Địa ngục tại trần gian: 5 giáo sư đại học Trung Quốc bị bức hại đến chết vì tín ngưỡng của mình
Đã 18 năm qua, cuộc thảm sát đẫm máu những người tu luyện Pháp Luân Công của chính quyền ĐCS Trung Quốc vẫn chưa kết thúc. Rất nhiều giáo sư, tiến sĩ hàng đầu cũng đã bị bức hại đến chết chỉ vì tín ngưỡng “chân, thiện, nhẫn” của mình.
Tháng 7/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc đàn áp những người tập Pháp Luân Công, một môn tu luyện mang lại lợi ích cả thân lẫn tâm cho hàng triệu người dân TQ lúc đó, được phổ truyền rộng rãi từ năm 1992, khởi đầu giai đoạn bức hại nhân quyền kéo dài hơn 18 năm qua. Ông Giang Trạch Dân đã lợi dụng cỗ máy tuyên truyền và quyền lực nhà nước để thực hiện chính sách tận diệt những người theo Pháp Luân Công.
Theo thống kê chưa đầy đủ của trang minghui.org của Pháp Luân Công tính đến ngày 17/2/2017, khoảng 4.075 người tập Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, số người bị mổ cướp nội tạng còn khó tin hơn. Ngoài ra, hàng triệu người bị bắt bớ, bị cưỡng bức lao động phi pháp. Trang Minh Huệ cũng nhận định, vì tình hình bức hại bị che giấu nên só người tập môn này bị giết hại thực tế lớn hơn nhiều.
Những người theo tập Pháp Luân Công bị tra tấn hành hạ đến chết trong các trại giam, trại cưỡng bức lao động, nhà tù, các trung tâm tẩy não và bệnh viện tâm thần. Họ bị đủ loại hình thức tra tấn như bị đánh, điện giật, tiêm thuốc độc, cố định ghế hổ, hãm hiếp… khiến vô số người bị thương tật. Rất nhiều vụ thảm án đã lan truyền ra nước ngoài phơi bày tội ác của ĐCSTQ.
Dưới đây là trường hợp 5 vị giáo sư đại học tâm huyết với nghề, thay vì được tôn kính lại bị bức hại đến chết chỉ vì đức tin vào tín ngưỡng chân, thiện, nhẫn của họ.
Phó giáo sư Đại học Nông nghiệp Đông Bắc
Bà Lưu Lệ Mai, là Phó giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Đông Bắc đã bị bức hại đến chết vào ngày 12/8/2013 khi mới 41 tuổi chỉ vì bà theo học Pháp Luân Công.
Theo báo cáo từ website Minghui.org, ngày 31/1/2003, bà Lưu Lệ Mai bị người bên An ninh Quốc gia bắt giữ và đưa đến Trại giam Số 2 Cáp Nhĩ Tân, họ tra tấn hòng ép bà từ bỏ đức tin của mình.
Tại một tầng ở trụ sở Đội An ninh Quốc gia có một phòng lớn. Trong phòng có một thanh sắt lớn bắc ngang phía trên, treo một ròng rọc sắt cố định, một dây thừng xuyên qua ròng rọc, một đầu cố định, một đầu còn lại buộc bà Lưu Lệ Mai vào đó, người bà bị đưa đi đưa lại trong không trung.
Khi thấy bà Lưu Lệ Mai không chịu khuất phục, họ đã hạ bà xuống, buộc cố định phần đầu và chân bà lại, khiến thân thể bà bị uốn cong, sau đó lại đưa lên và kéo ròng rọc cho chuyển động lui tới mạnh hơn trước.
Từ ngày 31/1 đến ngày 2/2/2003, cảnh sát còn ra tay tàn độc hơn với bà Lưu Lệ Mai: Họ dùng băng keo bịt kín miệng bà, sau đó bôi đầy dầu mù tạt vào mũi bà. Dầu mù tạt sẽ khiến người ta muốn hắt hơi, nhưng khi miệng bị bịt kín thì cảm giác này vô cùng khó chịu, thậm chí còn thở không được.
Tuy nhiên không vì thế mà bà Lưu Lệ Mai bị khuất phục. Cảnh sát lại nói rằng mù tạt của Trung Quốc không tốt, phải dùng mù tạt của Nhật. Sau đó, họ tiếp tục đổ đầy mù tạt vào mũi bà.
Cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân đã ban hành chính sách nhổ tận gốc Pháp Luân Công “đánh chết thì đánh chết, đánh chết tính là tự sát”, chính vì thế những nhân viên cảnh sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong các cơ sở giam giữ bất chấp mọi thủ đoạn để bức hại những người tập Pháp Luân Công.
Sau khi bị tra tấn bằng mù tạt, bà Lưu Lệ Mai ho dữ dội, thậm chí cũng không thể ăn được, cơ thể hết sức yếu ớt nhưng sau đó vẫn tiếp tục bị tra tấn bằng một số phương thức khác. Một thời gian sau, cơ thể bà gầy như chỉ còn da bọc xương, đi lại cũng hết sức khó khăn, sau đó thì bị sốt cao liên tục. Ngày 17/7, bà Lưu được chuyển đến bệnh viện Vạn Gia, chưa đầy 1 tháng sau đó thì qua đời.
Giáo sư Đại học Thanh Hoa Cao Xuân Mãn
Ông Cao Xuân Mãn, một giáo sư chuyên ngành kỹ thuật hóa học tại Đại học Thanh Hoa, từng là một trong những sinh viên được cử đi du học ở Liên Xô về kỹ thuật hạt nhân.
Sau khi về nước, ông đã tham gia nhiều nghiên cứu về công nghệ sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho chế tạo bom nguyên tử và tên lửa đạn đạo. Sau này ông còn xuất bản một số quyển sách nổi tiếng về phóng xạ hay luyện kim.
Ngày 5/8/1994, ông Cao Xuân Mãn tham dự Khóa học Pháp Luân ông tại Cáp Nhĩ Tân do đích thân nhà sáng lập pháp môn này là ông Lý Hồng Chí giảng dạy. Sau đó, ông đã được giới thiệu với nhóm dịch sách Pháp Luân Công, và chuyển ngữ quyển sách Chuyển Pháp Luân (quyển sách chính của Pháp Luân Công) sang tiếng Nga.
Tháng 8/1996, ông Cao đến St Petersburg, Nga để thiết lập điểm luyện công đầu tiên tại Nga. Từ đó Pháp Luân Công đã bắt đầu được phổ biến tại Nga.
Pháp Luân Công còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một công pháp tu luyện lấy Chân Thiện Nhẫn làm nguyên tắc chỉ đạo cho việc tu tâm và luyện thân, đã có tác dụng thần kỳ trong việc nâng cao tiêu chuẩn đạo đức và trừ bệnh khỏe người. Môn tập này được giới thiệu lần đầu vào năm 1992 tại Trường Xuân, Trung Quốc, sau đó phổ truyền rộng khắp hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Người dân từ khắp các giai tầng xã hội, từ quan chức chính phủ, nhân viên quân đội, giáo sư đại học, học sinh, sinh viên… đều theo tập Pháp Luân Công.
Ông Cao Xuân Mãn có ảnh hưởng nhất định đối với những người học Pháp Luân Công ở Nga. Ông là một giáo sư nổi tiếng của Đại học Thanh Hoa, đồng thời tháng 3/2002, ông tham dự Hội nghị Văn hóa và Khoa học Tương lai tại Cambridge, Anh đã có bài phát biểu “Công trình giáo dục tương lai”, vì vậy mà ĐCSTQ coi ông như một cái gai trong mắt.
Sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, ông Cao Xuân Mãn bị buộc phải rời khỏi Trung Quốc, ẩn náu ở Nga, đến năm 2003 ông đã đệ đơn xin tị nạn lên Liên Hiệp Quốc, cùng năm đó đã được phê chuẩn.
Năm 2007, vì để có được sự hợp tác của Nga trong việc bức hại Pháp Luân Công, Giang Trạch Dân khi đó đang là lãnh đạo ĐCSTQ đã đưa ra hợp đồng hợp tác trị giá đến 4 tỷ USD. Bị hấp dẫn trước món lợi khó cưỡng do ĐCSTQ đưa ra, Nga đã trục xuất ông Cao về Bắc Kinh. Sau khi bị dẫn độ về nước, ông Cao Xuân Mãn bị bắt giữ và bị tra tấn kéo dài, đến ngày 14/3/2011 ông đã qua đời ở tuổi 76.
Phó giáo sư tại Đại học Nam Kinh Vương Tái Nguyên
Ông Vương Tái Nguyên là Phó giáo sư Đại học Nam Kinh. Ông từng mắc các chứng bệnh như cao huyết áp, bệnh tim mạch vành, đau đầu chóng mặt, toàn thân khó chịu, dùng đủ loại thuốc điều trị mà bệnh không hết.
Tháng 6/1995, ông Vương Tái Nguyên bắt đầu tập Pháp Luân Công, ba tháng sau thì huyết áp bắt đầu ổn định, đầu không còn đau nữa, tinh thần cũng trở nên minh mẫn hơn, đi bộ nhẹ nhàng, thực sự là có sự cải biến lớn về sức khỏe. Không chỉ thân thể khỏe mạnh, tinh thần của ông cũng có nhiều thay đổi tích cực.
Sau khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại, ông Vương đã ba lần bị bắt giữ, khám nhà bất hợp pháp, và 2 lần bị đưa vào trại tẩy não. Tháng 1/2001, ông bị đưa vào giam giữ trong Trại tẩy não Cổ Lâu khoảng nửa năm và bị bức hại nghiêm trọng đến mức phải đưa đi cấp cứu.
Ngày 27/4/2001, ông bị đưa đi cải tạo lao động phi pháp 2 năm. Suốt nhiều năm, cảnh sát liên tục đột nhập vào nhà sách nhiễu, kiểm tra máy tính của ông Vương. Áp lực nặng nề trong thời gian dài đã khiến tinh thần ông Vương căng thẳng, hoảng sợ, cả thân thể và tâm lý đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngày 22/6/2008, ông Vương đã qua đời.
Giáo sư Chu Cảnh Sâm tại Học viện Quản lý thành phố Cáp Nhĩ Tân
Giáo sư Chu Cảnh Sâm thuộc Học viện Quản lý thành phố Cáp Nhĩ Tân theo học Pháp Luân Công từ tháng 8/1997.
Tối 29/9/2002, ông Chu Cảnh Sâm cùng vợ và con gái bị bắt giữ cùng một lúc. Việc bắt giữ không tuân theo bất cứ trình tự pháp luật nào, nhưng mỗi người trong gia đình họ đều bị đưa đến trại lao động cưỡng bức suốt 3 năm.
Ông Chu Cảnh Sâm bị giam giữ tại Đại đội 4 Trại Cưỡng bức Lao động Trường Lâm Tử, Cáp Nhĩ Tân và phải chịu tra tấn tàn khốc. Cảnh sát tại đây dùng các phương thức tàn nhẫn nhằm “chuyển hóa” những người tập Pháp Luân Công, dùng 6 dùi cui sốc điện đồng thời. Sau một thời gian bị bức hại, thân thể ông Chu trở nên tàn tạ, gầy mòn và còn bị ghẻ kéo dài. Ông bị ép ngồi trong những chiếc ghế đẩu nhỏ liên tục, đến nỗi khi đứng dậy thì không giữ vững nổi thăng bằng. Sau đó gần như nằm liệt giường hơn 1 tháng.
Trong một cuộc kiểm tra, người ta phát hiện ra ông Chu Cảnh Sâm nằm liệt giường, lo sợ trách nhiệm nên đến ngày 21/8/2003 đã thông báo cho người nhà đến đón ông về.
Sau khi về nhà được khoảng nửa tháng, ông Chu Cảnh Sâm đã qua đời một cách oan uổng, mắt và miệng ông không thể khép vào được, tro hỏa táng cũng một màu nâu sẫm khác thường.
Giáo sư Phác Thế Hạo tại Đại học Y Diên Biên
Giáo sư Phác Thế Hạo thuộc Đại học Y Diên Biên, Cát Lâm là một người đã bồi dưỡng rất nhiều nhân tài cho Trung Quốc, những nghiên cứu khoa học của ông không chỉ giành được các giải thưởng tiếng tăm và còn được cấp bằng sáng chế.
Giống như hàng ngàn hàng vạn người tập Pháp Luân Công khác, ông Phác Thế Hạo khi đối diện với cuộc bức hại tàn khốc của ĐCSTQ vẫn luôn chọn cách giảng giải sự thật một cách ôn hòa lý trí nhằm phơi bày những lời tuyên truyền dối trá của ĐCSTQ.
Sau khi ông Phác Thế Hạo nói rõ sự thật về cuộc bức hại, đã bị cảnh sát bắt đến Trại tạm giam Diên Biên. Tại đây ông đã bị tra tấn tàn bạo, thân thể gầy gò, làn da tím tái, ngoại hình của trông không khác gì một đứa trẻ yếu ớt.
Ngày 21/2/2002, ông Phác Thế Hạo bị bức hại đến chết trong trại tạm giam, thi thể được đưa đi hỏa táng ngay lập tức.
Hiện nay, người dân trên toàn thế giới ngày càng hiểu hơn về cuộc bức hại và cất tiếng nói từ lương tri để lên án tội ác phản nhân loại, đồng thời chung tay nỗ lực chấm dứt cuộc bức hại này sớm nhất có thể.
Theo Trithucvn