Sau BBC, Forbes lên tiếng về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc
Ngày 16/10 vừa qua, tờ Forbes đã đăng tải một bài báo với tiêu đề “Organ Harvesting In China And The Many Questions To Be Answered” (Thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc và những câu hỏi cần lời giải).
Bài báo đề cập tới và đặt ra câu hỏi về việc cộng đồng quốc tế sẽ ngăn chặn và phản ứng như thế nào trước nạn thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn. Cùng ngày, BBC cũng đăng tải phóng sự độc quyền về nạn thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc. Điều đó cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của quốc tế đối với thực trạng nhân quyền này. Dưới đây xin được gửi tới độc giả toàn văn bài viết trên Forbes.
–***–
Ngày 16/10/2018, Nghị viện Anh đã tổ chức một sự kiện về nạn thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc. Cấy ghép tạng là một biện pháp y học hợp pháp, được kiểm soát rất chặt chẽ. Tổ chức Y tế Thế giới WHO từng công bố Nguyên tắc Hướng dẫn Cấy ghép Tế bào, Mô và Nội tạng Con người. Tiêu chuẩn này đưa ra một tiêu chuẩn chung cho thế giới trong việc cấy ghép tạng. Ví dụ, Quy tắc thứ nhất yêu cầu phải có sự đồng ý của người hiến thì nội tạng mới có thể được lấy để phục vụ cấy ghép. Quy tắc thứ 10 yêu cầu các ca cấy ghép tạng phải có thể thẩm tra nguồn gốc; và Quy tắc thứ 11 yêu cầu việc hiến tạng phải là minh bạch, công khai, dưới sự theo dõi kỹ lưỡng của bất cứ ai. Trong khi đó, đối lập lại, thu hoạch nội tạng là hành vi lấy nội tạng từ cá nhân (dù còn sống hay đã chết) mà không có sự đồng ý của họ, đây là hành vi trái pháp luật.
Hai sự kiện tương tự về nạn thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc đã từng được Nghị viện Anh tổ chức trước đó. Trong sự kiện lần này, một vấn đề được đặt ra là, cáo buộc về việc chính quyền Trung Quốc đang giết tù nhân lương tâm (cụ thể là các nhóm tín ngưỡng, bao gồm Pháp Luân Công, Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và các thành viên Cơ đốc giáo không đăng ký) để lấy nguồn cung cho ngành công nghiệp thu hoạch tạng. Dù các cáo buộc này thoạt nghe có vẻ không thực tế, nạn thu hoạch nội tạng đã được nghiên cứu và điều trần tại Quốc hội Mỹ và Nghị viện chung châu Âu. Hạ viện Mỹ và Nghị viện chung châu Âu đều đã thông qua các nghị quyết lên án việc “thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm mà không có sự cho phép của họ, một cách có hệ thống, được nhà nước hậu thuẫn”.
Cáo buộc thu hoạch tạng tại Trung Quốc dựa trên các các bằng chứng có thật, trong đó có thể kể đến báo cáo “Thu hoạch đẫm máu | Đại thảm sát: Bản cập nhật” (2016) do ông David Kilgour, David Matas và Ethan Gutmann công bố. Báo cáo này đã được trình bày tại phiên điều trần với Ủy ban Đối ngoại, Hạ Viện Anh, vào ngày 23/6/2016, và tại một số phiên điều trần khác.
Báo cáo của Kilgour, Matas và Gutmann đã hé lộ hai vấn đề quan trọng về nạn thu hoạch tạng tại Trung Quốc:
Thứ nhất, quy mô thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc là lớn hơn so với các số liệu được chính quyền công bố và (rất có thể) nó chỉ liên quan tới việc cấy ghép tạng. Báo cáo chỉ ra rằng, trong khi chính quyền Trung Quốc công bố có khoảng 10.000 ca ghép tạng mỗi năm, thì số lượng thực tế có thể lên tới từ 60.000 đến 100.000 ca ghép tạng mỗi năm. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về chống tra tấn, và Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo và tín ngưỡng hiện đã chất vấn về sự chênh lệch lớn trong số liệu cấy ghép. Tuy nhiên, họ chưa đạt được kết quả gì.
Thứ hai, báo cáo chỉ ra rằng,, các tù nhân lương tâm, bao gồm Pháp Luân Công, Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Cơ đốc giáo, đã bị đặc biệt nhắm tới để thu hoạch nội tạng. Trong một buổi điều trần tại Ủy ban Đối ngoại, Hạ Viện Anh, ông Gutmann đã giải thích việc thu hoạch nội tạng để đàn áp nhóm Pháp Luân Công và cung cấp nội tạng cho nhu cầu thị trường như thế nào. Kilgour, Matas và Gutmann cho rằng: “Chỉ có hai nơi mà người ta có thể nhận được tất cả các loại nội tạng từ tù nhân lương tâm: Trung Quốc, và mới đây nhất, là trong vùng lãnh thổ của tổ chức khủng bố Hồi giáo ISIS”.
Trong cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại, Hạ Viện Anh, ông Gutmann cho biết:
“Năm 1999, cơ quan an ninh Trung Quốc đã bắt đầu cuộc đàn áp để hủy diệt Pháp Luân Công. Cho tới năm 2001, hơn 1 triệu người tập Pháp Luân Công đã bị đưa vào hệ thống trại Lao động cải tạo, và bị xét nghiệm nội tạng, trong khi đó các bệnh viện quân đội Trung Quốc và bệnh viện thông thường đã đột nhiên đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho cấy ghép”.
Họ có thể đã sử dụng Pháp Luân Công để thu hoạch tạng lúc đầu. Tuy nhiên, họ không dừng lại ở đó.
“Năm 2002, một số thành viên Cơ đốc giáo không đăng ký đã trở thành nạn nhân. Năm 2003, đến lượt người Tây Tạng. Năm 2005, chủ nghĩa cơ hội kinh tế đã bị ĐCSTQ thay thế bằng mong muốn giết chết các kẻ thù nội bộ… Tội phạm nghiêm trọng cũng bị thu hoạch tạng. Các trung tâm cấy ghép được dựng lên để thu 60.000 USD, 100.000 USD, hoặc nhiều hơn, cho mỗi nội tạng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp cấy ghép tạng của Trung Quốc được xây dựng dựa trên việc giam giữ [1 triệu người] Pháp Luân Công [trước đó]”.
Điều gì cần phải làm? Điều gì có thể làm được? Việc điều tra độc lập đối với hành vi thu hoạch tạng tại Trung Quốc là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Một cuộc điều tra độc lập sẽ cung cấp nền tảng cho việc khởi kiện những kẻ có liên quan tới hành vi thu hoạch tạng. Năm 2008, Ủy ban Liên Hợp Quốc về Chống Tra tấn đã yêu cầu: “Trung Quốc cần ngay lập tức thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện một cuộc điều tra độc lập, về cáo buộc rằng người tập Pháp Luân Công đang bị tra tấn, và bị sử dụng làm nguồn cung cho cấy ghép tạng; đồng thời có biện pháp phù hợp để đảm bảo rằng, những kẻ chịu trách nhiệm phải bị truy tố và trừng trị”. Tương tự vào tháng 12/2013, Nghị viện châu Âu thông qua một nghị quyết về thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc, kêu gọi một cuộc điều tra toàn bộ và minh bạch về hành vi này tại Trung Quốc. Cuối cùng, năm 2015, Ủy ban Liên Hợp Quốc về Chống Tra tấn đã tiếp tục kêu gọi: “Trung Quốc cũng cần yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về cáo buộc rằng, người tập Pháp Luân Công có thể là nạn nhân của hành vi [thu hoạch tạng] này”. Một cuộc điều tra độc lập và toàn diện vẫn chưa được thực hiện.
Tại Nghị viện Anh, trong sự kiện vừa qua, tổ chức Liên Minh Thế giới nhằm Chấm dứt Lạm dụng Nội tạng tại Trung Quốc (ICEAC) đã công bố thành lập một Tòa án độc lập để điều tra về nạn thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc. Liệu điều này có cung cấp câu trả lời cho nạn thu hoạch tạng tại Trung Quốc hay không – chỉ thời gian mới có thể trả lời. Tuy nhiên, nó chắc chắn sẽ giúp khởi xướng, và lan rộng cho các quyết định hành động khác của cộng đồng thế giới đối với vấn nạn này.
Ewelina U. Ochab
Ewelina U. Ochab là một nhà hoạt động nhân quyền, tác giả cuốn sách: “Never Again: Legal Responses to a Broken Promise in the Middle East” (Không bao giờ nữa (*): Phản ứng pháp lý đối với một sự thất hứa tại Trung Đông). Cô nghiên cứu về nạn diệt chủng tại nhiều nơi và là tác giả của hơn 30 báo cáo cho Liên Hợp Quốc.
(*) Không bao giờ nữa – Never Again được cho là một lời hứa của các quốc gia trên thế giới rằng, họ sẽ có trách nhiệm phản ứng trước nạn diệt chủng. Lời hứa này được khắc trên tường trại tập trung Dachau tại Đức, nơi diễn ra cuộc diệt chủng người Do Thái trên quy mô lớn.
Theo Trithucvn