Du khách mắc kẹt ở Cô Tô kể chuyện trở về bằng tàu hải quân
Sau gần 12 tiếng di chuyển bằng tàu hải quân, cao tốc và ô tô, Linh đặt chân đến nhà với cơ thể rã rời và những kỷ niệm về kỳ nghỉ không thể nào quên.
Bị mắc kẹt lại đảo Cô Tô 5 ngày là điều nằm ngoài kế hoạch du lịch của Phạm Phương Linh, đến từ Hà Nội. Tuy nhiên, cô may mắn là một trong gần 300 du khách đầu tiên được tàu hải quân đưa trở về đất liền ngày 30/7. Linh kể, khoảng 11 giờ trưa, loa huyện thông báo có tàu đang trên đường ra đảo để đón du khách vào bờ. Cô cùng đoàn nhanh chóng thu dọn hành lý để ra cảng đợi. Cảm giác hồi hộp khi đó được Linh miêu tả giống như lúc “sắp thi đại học”. Nhưng không lâu sau đó, cảm giác lo lắng xâm chiếm toàn bộ tâm trí khi cô được biết chỉ có một chiếc tàu, trong khi trên cảng, hàng nghìn du khách khác cũng đang nóng lòng chờ đợi trở về. Là phụ nữ, lại đi cùng đoàn có con nhỏ nên cô nằm trong nhóm ưu tiên được lên tàu.
Linh cho biết có một cầu thang sắt được nối giữa cầu cảng và tàu để từng du khách bước lên. Nhưng nhiều người lại tự ý lao lên thành tàu với tâm lý sợ bị bỏ lại, tạo nên cảnh tượng chen chúc, xô đẩy và khá mất an toàn. “Sóng lớn đánh vào mạn tàu liên tục, chỉ cần sẩy chân một chút là có thể gặp tai nạn”, Linh kể. Các chiến sĩ hải quân phải rất vất vả để cản dòng người và hướng dẫn du khách lên xuống an toàn, có chỗ nghỉ trên tàu hợp lý. Trẻ em và người già được sắp xếp vào các giường ở khoang giữa tàu để tránh say sóng. Người lớn có thể nằm ở sàn bên trong hoặc ngồi ở mạn bên ngoài. Những người không chịu được sự chao đảo do sóng lớn đập vào mạn tàu, nôn liên tục, “trên tay họ lúc nào cũng trực túi bóng, mặt tái mét”. Với Linh, cô chọn phía đuôi tàu. Lần đầu tiên được ngồi trên tàu hải quân, cô ngẩng đầu và nhìn thấy những đàn chim nối đuôi nhau bay trên bầu trời, chúng còn thỉnh thoảng lao lên, lao xuống bắt cá. Cùng với những đám mây vần vũ, tất cả tạo nên một khung cảnh hùng vĩ. “Với người không say như mình, trải nghiệm này thật ấn tượng và đáng nhớ”, Linh nói.
Cô chia sẻ trong hoàn cảnh đó, mình không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc thưởng thức những điều đang diễn ra xung quanh, bởi lo lắng cũng không giải quyết được vấn đề gì. Linh càng bất ngờ hơn với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp khi tàu vào đến Cửa Đối. “Lúc đó, trời quang dần, núi chồng núi, mây chồng mây, rất hữu tình. Xa xa là một vài chiếc thuyền đang neo đậu trên mặt biển, một cảm giác rất yên bình và trái ngược hoàn toàn với những gì mình vừa trải qua”, Linh tả lại. Hơn 18h, tàu cập bến, mọi người nhanh chóng chuyển sang tàu cao tốc để vào cảng Vân Đồn. Ai nấy đều khẩn trương và vui sướng khi sắp được về nhà. Sau gần một tiếng lênh đênh trên chuyến tàu thứ hai, Linh và tất cả hành khách không khỏi ngạc nhiên khi vừa bước xuống đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo của nhiều đơn vị. Những tràng vỗ tay vang lên như tiếp thêm tinh thần cho các du khách mệt mỏi sau quãng đường di chuyển và ngày dài mắc kẹt. Mỗi người được nhận một hộp sữa và gói bánh để lấy lại sức. Linh cho rằng những món quà này tuy nhỏ nhưng rất giá trị lúc đó, khiến nhiều người cảm động. Do liên hệ từ trước, đoàn cô lên nhanh chóng di chuyển lên xe riêng và trở về Hà Nội. Trên đường đi, điều ám ảnh Linh là những vòng hoa chất đầy trên núi và các đoạn sạt lở. Tuy nhiên với cô, chuyến đi Cô Tô vẫn thật đáng nhớ và ý nghĩa bởi ở đó “tình người thật ấm áp”. *Tên nhân vật đã được thay đổi. Vy An |
Theo VnExpress – Du Lịch