Động đất Nepal: Tháp em đổ sập theo tháp anh
(TNO) Tòa tháp Dharahara, từng là tòa tháp cao nhất Nepal, đã đổ sập theo “người anh em của mình” sau trận động đất kinh hoàng ngày 25.4, chôn vùi hàng trăm sinh mạng.
Thế giới vừa chứng kiến thêm một thảm họa thiên nhiên, cướp đi sinh mạng gần 2.000 người ở Nepal và một số nước lân cận. Trận động đất kinh hoàng ngày 25.4 cũng tàn phá nhiều công trình cổ xưa, trong đó có những di sản thế giới nổi tiếng được UNESCO công nhận, tất cả đều nằm ở thung lũng Kathmandu.
Tòa tháp Dharahara, hay còn gọi là tháp Bhimsen, từng là tòa tháp cao nhất ở Nepal đã đổ sập như chính “tòa tháp anh” của mình năm xưa, cũng vì động đất.
Người ta lâu nay chỉ thấy tháp Dharahara đứng một mình ở thung lũng Kathmandu, nhưng trên thực tế trước đây đó là tòa tháp đôi. Tòa tháp đầu tiên được cố Thủ tướng Nepal, Bhimsen Thapa cho xây dựng vào năm 1824 và tháp Dharahara được xây dựng ngay cạnh bên vào năm 1832.
Năm 1934, “người anh em” của tháp Dharahara bị hư hỏng sau một trận động đất, nhưng cả 2 vẫn tồn tại cùng nhau suốt 100 năm. Đến năm 1933, trận động đất lịch sử làm tòa tháp đầu tiên đổ sập hoàn toàn toàn. Thảm họa động đất năm đó cũng cướp đi sinh mạng của 16.000 người, theo Wall Street Journal.
Sau trận động đất kinh hoàng ấy, tháp Dharahara chỉ còn lại 4 tầng nguyên vẹn. Thủ tướng Nepal lúc bấy giờ là ông Juddha Shumsher đã cho trùng tu lại tòa tháp, để có được hình hài 9 tầng, cao hơn 60 mét như ngày nay du khách vẫn thấy. Suốt gần 200 năm qua, tháp Dharahara sừng sững giữa Kathmandu và là một trong những công trình cao nhất tại đất nước Nepal.
Từ năm 2005 đến nay, du khách vẫn thích thú khi leo lên tầng 8 của tháp Dharahara và ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Kathmandu. Thế nhưng, chỉ sau một trận động đất ngày 25.4.2015, tòa tháp cổ đổ sập cùng những công trình kiến trúc hàng nghìn năm tuổi khác. Thủ đô Kathmandu của Nepal trở nên tan hoang và người ta chỉ còn có thể cầu mong không có thêm người nào mất đi mạng sống trong thảm họa thiên nhiên kinh hoàng này nữa.
Ngọc Mai |
Theo Thanh Niên