Dịch Vũ Hán: Pháp ban lệnh ‘giới nghiêm’, người dân vẫn thản nhiên tụ tập, mua sắm
Sau khi chính phủ Pháp công bố các biện pháp siết chặt hơn trong công tác kiểm soát dịch viêm phổi Vũ Hán, điển hình là lệnh hạn chế tối đa người dân đi lại tự do trên toàn quốc trong vòng 15 ngày tới, có hiệu lực từ ngày 17/3, người dân Pháp vẫn thản nhiên ra đường mua sắm, đi dạo trong công viên và xếp hàng mua đồ.
Trước đó vào ngày 14/3, chính phủ Pháp đã công bố các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt như: đóng cửa quán bar, nhà hàng và rạp chiếu phim, sau khi đóng cửa trường học và cấm tụ tập đông người. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo người dân nên tuân thủ kỷ luật hơn, như hạn chế tiếp xúc với người khác, tránh mua sắm khi không cần thiết.
Tuy nhiên, mọi người vẫn lờ đi những cảnh báo về mức độ lây nhiễm cao của virus corona. Họ vẫn tụ tập ở công viên, chợ, nhà hàng… không những không bảo vệ được mình mà còn gây nguy hiểm cho người khác.
Tổng thống Pháp đã cảnh báo các hành vi như vậy có thể khiến mọi người gặp nguy hiểm: “Ngay cả khi các chuyên gia đang cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của tình hình, chúng ta vẫn thấy mọi người tụ tập trong công viên, khu mua sắm, trong khi các nhà hàng và quán bar sầm uất không tôn trọng lệnh đóng cửa. Cuộc sống như thể vẫn không có gì thay đổi”.
Theo bình luận viên Adam Nossiter của tờ New York Times, thông điệp gửi tới người dân của chính phủ Pháp không phóng đại tình hình thực tế của dịch Vũ Hán. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa những lời cảnh báo và trấn an của ông Macron dường như không thể khiến người dân chú ý hoặc cẩn trọng hơn đối với tình hình dịch bệnh.
Sau khi lệnh hạn chế đi lại được ban hành, khu chợ ngoài trời khổng lồ ở quảng trường Bastille, tọa lạc ngay trung tâm Paris, vẫn tấp nập người mua sắm và hàng quán vẫn bày đủ mặt hàng như hàu, cá, thịt, sandwich kiểu Trung Đông hay những loại nấm đắt tiền. “Tôi sẽ không tăng giá chỉ vì con virus này!“, một người bán thịt hô lớn để thu hút khách hàng.
Trong khi đó, vài người đặt nghi vấn về thiếu sót trong lệnh phong tỏa của chính phủ, ngay cả khi họ được hưởng lợi từ đó. “Thật kỳ lạ khi họ vẫn cho phép chợ và nhà thờ hoạt động. Điều đó có đúng không? Tôi thấy nó không nhất quán lắm“, Camille Gabarra, người mua hàng ở chợ, nêu ý kiến.
Video: Người dân Paris làm lơ với cảnh báo từ phía chính phủ
Một số người khác cho rằng cần phải duy trì các khu chợ bởi chúng an toàn hơn so với những cửa hàng khép kín. “Đương nhiên tôi lo lắng một chút, nhưng cảm thấy ở ngoài trời an toàn hơn. Tôi đang cố gắng chú ý không đi vào trong các không gian công cộng kín”, người mua hàng tên Laure Chouraqui chia sẻ.
Tại một tiệm bánh gần quảng trường Nation phía đông Paris, vài chục khách hàng chen chúc nhau, không tuân theo bất cứ quy tắc về khoảng cách nào. “Chúng tôi không thể sống thiếu bánh mì. Họ không thể cướp nó khỏi người Pháp”, Bruno Lanterne, một thợ làm tóc 55 tuổi, cho hay.
Bình luận viên Nossiter cho rằng nước Pháp có một “phiên bản” phong tỏa rất khác biệt, hầu hết cửa hàng và các điểm giải trí đều bị đóng cửa, nhưng nhà thờ và chợ thực phẩm lại không nằm trong diện bị phong tỏa.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner khẳng định, rất nhiều người vẫn không tuân thủ các khuyến cáo phòng, chống dịch lây lan. Nước Pháp không phải là ngừng hoạt động hoàn toàn. Vẫn có các ngoại lệ để ra khỏi nhà, đi làm và xử lý công việc cần thiết, chứ không phải đi chơi, tụ tập. Do đó, lệnh vừa ban hành đã rất rõ ràng rằng: nếu không buộc phải ra đường, hãy ở nhà.
Tính đến thời điểm hiện tại, Pháp đã ghi nhận 7.730 ca nhiễm virus corona, trong đó có 175 ca tử vong. Ngoài ra, dịch Covid-19 đã khiến 19.178 người bị lây nhiễm và 7.965 người tử vong trên toàn thế giới kể từ khi nó bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019.
Thiện Thành (t/h)