
Tôi hoang mang không biết phải làm sao, cảm giác lúc đó như trời sụp xuống. Tôi tự hỏi mình luôn nỗ lực làm việc, không gian dối, mà sao sự nghiệp lận đận như vậy. Người ta nói “quá tam ba bận”, tôi đã làm lại từ đầu với 3 công ty.
Cơ may gặp được Đại Pháp, hiểu được đạo làm người
3 năm trước, trong giai đoạn chờ có việc làm mới, tôi về quê miền Tây vài hôm, mong sao gần gũi gia đình và không gian thoáng đãng ở quê có thể làm tôi bớt cảm giác buồn phiền. Một buổi tối ở quê, đến rất khuya tôi vẫn chưa ngủ, nằm lăn qua lăn lại trên giường. Rồi tôi cũng không muốn ngủ nữa, trong giây lát bật dậy, lôi máy vi tính ra lướt mạng.
Tôi mở trang web quen thuộc tientri.net ra xem. Đây là trang web tôi rất thích, trang này đăng những bài về luân thường đạo lý, những bài học hướng thiện, khoa học đời sống, khoa học vũ trụ rất hay. Trên trang này có mục “một quyển sách vô giá”, để hình một quyển sách đang mở đặt trên một bông hoa sen lớn. Tôi đọc trang tin này mấy năm trời, thấy hình quyển sách này thường xuyên nhưng chưa bao giờ nhấp vào xem. Có lẽ đêm đó lại muốn xem thử sách này viết gì nên tôi đã vào coi thử.
Cuốn sách đó tên là “Chuyển Pháp Luân”, và quả đúng với cái danh hiệu “thiên cổ kỳ thư”, xưa nay tôi chừng từng thấy cuốn sách nào hay đến thế. Trong sách có giải thích về các nguyên lý vận hành của vũ trụ cũng như các nguyên tắc làm người, còn đề cập đến một số điều huyền diệu và bản chất của nó. Sau đó tôi học tiếp 5 bài công pháp đi kèm với sách. Mỗi ngày tôi học 1 bài, 5 ngày học hết 5 bài. Tập thành thạo rồi thì lúc ấy da dẻ của tôi trở nên mịn màng, thân thể thoải mái, đầu óc thư thái. Thời điểm đó là tháng 11/2015.
Có thể người ta không tin về không gian khác, về quỷ thần, nhưng tôi tin, bởi ngay từ nhỏ tôi đã gặp rất nhiều chuyện rất kỳ lạ và huyền diệu. Tôi hay ngồi suy nghĩ, con người được sinh ra, đi kiếm tiền để sinh sống, rồi chết, một chuỗi vô nghĩa như vậy sao? Không thể như thế được, con người đến thế giới này phải có gì đó ý nghĩa hơn chứ?
Và chính quyển sách Chuyển Pháp Luân đã giải đáp cho tôi những câu hỏi tâm linh và cuộc đời. Từ khi tôi đọc sách, tôi biết mình cần sống như thế nào, quyển sách dạy tôi tu tâm giữa đời sống con người, bởi thế, tôi quyết tu tâm.
Trong công việc, tôi là người khá rõ ràng, có phần cứng nhắc, độc đoán. Nhân viên có làm sai, tôi sẽ “chỉnh đốn” liền, mục đích là để cho nhân viên không dám làm sai nữa. Tôi được anh em trong công ty gọi với cái tên rất không thiện cảm: “Quân cọp”. Phòng họp là địa bàn tôi tung hoành, từ đầu buổi đến cuối buổi họp tôi lên gân một mạch, nhân viên chỉ việc nghe và ghi chép.
Sau khi học Pháp Luân Công, tôi có cái nhìn khác về nhân viên. Cách quản lý con người cũng khác đi. Tôi vui vẻ, cởi mở, biết lắng nghe… trở thành một quản lý tâm lý và hiền hòa. Nhân viên có gì sai, tôi sẽ không nói đến ngay, mà đợi khi nào có dịp, tôi sẽ trao đổi riêng, phân tích lý lẽ, thiệt hơn.
Có nhiều khi nhân viên không thực hiện đúng với chỉ thị của tôi. Trước kia là tôi bực lắm, phải quát cho một trận. Nhưng bây giờ tôi nhẫn nhiều hơn, bởi lẽ tu luyện Pháp Luân Công yêu cầu thực hiện “Chân – Thiện – Nhẫn”, giữ được chữ Nhẫn ấy là ta có rất nhiều. Bởi vậy tôi liền làm việc nhiều hơn với nhân viên, tìm hiểu khó khăn của họ, dùng trí tuệ của mình để cùng nhau tìm ra giải pháp chứ không gây áp lực. Tôi cố gắng nhẫn nại giải thích một cách dễ hiểu, súc tích các vấn đề để nhân viên dễ ghi nhớ và thực hiện, thay vì chỉ giao việc, tạo áp lực và hò hét như trước kia.
Chân – Thiện – Nhẫn là 3 chữ vô giá
Làm việc với khách hàng cũng đòi hỏi tôi phải nhẫn rất nhiều. Tôi sẽ trực tiếp gặp mặt những khách hàng có khúc mắc với công ty khi có cơ hội và cho họ hiểu được tôi đối xử với khách hàng công bằng, minh bạch. Bây giờ, giúp đỡ và tìm giải pháp cho khách hàng trở thành một phần niềm vui của tôi, tôi không còn coi đó là khó khăn mà bực bội nữa. Tôi cũng thảo luận về đạo lý “được – mất”, chia sẻ những quan điểm nhân sinh với những khách hàng thua lỗ, mắc nợ, khiến họ cũng được an ủi trong tâm. Bây giờ, tôi hiểu được cụm từ “chia sẻ khó khăn với khách hàng” không chỉ là câu nói suông, mà phải được thực hiện nhân văn và có tình người.
Có những khách hàng, đại lý gặp khó khăn về gia đình, con cái, tôi chân thành chia sẻ với họ về nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” mà tôi đã học được từ Pháp Luân Công, trắc trở thế nào cũng phải giữ đạo lý và thiện lương. Nếu ta hành xử theo 3 chữ Chân-Thiện-Nhẫn, ta sẽ được một cái “quả” thiện lành và may mắn. Có khách hàng nói với tôi rằng, họ cũng không làm quá với những khách thiếu nợ không trả vì họ đã hiểu về quy luật nhân quả tất báo.
Có chị khách hàng khác hay bức xúc, chửi sảng, làm những điều không tôn trọng tôi. Sau đó tôi với tâm bình khí hòa đã trao đổi với chị tìm hiểu lý do, phát hiện chị bị hở van tim 3 lá, cộng với mất ngủ nhiều năm, đó là nguyên nhân cho tất cả những căng thẳng giữa chị với tôi, với công ty. Vậy là tôi lại nhiệt tình chỉ cho chị tập Pháp Luân Công. Chị ấy tập, đi khám bệnh lại và bệnh án khác với trước nhiều lắm. Sau khi tập Pháp Luân Công, chị rất khỏe, qua đó chị hiểu được rằng tôi không ăn nói ba hoa, và môn tập là rất tốt và có công dụng cải thiện sức khỏe thật sự.
Tự tôi cũng bỏ đi những buổi nhậu. Ban đầu, có nhiều người chọc tôi, họ nói: “Làm quản lý mà không biết uống bia thì sao quản lý được nhân viên!”, “Đàn ông là phải biết bia rượu, nếu không thì làm sao làm ăn được”. Nhiều câu khó nghe hơn cũng có, nhưng tôi với một suy nghĩ: “Mình đang làm điều tốt, ai nói gì mặc kệ”, kiên quyết cầm ly nước ngọt thay bia.
Có nhiều người thật sự không vui trước thái độ cương quyết của tôi. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, không chỉ học viên Pháp Luân Công, mà cũng có những người quản lý trong xã hội kiên định nói không với bia rượu. Dần dần ít ai đến ép tôi uống bia, tôi cũng tự hào là mình đã cai bia rượu gần 2 năm nay.
Từ ngày đọc sách Chuyển Pháp Luân, tôi ngộ ra được nhiều đạo lý trong cuộc sống và chia sẻ với những người xung quanh. Tôi nghĩ xã hội thời ông bà mình không cần nói đạo lý nhiều đâu, vì lúc đó ai ai cũng thấm nhuần các đạo lý đối nhân xử thế từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Còn xã hội bây giờ loạn quá, nên vì thế khi tôi nói về đạo lý, truyền thống, về Chân-Thiện-Nhẫn với người ta, nhiều người tỏ ra rất xúc động. Tôi cũng hơi ngạc nhiên khi áp dụng thành công những đạo lý, truyền thống ấy với xã hội hiện đại. Nếu một người cẩn thận quan sát và chiêm nghiệm về cuộc sống thì chắc chắn người đó sẽ hiểu được Chân-Thiện-Nhẫn là 3 chữ vô giá.
Giờ đây, tôi cũng không còn tăng 2 tăng 3 như ngày xưa, tôi cũng khuyên đồng nghiệp hạn chế bớt những thói quen không tốt này. Tôi cảm thấy những nhân viên làm với tôi, về nhận thức, đạo đức nghề nghiệp đều khá lên, họ biết về “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, làm việc tốt nhận kết quả tốt, làm việc xấu nhận kết quả xấu.
Những người làm nghề sale thường là những người rất tinh anh, được tuyển chọn và đào tạo tốt, là bộ phận những người có năng lực trong xã hội. “Cái khôn” của họ trong điều kiện xã hội đạo đức cao thượng sẽ giúp họ làm nhiều điều tốt, đóng góp cho xã hội, gia đình nhiều hơn nữa; mà “khôn” trong điều kiện xấu, họ cũng “góp sóng thành bão” ghê gớm hơn.
Những người làm sale hầu hết cũng là từ đại học ra trường, lanh lợi, giao tiếp tốt, đầu óc khôn ngoan, nhanh nhạy. Và nghề sale cũng cho họ nhiều mối quan hệ và cơ hội làm điều xấu nhiều hơn. Hơn 10 năm lăn lộn trong nghề, điều tôi chia sẻ cho anh em không chỉ là kỹ năng chuyên môn, mà tôi còn muốn nhắn nhủ về đạo đức để cho họ có một sự đốc thúc về thiện lương, về đạo làm người.
Thiện tâm hóa giải những mâu thuẫn trong gia đình
Trong xã hội, có một số người khi thấy phát sinh sự việc gì thì họ luôn nghĩ đến phía tiêu cực trước. Chẳng hạn có người ăn xin ghé qua nhà mình vì lỡ đường, người ta nghĩ ngay là người đó giả tạo, mưu đồ cướp giật tiền của; khi thấy một người nào đó làm từ thiện, thì người ta nghĩ đó là giả danh làm việc mờ ám; thấy có người đi truyền đạo, thì người ta nói người đó làm chính trị.
Đối với Pháp Luân Công cũng vậy, có người nói với vợ tôi, rằng gia đình tôi có điều kiện, theo môn này không khéo vài bữa nữa làm chính trị. Còn có người nói với vợ tôi đây là tà đạo, vài bữa nữa chồng cô sẽ bỏ cô đó. Thế là vợ tôi “nói chuyện” với tôi rất căng thẳng, còn kéo cả ba mẹ vợ vào nữa. Sự lo lắng của cô ấy lan tỏa sang mẹ ruột của tôi, rồi anh em họ hàng bên nội, bên ngoại.
Có một hôm, gia đình, bà con của tôi dưới miền Tây đã thuê một chiếc xe 16 chỗ chạy đến nhà tôi. Mọi người bảo tôi ngồi giữa phòng khách, rồi họ ngồi xung quanh tôi. Ai nấy ra sức thuyết phục tôi bỏ tập Pháp Luân Công, nào là liên quan đến chính trị, bỏ vợ bỏ con, theo tà đạo, bỏ bê công việc… Tất cả tôi đều nghe hết, cũng không nói gì, chỉ mỉm cười. Lúc đó tôi mới học được khoảng 3, 4 tháng, nhưng trong tôi có một niềm tin về môn tu luyện này. Tôi vẫn giữ thái độ im lặng, không nói gì. Những người thân của tôi ăn cơm xong rồi lên xe về miền Tây, còn vợ và ba mẹ vợ ở gần đó tiếp tục căng thẳng với tôi một thời gian.
Lại có người không hiểu gì về Pháp Luân Công mà cứ hay gọi điện thoại cho vợ tôi, nói tôi rồi sẽ làm những điều sai quấy do theo môn này. Những cuộc điện thoại kiểu này khiến vợ tôi stress kinh khủng và mất niềm tin ở tôi. Vợ gây áp lực, đòi ly hôn. Tôi không nói lại, chỉ mỉm cười.
Bây giờ ngẫm nghĩ lại, đó cũng là quy luật nhân quả đang ứng lên người tôi. Lúc trước tôi thật tệ, có lúc tôi đi công tác, một tuần mới về nhà một lần. Khi ở nhà cũng chẳng khá hơn, tôi đi làm lúc con chưa thức giấc, lúc về nhà thì con đã ngủ rồi, nhiều khi tôi đi nhậu say sưa rồi về nhà lăn ra ngủ, vợ có nói gì thì tôi quát lại và chẳng bao giờ chịu nghe. Có lẽ hiện tại chính là cái “nghiệp” do tính gia trưởng lúc xưa của tôi gây ra.
Điều làm vợ tôi tức điên lên là việc tôi đột nhiên “nhu mì”, vợ quát, vợ la, vợ nói nặng nói nhẹ tôi chỉ mỉm cười thôi. Cô ấy nói rằng cô ấy sẽ thấy dễ chịu hơn nếu như tôi vẫn hống hách, chống đối như ngày xưa, còn bây giờ tôi “giả tạo như một ngụy quân tử”.
Làm sao để cho cô ấy hiểu đây, rằng bây giờ tôi không giống như ngày xưa, tôi chán việc la hét vào mặt người khác, nói những câu làm cho người khác tổn thương. Tôi nói rằng: “Anh chỉ đang học làm người tốt, làm những điều đúng đắn và tập các bài công pháp cho khỏe người, như thế có gì sai?” Cãi nhau thì phải có 2 người. Khi vợ gây căng thẳng mà tôi không đáp trả hoặc tỏ ra vui vẻ thì dần dần vợ cũng chán không muốn cãi nhau với tôi nữa.
Tôi học môn này và trở thành ông chồng gương mẫu, về nhà sớm, thấy chén bát trong bếp chưa rửa thì xắn tay áo vô làm. Tôi học được cách chơi với con, nhẹ nhàng kể chuyện ngụ ngôn, chuyện về đạo đức làm người cho con nghe.
Con gái nhà tôi có tật hay nói dối. Mỗi lần con nói dối tôi không la mắng, mà đợi có dịp lại nói cho con biết, rằng nói dối có 3 hậu quả không tốt: Thứ nhất, là làm mất lòng tin ở người người bị con nói dối; thứ hai, là sẽ nhận ác báo, đó chính là nghèo khổ, bệnh tật; thứ ba, khi công ty mà phát hiện con nói dối thì sẽ không thuê con nữa, lúc đó chắc là con sẽ phải đi bán vé số đó! Tôi thấy con bé rất hiểu chuyện, nghe tôi nói như vậy bé đã bỏ được tật xấu này.
Tôi cứ tin tưởng và thực hành nguyên lý tốt đẹp “Chân-Thiện-Nhẫn”, đến một ngày, vợ nói với tôi: “Em thấy nhà mình thân thiện hơn, ở trong nhà thấy thoải mái”. Đó cũng là lúc cô ấy không muốn nghe những lời không tốt về môn Pháp Luân Công này nữa. Mẹ tôi thấy con mình thay tâm đổi tính, nên cũng hay lên chơi với hai vợ chồng. Mẹ chồng nàng dâu gặp nhau, ngồi tâm sự. Mẹ tôi sinh ra tôi, nuôi tôi từ nhỏ, tính khí tôi ra sao mẹ biết hết. Khi vợ tôi kể ra những thay đổi ở tôi, mẹ mừng và rưng rưng nước mắt. Mẹ tôi nói hồi xưa mẹ tôi lên nhà hai vợ chồng chơi thấy ngại lắm, bây giờ mẹ ngủ ngon hơn và vui hơn.
Cố gắng hết sức mình một cách vô tư nhất, thành công sẽ tự đến.
Trí tuệ cao nhất là ở chỗ tâm thanh tĩnh. Khi tĩnh lại, ta có thể thấy những thiếu sót, được mất của sự việc. Tôi ngộ ra điều này và ứng dụng vào quản trị cũng như trong đời sống. Tôi trở thành người lý trí, uyển chuyển và biết nghĩ cho người khác. Thay vì dành thời gian cho việc tranh đấu hơn thua, tôi tập trung vào những việc mình cần làm. Kết quả công việc không khác so với trước đây, có khi còn cao hơn, nhưng tôi đã tiết kiệm rất nhiều năng lượng và trí lực. Tâm hồn tôi thanh thản, đầu óc tôi rảnh rang.
Tôi để ý thấy ngày nay người ta lo làm quần quật để kiếm tiền, rồi lại dùng số tiền đó để đi du lịch, để có hạnh phúc vui vẻ. Còn tôi thì may mắn hơn nhiều, bởi tôi vui vẻ, hạnh phúc cả ngày, và làm việc trong trạng thái hiệu suất cao, ứng với câu “hạnh phúc là ở con đường” mà ai đó từng nói.
Nhiều năm lăn lộn trong nghề sale, cái nghề mà nhiều người thường sử dụng đấu đá, tranh giành, chiêu trò, thủ thuật, bây giờ tôi mới nhận ra chỉ có cố gắng hết sức mình một cách vô tư nhất, thành công sẽ tự đến. Đối với tôi, đó không phải là câu nói suông, vì bản thân tôi đã trải nghiệm điều đó.
Nhiều người mong cho hoàn cảnh bên ngoài có những tác động tích cực để người đó được dễ chịu, chẳng hạn như lời khen, tiền bạc, xa xỉ phẩm, các chuyến du lịch, hay thậm chí là các loại thuốc kích thích lên thần kinh… Tuy nhiên, những thứ vật chất ấy chỉ gây nên một tác động thoải mái ngắn hạn. Điều tôi hướng đến bây giờ là một trạng thái an nhiên tự tại xuất phát từ bên trong tâm hồn mình.
Tôi nhận ra rằng, tâm trạng của người ta có thư giãn hay không chủ yếu là do nhận thức, cách hưởng thụ và cảm nhận cuộc sống của người đó.
Đồng tiền cũng không ràng buộc tôi như trước kia, mặc dù tôi cũng đang là một người quản lý bậc trung trong xã hội, cũng đang làm ra một ít tiền.
Tôi cẩn thận quan sát và thấy rằng, bây giờ con người đang chịu tác động mạnh mẽ của tiền bạc. Trước kia người ta quyết định một việc gì, hầu như đều có thể dựa vào 3 khía cạnh: đạo đức – luân lý, pháp luật, và nguyện vọng của bản thân. Còn bây giờ các quyết định được đưa ra dựa trên đồng tiền.
Nhiều nghệ sĩ biểu diễn hoặc sáng tác đi theo các ca khúc thị trường hợp thị hiếu, mục đích chính là để kiếm tiền. Nhiều giáo viên theo nghề không xuất phát từ cái tâm yêu trò. Người làm kinh doanh thì cũng có thể bất chấp pháp luật làm những việc phạm pháp. Người có lý tưởng dần ít đi, xã hội ai cũng đi kiếm tiền, thành ra ai cũng phải bon chen.
Tiền bạc, vật chất cũng là thứ để giúp người ta có thể sống được tốt, tuy nhiên, làm người thì còn có tâm hồn, tình cảm, và những phương diện khác. Khi ta xem trọng đạo đức, truyền thống, xem trọng những giá trị Chân-Thiện-Nhẫn thì cuộc sống sẽ cân bằng, hài hòa hơn, lòng người cũng thanh thản và tự tại.
Nguyễn Nghi Quân
Facebook: Quân Nguyên