Giai thoại truyền kỳ về Tôn Trung Sơn và Hư Vân hòa thượng
Tôn Trung Sơn và Hư Vân hòa thượng với đạo hạnh cao thâm đã có cuộc gặp gỡ đàm luận thú vị. Đặc biệt, với sự thành kính đối với Thần Phật, cả Hư Vân hòa thượng và Tôn Trung Sơn đều đã có những trải nghiệm kỳ diệu về sinh mệnh và vũ trụ.
Tôn Trung Sơn chủ trương tự do tín ngưỡng tôn giáo, tự do cư trú, ngôn luận và tài sản. Bốn quyền tự do này đã dần biến mất sau khi ông từ chức. Vào thời điểm đó, có một vị cao tăng có pháp hiệu là Hư Vân từng tiên đoán rằng, các phiến quân phiệt thuộc các tỉnh sẽ lật đổ sự bảo hộ tự do mà Tôn Trung Sơn đã tạo ra, và khiến cho an ninh trật tự của Trung Quốc rơi vào hỗn loạn.
Quả nhiên, sau khi Tôn Trung Sơn từ chức tổng thống lâm thời, thì các phiến quân phiệt đã ngang nhiên hoành hành, không tuân theo trật tự kỷ cương nào cả.
Hư Vân hòa thượng khuyên răn thống soái đại quân
Lúc bấy giờ, cùng với tư tưởng chạy theo trào lưu Tây hóa toàn diện, trong xã hội dấy lên phong trào đập đổ đền thờ và chùa chiền, các ngôi chùa tại vùng núi Kê Túc ở Đại Lý, tỉnh Vân Nam cũng bị phá hủy. Vào thời điểm đó, Lý Căn Nguyên nắm quyền cả đại đội quân tỉnh Vân Nam, ông ta ghét các tu sĩ không tuân theo các quy tắc giới luật, thế là đích thân ông đã dẫn quân đội lên núi, sử dụng vũ lực để càn quét các nhà sư, phá hủy các ngôi chùa, thậm chí là bắn chết các tu sĩ. Đồng thời còn tuyên bố sẽ bắt giữ hòa thượng Hư Vân.
Hòa thượng Hư Vân là trụ trì của chùa Chúc Thánh do hoàng đế Quang Tự ngự phong, ông luôn tuân thủ giới luật, nghiêm khắc với chính mình, bởi ông có những hành động cao cả nên thường có những giai thoại nhiệm màu. Vào những ngày hè nóng bức của tháng Tám, ông đã cầu nguyện trời cao đổ một trận tuyết lớn xuống cho con dân nhà Thanh đang mắc bệnh dịch, việc làm này cảm động đến nỗi Từ Hy Thái hậu phải quỳ lạy ông trong mưa tuyết.
Lý Căn Nguyên dẫn binh mã đến chùa Tất Đàn. Chỉ trong vài ngày, quân đội đã phá hủy điện thờ Phật, điện tế Trời và tượng Kê Túc Đại vương bằng đồng đặt ở Kim Đỉnh Phong. Hòa thượng Hư Vân thấy tình trạng quá cấp thiết, nên đã một mình đi đến doanh trại của Lý Căn Nguyên. Khi lính canh nhìn thấy hòa thượng Hư Vân, họ đã cố gắng hết sức để khuyên ngăn không cho ông vào, và bảo ông mau trốn đi, nhưng hòa thượng Hư Vân đã bất chấp mà đi thẳng vào doanh trại.
Khi đó Lý Căn Nguyên đang ngồi trong một hội trường với cựu đại sứ chính trị Tứ Xuyên tên là Triệu Phan. Triệu Phan biết rõ hòa thượng Hư Vân có đạo hạnh cao thâm, nên cư xử hết mực kính trọng, còn Lý Căn Nguyên thì lớn giọng với Hư Vân, ông ta hét nói: “Tu Phật thì có gì tốt chứ?”.
Hư Vân hòa thượng lịch sự nói: “Các bậc thánh nhân thời xưa đã dạy rằng, luôn vì lợi ích của thế gian và bá tánh, khuyên dạy người đời hướng đến cái thiện và từ bỏ cái ác! Từ xưa đến nay, lấy văn chính mà trị vì đất nước, lấy Phật Pháp mà giáo hóa dân chúng. Phật Pháp trước hết là dạy con người tu tâm, tâm là nền tảng của tất cả mọi thứ, tất cả thiện ác đều từ tâm mà ra. Tâm chính thì mọi thứ đều sẽ bình an, thiên hạ sẽ được thái bình”.
Lý Căn Nguyên nghe xong những lời này thì không còn giận dữ nữa, lại hỏi tiếp: “Những bức điêu khắc bằng gỗ và đất sét này dùng để làm gì? Chẳng phải quá lãng phí tiền bạc sao?”. Hư Vân hòa thượng nói: “Những bức điêu khắc này thể hiện cho lòng từ bi trang nghiêm của Thần Phật, những bức tượng làm cho dân chúng tất cả đều phải tỏ lòng kính sợ. Nếu như con người không có kính sợ, thì sẽ không từ một việc ác nào, như thế sẽ gây ra hỗn loạn lớn. Bất kể là tượng điêu khắc bằng gỗ, đất sét của Trung Quốc hay tượng đồng của các quốc gia nước ngoài, thì đều có mục đích là để làm cho con người nhìn thấy mà nảy sinh thiện niệm, tâm hướng về lương thiện”.
Cơ mặt Lý Căn Nguyên như được giãn ra, ông ta ra lệnh cho cấp dưới mang lên một bữa tiệc trà để tiếp đãi Hư Vân hòa thượng. Sau đó tiếp tục nói rằng, ông đã gặp nhiều nhà sư, nhưng họ không làm việc tốt, mà lại làm rất nhiều chuyện kỳ lạ và trở thành những phế nhân của đất nước.
Hư Vân hòa thượng nói: “Hòa thượng chỉ là một danh xưng chung, nhưng có sự khác biệt giữa bậc Thánh và kẻ phàm. Không thể vì gặp phải một hoặc hai tăng nhân không tốt, thì liền trục xuất tất cả các tu sĩ; cũng không thể vì trông thấy một hoặc hai tú tài vô đạo đức, mà chửi rủa Khổng Tử. Ngày hôm nay, ngài cai quản quân lính kỷ luật nghiêm minh, nhưng làm sao mà tất cả mọi người đều có thể thông minh chính trực như Đại soái được chứ?
Biển cả không chê bai cá nhỏ hay tôm nhỏ, cho nên mới bao la mênh mông. Tư chất của những tu sĩ là khác nhau, nhưng nếu họ kiên trì tu hành, tư tưởng từ từ thay đổi, một thời gian trôi qua, chắc chắn sẽ loại bỏ được những gốc rễ xấu, và không phải tất cả họ đều là phế nhân”.
Lý Căn Nguyên nghe thấy điều này, liền thể hiện ra nét mặt vui vẻ, mời Hư Vân hòa thượng tiếp tục nói. Trong thời gian đó, Lý đã nhiều lần gật đầu kính cẩn và mỉm cười. Đêm đó, Lý Căn Nguyên chân thành níu giữ Hư Vân hòa thượng lại nghỉ ngơi, và cùng ông nói chuyện thâu đêm. Sau khi kết thúc cuộc nói chuyện, Lý Căn Nguyên hối hận thở dài: “Thì ra Phật Pháp quảng đại như vậy, mà ta đã giết hại các nhà sư và phá hủy chùa chiền, tội nghiệp thật quá nặng, phải làm sao bây giờ?”
Hư Vân hòa thượng an ủi rằng: “Đây là do xu thế xã hội nhất thời dẫn đến, chứ không phải hoàn toàn là tội lỗi của Đại soái. Nếu như từ nay về sau Đại soái có thể bảo vệ các nhà sư và chùa chiền, đó cũng sẽ là công đức lớn”. Lý Căn Nguyên biết được mong muốn chuộc lỗi của mình có thể được thực hiện, nên cảm thấy nhẹ lòng.
Sáng ngày hôm sau, Lý Căn Nguyên theo chân Hư Vân hòa thượng đến chùa Chúc Thánh. Dọc đường đi, ông đã nhìn thấy ánh sáng vàng ở núi Kê Túc chiếu sáng từ đỉnh núi đến chân núi, tất cả cây cỏ đều mang một màu vàng. Tương truyền rằng, núi Kê Túc có ba loại ánh sáng, bao gồm Phật quang, ngân quang và kim quang.
Phật quang (ánh sáng Phật) mỗi năm đều có, còn ngân quang (ánh sáng bạc) và kim quang (ánh sáng vàng) thì người ta chỉ thấy được vài lần kể từ núi được mở đến nay. Lý Căn Nguyên lúc ấy đã vô cùng xúc động, ngay sau đó liền hành lễ cầu được làm đệ tử của Hư Vân hòa thượng, mời ông làm tổng trụ trì cho các ngôi chùa lớn nhỏ ở núi Kê Túc.
Cuộc trò chuyện giữa Tôn Trung Sơn và Hư Vân hòa thượng
Lý Căn Nguyên ngừng việc phá hủy chùa chiền, mà quay sang tu sửa các tu viện nhà Phật, và thường xuyên bố thí thuốc men cho người dân. Sau đó, hòa thượng Hư Vân lên đường đi đến Thượng Hải. Do điều lệ mới của Hiệp hội Phật giáo Thượng Hải lập ra có mâu thuẫn với tất cả các bên. Lần này Hư Vân hòa thượng đến đó để thực hiện hòa giải với nhân dân, và gặp Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh.
Trong cuộc trò chuyện với hòa thượng Hư Vân, Tôn Trung Sơn nói rằng ông chủ trương học tập theo chế độ dân chủ và nền khoa học tiên tiến của nước ngoài để cứu đất nước Trung Quốc, ông cũng chủ trương việc bảo tồn văn hóa truyền thống Trung Quốc, để thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức mới và tư tưởng văn hóa truyền thống của dân tộc Trung Hoa.
Ông cũng tin rằng một số điều “mê tín dị đoan” truyền thống nên được loại bỏ, chẳng hạn như trị bệnh bằng bùa chú, việc cúng bái xa xỉ, đốt nhang hoặc thu tiền tế thần cúng ngày Phật đản,… những hủ tục này đều cần phải cải cách. Hư Vân hòa thượng nói rằng, người đời mê tín làm loạn tín ngưỡng Phật giáo chân chính, mới khiến cho mọi người hiểu lầm bản chất của Phật giáo.
Tôn Trung Sơn trong cuộc trò chuyện đã đưa ra những nhận định của mình, ông tin rằng Chúa Kitô chủ trương về tình bác ái và sự cho đi, còn Phật Đà thì chủ trương về từ bi và xả thí; các Kitô hữu muốn yêu kẻ thù, còn các tín đồ nhà Phật thì xem kẻ thù và người thân là bình đẳng như nhau; Chúa Kitô nói rằng thiên đàng nằm ngay trong trái tim, còn Phật Đà nói rằng pháp là do tâm sinh; Có lẽ Kitô giáo và Phật giáo có cùng nguồn gốc chăng, do đó chống lại các cuộc tấn công giữa các tôn giáo khác nhau, và thậm chí là vì chuyện này mà phát động chiến tranh.
Hư Vân hòa thượng cảm phục Tôn Trung Sơn có một thái độ cởi mở đối với tôn giáo. Ông nói rằng Giáo hội Cơ đốc phương Tây có một quyển sách bị cấm, đó là quyển “Phúc âm Aquarian” được viết bởi đệ tử của Chúa Giêsu là thánh Peter, cuốn sách kể rằng sau 18 tuổi, Chúa Giêsu từng nghiên cứu Phật pháp ở Ấn Độ trong hơn 10 năm, và sau đó băng qua Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ trở về Israel truyền giảng giáo pháp. Hòa thượng Hư Vân tin rằng Phật giáo và Kitô giáo có cùng nguồn gốc.
Tất cả những điều mà hòa thượng Hư Vân nói đã khiến Tôn Trung Sơn rất ngạc nhiên, ông nói rằng nếu như quyển “Phúc âm Aquarian” vẫn còn lưu truyền thì ông nhất định sẽ tiến hành nghiên cứu.
Vào năm Dân quốc thứ 2, tức năm 1913, Tôn Trung Sơn đã đề tấm biển ghi “Ẩm Quang nghiễm nhiên” cho nhà sư Hư Vân và chùa Chúc Thánh ở núi Kê Túc. Ẩm Quang là tên của Đại Ca Diếp, một vị đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong tiền kiếp Đại Ca Diếp là một nhà luyện kim, một người thợ nấu chảy vàng và tạo hình cho tượng Phật vàng.
Vì ngài đã thành tâm cung kính Thần Phật, cho nên sau khi ngài được sinh ra, đã có phúc lành rất lớn. Không chỉ xuất thân giàu có, gia đình cao sang sánh ngang với hoàng gia, mà dung mạo của ngài cũng vô cùng xuất chúng. Khi Đại Ca Diếp được sinh ra, từ cơ thể phát ra đủ thứ ánh sáng vàng tím rực rỡ. Bởi vì ánh sáng vàng tím từ người của ngài có thể lấn át tất cả các ánh sáng khác, giống như là uống hết tất cả ánh sáng khác vậy, cho nên ngài được đặt tên là “Ẩm Quang”.
Du ngoạn núi Phổ Đà gặp được chuyện diệu kỳ
Tôn Trung Sơn có một thái độ cởi mở đối với tôn giáo, và bản thân ông cũng đã từng chứng kiến những điều kỳ diệu, rồi đích thân ghi chép lại những câu chuyện đó.
Tấm bia có khắc dòng chữ “Du Phổ Đà chí kỳ” của Tôn Trung Sơn ghi chép rằng, vào ngày 15/8 năm Dân Quốc thứ 5, tức năm 1917, ông và Hồ Hán Dân, Đặng Man Thạc, Châu Bội Châm cùng những người khác đã quan sát cổng quân sự Tượng sơn Châu sơn, và nhân dịp đó cũng tham quan thắng cảnh núi Phổ Đà.
Tôn Trung Sơn lên đài Thiên Đăng trên núi Phật Đỉnh, và với tầm nhìn cao đó, ngẩng lên cúi xuống cảm giác giống như cả bầu vũ trụ nằm trong lòng bàn tay. Nhìn ra xung quanh, Tôn Trung Sơn nhìn thấy một cổng tò vò cao ở phía trước của ngôi chùa, được bao quanh bởi những bông hoa, trông giống như một tấm thổ cẩm, những tấm cờ phướn nhảy múa theo gió, vô cùng tráng lệ.
Ngoài ra còn có hàng chục vị tăng nhân, cứ lặng lẽ quan sát, dường như đang chào đón những vị khách từ xa. Lại trông thấy thêm một bánh xe tròn, lơ lửng và quay tròn trong không trung, không thể đoán được là nó được làm từ vật liệu gì. Tôn Trung Sơn đang thầm suy nghĩ xem bánh xe tròn đó đã dùng loại sức mạnh nào để chuyển động, đột nhiên, khung cảnh trước mắt bỗng biến mất không để lại một dấu vết nào.
Tôn Trung Sơn hỏi những người đi cùng rằng họ có nhìn thấy cảnh tượng kỳ diệu đó không, nhưng tất cả đều trả lời không thấy. Tôn Trung Sơn vô cùng ngạc nhiên vì điều đó, nên đã đích thân ghi lại câu chuyện này.
Thế giới rộng lớn bao la vô hạn, bởi vì nó không chê bỏ bất kì định kiến nào của chúng sinh cả, từ xưa đến nay, những câu chuyện Phật pháp nhiệm màu chưa bao giờ ngừng để lại dấu vết. Tuy nhiên, do cố thủ quan niệm cá nhân của mình, mà con người sẽ bị khuất mắt không nhìn thấy thế giới bao la vô hạn ngoài kia.
Theo Epoch Times